Giáo dục

Báo nước ngoài nhìn nhận thế nào về giáo dục Việt Nam?

AFP cho rằng sự mệt mỏi về tình trạng gian lận tràn lan, học vẹt và những lớp học đầy lý thuyết là những lý do khiến tầng lớp trung lưu ở Việt Nam cho con ra nước ngoài học ngày càng nhiều.

1 MSSM jpg ashx
Con số đang gia tăng

Theo số liệu thống kê từ các nhà giám sát độc lập, mỗi năm, các bậc cha mẹ người Việt Nam chi đến hơn 1 tỉ USD để con cái họ có thể theo học ở các trường đại học và cao đẳng của nước ngoài. Việc này, theo các chuyên gia, đã góp phần đẩy lùi hệ thống giáo dục trong nước và cản trở tăng trưởng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo Trung tâm giám sát ICEF – đơn vị theo dõi ngành giáo dục toàn cầu – từ các thanh thiếu niên đang theo học ở các trường trung học cơ sở ở Singapore tới các sinh viên đại học đang học tập ở các cơ sở giáo dục có uy tín của Mỹ, ít nhất 125.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học ở nước ngoài.

Con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số gần 17 triệu học sinh và sinh viên của Việt Nam nhưng lại đang gia tăng nhanh chóng, trong đó chỉ riêng trong năm 2013, số du học sinh của Việt Nam đã tăng thêm 15% so với năm trước đó.

Nữ công chức Nguyễn Thị Thu cho biết chị đã phải bán bớt một số tài sản của gia đình để trang trải chi phí lên đến hàng trăm nghìn USD cho 2 cậu con trai đang theo học ở nước ngoài.

Khi 2 con – hiện học tập ở Anh – theo học tại các trường công ở Hà Nội – chị Thu cho biết chị thường xuyên phải nghỉ làm để đưa các con đi học thêm tại các lớp học do chính các giáo viên của trường công tổ chức. Các giáo viên ở các trường này được trả lương rất thấp.

“Một lần con trai tôi hỏi tôi rằng tại sao nó không bao giờ được điểm cao nhất lớp dù nó học tốt hơn so với bạn” – chị Thu nói.

2 lsgb jpg ashx
Các học sinh Việt Nam trong một chương trình tư vấn du học.

Nền giáo dục còn bất cập

Tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam đồng nghĩa với việc giáo dục là một nỗi ám ảnh quốc gia. Song, các chuyên gia cho rằng các trường học của Việt Nam hiện nay lại đang làm hỏng các sinh viên, khiến cha mẹ các em phải tìm cách để cho con họ tới các cơ sở giáo dục phương Tây để chúng có được những bằng cấp cần thiết phục vụ cho việc tìm việc làm sau này.

Hàng chục nghìn người Việt Nam hiện nay đang theo học ở Australia, Mỹ và Anh. Những con số này nghe thì không lớn nhưng thực chất rất đáng chú ý ở một nước mà thường chỉ những người ở tầng lớp ưu tú mới có điều kiện để tiếp cận giáo dục ở nước ngoài.

Tuy nhiên, dù số lượng những cuộc xuất hành của các học sinh, sinh viên người Việt Nam đã tăng lên trong thời gian qua nhưng những ngôi trường ở nước ngoài vẫn là điều ngoài tầm với với hầu hết các gia đình ở Việt Nam, nơi thu nhập bình quân theo đầu người mới chỉ đạt hơn 1.500 USD.

Giáo dục nhà nước của Việt Nam đạt điểm tốt ở một số chỉ số. Ví dụ, theo biểu đồ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Việt Nam xếp thứ 17/65 nước thực hiện đánh giá ở môn toán học và khoa học, đứng trước nhiều nước phương Tây giàu có, trong đó có Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu cảnh báo rằng những kết quả kiểm tra này không phản ánh đúng chất lượng tổng thể của giáo dục của Việt Nam. “Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng nếu được đánh giá một cách toàn diện, năng lực của các sinh viên Việt Nam vẫn còn rất yếu kém” – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển trong một cuộc phỏng vấn tờ Tuổi trẻ năm 2013 thừa nhận.

Việc đổi mới chính sách giáo dục của Việt Nam không có nhiều không gian để thực hiện do việc kiểm soát giáo dục từ trung ương trở xuống. 4 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, giới chức Việt Nam vẫn chưa cải cách toàn diện lĩnh vực giáo dục, vẫn chưa đào tạo được nhiều công nhân có tay nghề.

Giới chức Việt Nam hiện vẫn duy trì một hệ thống giáo dục nặng về học vẹt, trong đó các em học sinh thường cố học chỉ để qua được các kỳ thi và vâng lời, ít có chỗ cho tư duy phản biện.

Các sinh viên vẫn học theo các giáo trình lỗi thời, chậm đổi mới, gian lận vẫn xảy ra thường xuyên trong các kỳ thi trong khi các giáo viên được trả lương quá thấp được cho là dấu bớt nhiều phần quan trọng trong giáo trình để mang ra giảng dạy tại các lớp học tư mà họ có thể thu được tiền.

“Hệ thống giáo dục đại học rất kém. Giáo trình ở đó toàn những lý thuyết tẻ nhạt và không cần thiết” – cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam Phạm Minh Hạc cho biết. Ông này cho rằng những cuốn sách đó hàm chứa quá nặng lượng thông tin, khiến các sinh viên không muốn học.

Trong suốt và ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam luôn đầy rẫy những thông tin than phiền và những đơn tố cáo về tình trạng gian lận của học sinh được gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tháng 6/2014, giáo viên nổi tiếng Đỗ Việt Khoa đã đăng tải lên trang facebook của anh những đoạn video ghi lại hình ảnh các học sinh đang chép bài trong giờ thi môn Văn học và Lịch sử tại một trường trung học ở tỉnh Hòa Bình, phía Bắc Việt Nam.

Tờ VietnamNet dẫn lời anh Khoa cho biết, trong vụ việc này, các giám thị cố tình rời khỏi phòng thi để các thí sinh có thể tự do chép bài từ tài liệu đã được chuẩn bị sẵn cũng như trao đổi với các bạn cùng phòng.

Những clip như vậy vẫn thường được đăng tải lên mạng và dấy lên sự lo lắng trong các bậc cha mẹ nhưng nhà chức trách lại hiếm khi hành động. Những thiếu sót như vậy đã dẫn đến việc các trường trung học và đại học của Việt Nam không đào tạo được những cử nhân mà các công ty muốn thuê, mà theo thống kê chính thức thì khoảng 147.000 sinh viên sau khi ra trường không tìm được việc làm. “Những cử nhân này không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động” – ông Hạc nói.

Kết quả tốt ở nước ngoài

Với việc ở Việt Nam có rất ít các trường tư có chất lượng cao, việc thoát khỏi hệ thống giáo dục nhà nước rối loạn là một ưu tiên của nhiều bậc phụ huynh. “Chúng đã thay đổi rất nhiều về suy nghĩ, lối sống, cách thể hiện, hành vi cũng như quan điểm” – doanh nhân Nguyễn Quang Thịnh nói về 2 cậu con trai đang theo học ở Mỹ với chi phí lên đến 40.000 USD của mình.

Bà Lữ Thị Hồng Nham, giám đốc công ty tư vấn du học Đức Anh –nói thêm: “Nhiều học sinh đã chán ngán với việc học hành ở trong nước nhưng khi ra nước ngoài thì các em lại đạt được kết quả rất tốt”.

Tạp chí Universtity World News hồi tháng 1 vừa qua dẫn các báo cáo cho biết lượng người Việt Nam ghi danh theo học các trường ở tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục của Mỹ, đặc biệt là các trường đại học và cao đẳng, trong thời gian qua đã gia tăng chóng mặt.

Hiện nay, Việt Nam đã vượt Nhật về tổng số học sinh, sinh viên ở Mỹ. Trong đó, tổng lượng học sinh, sinh viên Việt Nam đến Mỹ đã tăng 18,9% trong giai đoạn từ tháng 7 đến 11/2015, đứng thứ 3 sau Ấn Độ và Trung Quốc. Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong tất cả các nước đang có công dân theo học ở Mỹ, với 28.883 học sinh, sinh viên đang theo học ở các cơ sở đào tạo của Mỹ.

Lượng sinh viên Việt Nam ở Canada cũng đang tăng rất nhanh. Năm 2009, Việt Nam xếp thứ 9 với 15.994 học sinh, sinh viên theo học ở Canada và vẫn duy trì ở vị trí này đến hết năm 2015 dù 7 năm trước đó không hề có tên trong top 10 nước có nhiều công dân học tập ở Canada nhất. Còn tại Australia, tính đến tháng 10/2015, thống kê cho thấy có 28.524 người Việt Nam đang theo học ở nước này ở tất cả các cấp học, giảm 0,4% so với năm trước đó.

Tác giả bài viết: Minh Khôi (lược dịch)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP