Pháp luật

Bắt giữ 45 tấn đường nhập lậu "nghênh ngang" về Việt Nam bằng ô tô cỡ lớn

Theo tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, rạng sáng ngày 13/12, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ số đường cát nhập lậu cực lớn với 45 tấn. Đáng nói số hàng trên được đối tượng manh động và liều lĩnh chở trên 2 chiếc xe ô tô tải cỡ lớn di chuyển từ An Giang sang Tiền Giang.

Được biết, hai đối tượng chở đường lậu đều trú tại tỉnh An Giang, địa bàn phức tạp về đường lậu biên giới Tây Nam. Tổng số hàng hóa đường nhập lậu nói trên ước tính trị giá khoảng trên 600 triệu đồng.

Hai xe tải đường nhập lậu bị bắt giữ (ảnh Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia)

Theo cơ quan chức năng, hành vi vi phạm của các đối tượng là sử dụng phương tiện cỡ lớn, chở đường vi phạm công khai, có tổ chức và có quy mô lớn. Số hàng hóa vi phạm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Hải quan tỉnh An Giang hoạt động buôn lậu đường biên giới Tây Nam, địa bàn các huyện giáp biên như Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc rất phức tạp do giáp biên giới Campuchia...

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: Hoạt động buôn lậu đường tại biên giới Tây Nam, trong đó có các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Tây Ninh, trong đó đặc biệt tại An Giang, Kiên Giang diễn ra phức tạp, nhiều năm do hoạt động sông ngòi giáp biên.

Hải quan An Giang cho biết: Các tổ chức buôn đường lậu sử dụng nhiều phương tiện xe máy, ghe xuồng để chở hàng lậu, cá biệt có những vụ chở công khai bằng ô tô trên quy mô lớn vào thị trường Việt Nam. Hoạt đồng đường lậu do người Việt, kết nối với các đối tượng Campuchia, Thái Lan để đưa đường về Việt Nam.

Bên kia biên giới, các tổ chức sản xuất hàng lậu "đóng bao trắng", không nhãn mác, tổ chức chuyển hàng, khui hàng từ các bao lớn sang bao nhỏ để chuyển sang Việt Nam.

Tại khu vực cư dân biên giới, nhiều đối tượng cấu kết với người dân để chuyển đường lậu từ "bao trắng" thành bao, túi đường có nhãn mác các DN trong nước để tuồn ra thị trường tiêu thụ.

Hiện, nguyên nhân chính của nạn đường lậu chính là do đường trong nước đắt hơn đường từ các nước Thái Lan, Campuchia, do quy mô sản xuất của các nhà máy đường tại Thái Lan lớn hơn Việt Nam, cộng với ngành mía đường của họ phát triển, có năng suất và hiệu quả hơn.

Theo tính toán sơ bộ của Hải quan An Giang, lợi nhuận trên mỗi tấn đường nhập lậu có thể từ 1 - 2 triệu đồng.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP