Tin địa phương

Bất cập trong quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ nữ - Bài 3: Lúng túng trong quản lý

Bệnh viện Phụ nữ không phải bệnh viện công cũng chẳng phải bệnh viện tư, cùng với đó là cơ chế quản lý bất cập và sự thiếu thống nhất giữa những lãnh đạo Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (đơn vị quản lý bệnh viện - pv) dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nhiều phụ nữ nghèo khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ vẫn phải nộp viện phí do trái tuyến. Trong ảnh: bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phụ nữ.

Bất nhất trong chủ trương

Tháng 8-2016, Thường trực Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Thành Hội) có Thông báo số 08 do ông Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch phụ trách Hội ký, với nội dung: “Từ ngày 1-9-2016, Thành hội không tài trợ, miễn giảm chi phí khám và điều trị cho bệnh nhân trái tuyến tại Bệnh viện Phụ nữ”.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Chí Thành cho biết: “Nhà nước đã chi ngân sách mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo và luôn khuyến khích người có BHYT đi khám, điều trị đúng tuyến, nhằm bảo đảm sự cân bằng và ổn định chung của quỹ BHYT trong cả nước.

Việc Bệnh viện Phụ nữ hỗ trợ chi phí khám, điều trị trái tuyến là đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước và góp phần gây mất ổn định quỹ BHYT chung. Về phía Thành Hội, quan điểm là ưu tiên nguồn kinh phí tài trợ cho bệnh nhân nghèo bị bệnh nan y, khám và điều trị đúng tuyến, không tài trợ viện phí cho phụ nữ khám thai và sinh đẻ bình thường nhưng trái tuyến tại Bệnh viện Phụ nữ”.

Chủ trương này ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía bà Nguyễn Thị Vân Lan, khi đó là Phó Chủ tịch Thành Hội kiêm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Bệnh viện Phụ nữ. Ngay sau đó, bà Vân Lan có tờ trình số 16 ký ngày 12-9-2016 phản đối việc này với lý do: “Bệnh viện Phụ nữ là bệnh viện chuyên khoa phụ sản nên không được BHYT phân bổ đầu thẻ khám, chữa bệnh ban đầu.

Hầu hết bệnh nhân đến với bệnh viện đều được coi là trái tuyến. Nếu cắt đối tượng này thì hầu như phụ nữ nghèo muốn đến khám và điều trị tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản chất lượng cao như Bệnh viện Phụ nữ cũng không thể đến được”. Trong tờ trình này, bà Vân Lan cũng cho rằng, nếu làm như ông Thành thì Hội không tài trợ được cho 98% phụ nữ nghèo đến tầm soát phát hiện ung thư và điều trị trái tuyến, sinh đẻ, khám thai.

Để làm rõ quan điểm của mình, ông Trần Chí Thành đưa ra các báo cáo của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng: Năm 2015, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng cấp cho Bệnh viện Phụ nữ hơn 400 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư cho phụ nữ nghèo.

Vậy mà kết quả chỉ phát hiện 2 trường hợp trên tổng số 593 phụ nữ nghèo đến khám. Năm 2016, nhận thấy bệnh viện sử dụng kinh phí tài trợ không hiệu quả, Thường trực Thành Hội không giao cho Bệnh viện Phụ nữ nữa, mà chuyển kinh phí 35 triệu đồng (chưa bằng 1/11 số tiền của năm 2015) về cho các địa phương tổ chức khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư cho phụ nữ nghèo.

Kết quả mang lại hoàn toàn khác: có gần 4.000 lượt phụ nữ nghèo được khám tầm soát, phát hiện sớm và tư vấn, hướng dẫn chữa trị cho hơn 500 lượt phụ nữ có các triệu chứng của bệnh ung thư.

“Đây là năm chúng tôi đổi mới phương thức tổ chức khám phát hiện ung thư vú, tử cung cho phụ nữ nghèo, hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần, với số tiền ít hơn nhiều lần. Điều quan trọng nhất là có thêm hàng ngàn phụ nữ được tiếp cận với nguồn tài trợ để được khám, tầm soát, chữa trị sớm căn bệnh ung thư”, ông Thành khẳng định.

Lúng túng trong quản lý

Một trong những điểm bất hợp lý trong quản lý, vận hành và hạch toán tài chính của Bệnh viện Phụ nữ là hằng năm, bệnh viện phải trích nộp về Hội 50% lợi nhuận trước khấu hao, với tổng số tiền là hơn 13 tỷ đồng. Với tư cách pháp nhân là công ty TNHH MTV thì điều này trái với Luật Doanh nghiệp, nhưng bản thân bệnh viện ra đời trên cơ sở nguồn vốn do Thành Hội cấp, vì thế, Thành Hội coi đó như là nguồn lợi nhuận do Hội đầu tư, nhằm có kinh phí để triển khai các hoạt động từ thiện.

Khoản tiền 13 tỷ đồng đó đến nay Bệnh viện Phụ nữ không đưa vào chi phí thường xuyên, mà theo dõi trên tài khoản phải thu khác (đối tượng phải thu là Hội Bảo trợ). Nghĩa là đối với bệnh viện, số tiền đó cho Hội vay và Hội có trách nhiệm phải trả lại.

Sau khi có ý kiến của kiểm toán độc lập cũng như kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Tài chính chủ trì, tháng 3-2017, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố đã xử lý bằng cách ra quyết định thay đổi giảm vốn điều lệ của Hội tại Bệnh viện Phụ nữ với số tiền hơn 13 tỷ đồng tương ứng.

Một điểm bất thường khác, mặc dù được Thường trực Thành Hội cử về làm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động của bệnh viện đi đúng tôn chỉ, mục đích đặt ra từ đầu, nhưng bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố khi đó đã hai lần viết giấy ủy quyền, ủy quyền toàn bộ việc điều hành, quản lý, hoạt động cho giám đốc bệnh viện.

Lần đầu là ủy quyền cho quyền Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đắc Hùng, lần thứ hai là ủy quyền cho Giám đốc Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động của bệnh viện theo quy chế hiện hành. Như vậy, nghiễm nhiên bà Nguyễn Thị Vân Lan đã tự mình rời bỏ nhiệm vụ được Hội giao phó, trong khi bà vẫn làm việc bình thường tại Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố và khoảng cách từ văn phòng Hội đến bệnh viện chỉ chưa đầy 1 cây số (?).

Thiếu thống nhất trong số liệu

Một điểm đáng nói nữa là theo Quyết định số 148/QĐ-HBT ngày 28-12-2010, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố quy định Bệnh viện Phụ nữ phải nộp cho Hội hơn 1,5 tỷ đồng và theo Thông báo số 12/TB-HBT ngày 17-5-2012 thì mức khoán bệnh viện nộp về cho Hội là 50% lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí theo quy định (không bao gồm chi phí khấu hao).

Như vậy, tổng kinh phí trích nộp của bệnh viện về cho Hội từ năm 2011 đến cuối tháng 12-2015 là hơn 15 tỷ đồng, trong đó bệnh viện đã chuyển về được hơn 13 tỷ đồng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân bệnh viện báo lỗ và không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong 7 năm hoạt động (từ 2009 đến 2015). Số tiền này Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố cấp ngược trở lại cho bệnh viện hơn 7,7 tỷ đồng để chi miễn, giảm viện phí cho phụ nữ nghèo.

Vậy là cùng khoản chi cho đối tượng bệnh nhân là phụ nữ nghèo, nhưng tiền cứ chạy lòng vòng từ bệnh viện lên Hội, rồi từ Hội chi ngược về cho bệnh viện, khiến cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát được.

Bởi thế, ngay cả số lượt phụ nữ nghèo đến khám, điều trị tại Bệnh viện Phụ nữ cũng có sự khác biệt trong các thông báo, báo cáo. Trong Thông báo số 03 (ngày 10-6-2016) khi Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh làm việc với Bệnh viện Phụ nữ, kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2009) đến hết năm 2015, Hội đã hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 12.481 phụ nữ nghèo, bị bệnh nan y với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng.

Thế nhưng, 6 tháng sau, theo Báo cáo số 52 do ông Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ ký ngày 28-11-2016, trong cùng giai đoạn 2009-2015, đơn vị chỉ thực hiện miễn, giảm chi phí khám và điều trị cho hơn 8.600 lượt phụ nữ nghèo có thẻ BHYT tại thành phố với số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Vậy là giữa bệnh viện và cơ quan chủ quản là Thành Hội mà con số chênh lệch đến gần 4.000 lượt phụ nữ nghèo được miễn, giảm viện phí. Vậy con số nào là đúng, và số tiền chi cho việc dôi dư này được sử dụng vào mục đích gì?

Tác giả: Nhóm P.V VHXH

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP