Trong nước

Ban Nội chính TƯ tham gia việc bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ cấp cao

Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm, Ban Nội chính Trung ương khẳng định sẽ tham gia ý kiến có trách nhiệm, công tâm, khách quan trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý...

Ngày 7/7, Ban Nội chính Trung ương đã họp Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017.

Đẩy nhanh tiến độ xử án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng

Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm thể hiện, 6 tháng đầu năm, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Ban Chỉ đạo về đường lối xử lý một số vụ án có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương.

Cụ thể là vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần bản án xét xử phúc thẩm, hủy để điều tra truy tố, xét xử lại), vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm toán để làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong 12 dự án đang được dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, các bộ phận chuyên môn của Ban đã tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong Quý I năm 2017.

Ban Nội chính Trung ương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng, trình Ban Chỉ đạo Kế hoạch về tiến độ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án, kết thúc xác minh 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo trong năm 2017.

Cơ quan này cũng theo dõi, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc xử lý 31 vụ án, 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 18 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 114 vụ án, vụ việc thuộc diện thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Ban Nội chính cũng trực tiếp làm việc với một số Thường trực tỉnh ủy để chỉ đạo, thống nhất đường lối xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Đề xuất mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng

Ban Nội chính Trung ương là một cơ quan gác cửa thêm vấn đề đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng cũng như kỷ luật các cán bộ cấp cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ quan gác cửa về tham nhũng cho Trung ương Đảng xác nhận, vẫn còn một số hạn chế trong hoạt động của Ban.

Cụ thể, một số công việc triển khai còn chậm so với kế hoạch; chất lượng công tác tham mưu có lúc, có việc chưa cao. Năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức chưa được đồng đều, tính chuyên nghiệp còn hạn chế; tính chủ động trong tham mưu đề xuất, nhất là trong lĩnh vực nội chính chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát trong nhiều trường hợp còn lúng túng; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ.

Công tác xây dựng Đảng có việc triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao. Việc nắm diễn biến tư tưởng chính trị, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên có lúc chưa kịp thời, xử lý thông tin còn chậm. Công tác dân vận thực hiện chưa thường xuyên.

Kế hoạch cho 6 tháng cuối năm, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai 8 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Nội chính Trung ương cũng đặt mục tiêu hoàn thành các đề án, kế hoạch trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.

Nhiệm vụ trọng tâm khác sẽ được tập trung là tham gia ý kiến có trách nhiệm, công tâm, khách quan trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; một số chức danh trong các cơ quan tư pháp Trung ương.

Ngoài ra, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, nhất là các vụ việc, vụ án theo Thông báo Kết luận số 40-KL/BCĐTW ngày 10/1/2017 của Ban Chỉ đạo và Thông báo Kết luận số 52-KLBCĐTW ngày 22/4/2017 của Thường trực Ban Chỉ đạo...

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP