Nhân ái

Bao giờ mẹ mới hết khổ con ơi?

Vừa chăm mẹ chồng, cô lại lật đật chạy lên nhà đỡ chồng bị tai biến, rồi lại quay ra lo cho 4 đứa cháu… Nước mắt dường như đã cạn, ngửa cổ lên trời mà than: "Bao giờ mẹ hết khổ con ơi?"

Lần theo địa chỉ của lá đơn gửi đến Báo Dân trí, chúng tôi trở về thôn Rưỡng Trực 1, xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thăm người bà "khổ tận cam lai" Cao Thị Lan. Từ ngoài đầu đường, nhắc đến cô Lan, người dân ai cũng ái ngại, xót thương.

Người ta khổ về chồng hoặc về con thôi, nhưng đằng này bà ấy là "bốn khổ"...

"Người ta khổ về chồng hoặc về con thôi, nhưng đằng này bà ấy là "bốn khổ" cô ạ. Khổ vì phải chăm mẹ chồng rất vất vả, khổ vì chồng tai biến, khổ vì con bỏ đi, rồi khổ vì phải gánh gồng nuôi đến 4 đứa cháu… Ở vùng này, ai cũng thương bà ấy nhưng cũng chỉ giúp được một phần rất nhỏ thôi".

Một người làng không ngần ngại tâm sự khi được hỏi đường vào nhà cô Lan. Câu chuyện ấy khiến chúng tôi đều bị ám ảnh bởi ở đây, cô được gọi với cái tên đầy xót xa "người đàn bà bốn khổ".

"Không biết đến bao giờ mẹ mới hết khổ con ơi?" - Cô Lan ngửa cổ lên trời mà than.

Chồng bị tai biến đã 5 năm nên mọi sinh hoạt từ miếng ăn, giấc ngủ một tay cô Lan lo hết.

Căn nhà nhỏ, tuềnh toàng và sơ sài đến tội. Ở gian ngoài cùng sát cổng là có phần khang trang hơn 1 chút, nơi kê chiếc giường của cụ bà Trần Thị Sợi năm nay đã gần 90 tuổi. Cụ hoàn toàn không thể đi lại được, chỉ quanh quẩn trên chiếc giường và không thể nhận biết được gì cả. Cẩn thận từng chút một, cô Lan đỡ mẹ dậy, bón cho mẹ từng thìa cháo với hai hàng nước mắt trực trào.

Mẹ chưa ăn xong thì trên nhà có tiếng chú Kiểm gọi giật. Vừa bị bệnh não, lại vừa bị đột quỵ cách đây 5 năm khiến chú Kiểm muốn di chuyển cũng phải có người đỡ cùng chiếc nạng luôn thường trực ở góc giường. Trong người luôn khó chịu và đau nhức khắp nơi khiến chú trở nên cáu bẳn, gắt gỏng một cách vô lí với vợ.

Thương chồng nên cô cắn răng chịu vậy, vừa đỡ chồng dậy, cô vừa sụt sùi: "Ông ấy cũng thương tôi lắm nhưng từ ngày bị bệnh là không còn thật người nữa. Lúc bình tĩnh là ông ấy cứ nằm khóc vì bất lực quá".

Ở xóm nghèo, ai cũng thương cô nhưng chỉ giúp đỡ được một phần rất nhỏ.

Một tay chăm mẹ, chăm chồng, đã là vất vả với người đàn bà lớn tuổi. Ấy vậy nhưng ông trời chưa buông tha cho cô. Con trai nợ nần, bỏ đi xa, để lại 4 đứa cháu bơ vơ khiến cô lại phải đèo bòng thêm nữa. Câu chuyện buồn ấy, cô không muốn nhắc lại bởi lần nào nghĩ đến, ruột gan cô cũng như ngồi trên đống lửa.

"Bà ơi, cho cháu tiền mua quyển vở mới" "Bà ơi, tiền học cô giáo nhắc nhiều lần rồi vì cháu chưa đóng?" "Bà ơi, trưa nay lại ăn rau ạ…" Những câu hỏi liên tiếp của các cháu khiến chúng tôi cũng vô cùng sốt ruột. Đáp lại những câu hỏi đó của các cháu chỉ là sự im lặng và những giọt nước mắt không ngừng rơi của cô. Khẽ ngồi thụp xuống nền nhà, cô nghẹn lại: "Tôi chỉ mơ một ngày được ngủ ngon giấc thôi cô ạ".

Cô chỉ mơ được một ngày sống thư thả, được ăn một bữa cơm có vị ngon... nhưng sao xa vời quá.

Ước mơ của cô chỉ có thế thôi sao? Một đêm được ngon giấc bởi từ lâu lắm rồi bao thứ bộn bề khiến cô không còn được "sống". Cô "tồn tại" đúng nghĩa vì trách nhiệm phải chăm sóc những người thân yêu, còn cảm xúc của bản thân mình đã bị chai lì hết cả.

Rệu rã đưa bát cơm lên để chống đói, cô gắp vài cọng rau hái ở vườn về luộc tạm để qua ngày. Cô gầy nhẳng và đen với gương mặt lúc nào cũng sợ hãi. Bất giác cô ngửa cổ lên trời mà than: "Bao giờ mẹ hết khổ con ơi?" khiến chúng tôi không cầm lòng được. Ước mơ được sống một ngày không lo toan, ước mơ được ăn một bữa cơm có vị ngon và bình tĩnh… Có lẽ trở nên xa vời và quá đỗi xa xỉ với người phụ nữ này…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về

1. Mã số 4473:

Cô Cao Thị Lan: thôn Rưỡng Trực 1, xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Số ĐT: 0384178806

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP