Cũng không hiểu sao anh lại xin số điện thoại của tôi - một cô gái làm đoàn viên tự nguyện. Lý do anh đưa ra là khi nào có chương trình từ thiện tiếp theo, anh sẽ gọi báo trước cho tôi chuẩn bị. Nhưng sau đó là những cuộc hẹn cà phê, đi ăn ở những nhà hàng sang trọng. Qua tìm hiểu, tôi mới biết được nhà anh rất giàu có với hai nhà hàng lớn nhất tỉnh. Không muốn phụ thuộc gia đình nên anh mở công ty sản xuất quần áo xuất khẩu. Hiện tại, dù chỉ mới hơn 35 tuổi nhưng anh đang quản lý số nhân lực lên tới vài trăm người và thường xuyên tổ chức các chương trình từ thiện.
Yêu nhau được gần một năm thì chúng tôi tổ chức đám cưới. Một đám cưới hoàng tráng trong mơ của các cô gái đúng nghĩa. Nhưng với gia đình tôi thì đầy chuyện buồn. Ngày cưới, khi mọi người bỏ giày bên ngoài hiên mới vào nhà thì họ hàng nhà trai lại mang cả giày guốc vào.
Bố tôi ngỏ ý muốn họ để giày bên ngoài thì bố chồng tôi lên tiếng: "Giày của chúng tôi toàn giày mới, lại ngồi ô tô nên chắc còn sạch hơn nền nhà bác sui gia ấy chứ". Trong câu nói ấy chứa đầy sự khinh miệt. Tôi nghe mà đắng chát lòng. Bố mẹ tôi thấy thế cũng vui vẻ chấp nhận và nói mọi người bên nhà gái cũng mang giày vào. Nhưng tôi biết bố mẹ mình đang buồn và tự ái lắm.
Làm lễ, dù là bên nhà gái thì bố chồng tôi vẫn giành phát biểu trước quan khách. Và ông luôn nói rằng: "Con gái lấy chồng như bát nước hắt đi. Sau này phải chu toàn nhà chồng trước mới tới nhà đẻ đúng không quý vị, (quay sang vỗ vai bố tôi) gả con gái cho nhà tôi, anh chị coi như có phước mấy đời, cứ kê cao gối mà ngủ ngon, chẳng phải lo lắng miếng cơm manh áo cho con, rồi anh chị cũng được thơm lây". Thế đấy, toàn những lời lẽ mà đến giờ, con trai đã 1 tuổi tôi vẫn không thể nào quên được.
Về làm dâu, tôi càng thấm thía hơn nỗi đau lấy chồng giàu. Chồng tôi vẫn vậy, thương yêu và chiều chuộng tôi nhưng tôi không sống nổi với bố mẹ chồng.
Sau đám cưới, ông bà bắt tôi phải sống ở nhà chồng đúng ba ngày mới được về nhà đẻ. Mẹ chồng tôi mua một lẵng trái cây và một giỏ yến tổ để tôi đem về tặng bố mẹ. Ở quê không có gì làm quà đáp lại nên bố mẹ tôi bắt hai con gà và hái một ít rau sạch gửi lên.
Vậy mà khi nhìn thấy, bố mẹ chồng tôi đã lắc đầu xua tay. "Gà, rau ở siêu thị đầy, việc gì phải đem lên đây. Đem lên thì tự làm đi". Ngồi tự làm gà mà nước mắt tôi chỉ muốn rơi. Tấm lòng của bố mẹ tôi đối với bố mẹ chồng chỉ là thứ không đáng.
Rồi tôi có bầu, sinh con nhưng bố mẹ chồng tôi vẫn chẳng thay đổi là mấy. Vì thế mà bố mẹ tôi rất ít khi lên thành phố thăm tôi và cháu. Bởi lần nào lên cũng nhận được sự khinh thường từ bố mẹ chồng.
Khi con trai được 1 tuổi, gia đình chồng tôi tổ chức tiệc thôi nôi rất lớn. Bố mẹ tôi cũng tham dự. Ông bà tặng cho cháu một bộ quần áo. Nhìn bộ đồ, tôi biết ông bà đã dành dụm mới mua được nó bởi dựa vào chất vải, tôi biết giá của nó rất đắt. Tôi nâng niu bộ quần áo đó lắm và cất vào ngăn tủ của con.
Thế mà mới sáng hôm sau, khi cho cún con ăn, tôi bật khóc khi nhìn thấy bộ đồ trong nhà cún. Tôi cầm lên và hỏi thì mẹ chồng cau có: "Tao tưởng đồ cho chó nằm. Cháu tao không được mặc những bộ quần áo hàng chợ như thế, vải dởm, đường may kém, mặc vào nó rát da cháu tao. Liệu hồn thì đem vứt đi".
Tim tôi cứ như bị ai đó bóp nghẹt. Ai bảo lấy chồng giàu thì sướng, ai bảo lấy chồng giàu cả nhà được nhờ. Tôi đây đang hối hận cực độ và chỉ muốn ôm con bước ra khỏi căn nhà 5 lầu này ngay thôi. Tôi phải làm sao để mẹ chồng thôi khinh thường gia đình mình đây?
Tác giả bài viết: T.G.H
Nguồn tin: