Trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường smartphone đã chứng kiến khá nhiều bước tiến khởi sắc và tích cực. Các thiết bị di động liên tục được ưu ái nâng cấp toàn diện, từ mặt thiết kế ngoại hình cho tới thông số kỹ thuật, tính năng đặc biệt và độc nhất, từ đó dẫn đến một hệ sinh thái đa dạng, phong phú lên đến cả ngàn mẫu mã đủ sức thỏa mãn mọi nhu cầu của người dùng.
Mặc dù tình trạng trên có thể khiến cho những lựa chọn ban đầu của chúng ta bị bão hòa hơn, nhưng đi kèm với nó hầu hết lại là những khía cạnh và ưu điểm đáng mong chờ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc “giao tranh” giữa các hãng sản xuất công nghệ sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn, cũng như nhận thức của người mua hàng trong việc tìm cho mình một sản phẩm phù hợp nhất cho nhu cầu và phong cách của mình.
Tuy nhiên, một góc độ tưởng chừng như phải được để tâm đến đầu tiên mỗi khi tìm mua các thiết bị di động thì lại không được nhiều người dành sự chú ý cho lắm: Nơi sản xuất.
Chắc hẳn bạn đang tự hỏi rằng tại sao mình phải quan tâm đến chuyện đó phải không? Thông thường, khi được tự do lựa chọn, điểm mấu chốt sau đó sẽ liên quan đến việc liệu bạn có điều kiện để “chạm tay” (theo nghĩa đen) vào thiết bị mình muốn hay không. Hơn nữa, trong kỷ nguyên số hiện nay, nơi mà hầu hết mọi việc đều có thể được thực hiện qua mạng Internet, bao gồm cả mua bán online, thì tại sao chúng ta, đặc biệt là các hãng sản xuất, lại phải bận tâm đến điều nhỏ nhặt như vậy?
Nguyên nhân sâu xa
Câu trả lời hóa ra lại vô cùng đơn giản: Giá thành. Kể từ khi những công ty sản xuất nhận ra rằng nguồn nhân lực lao động và nguyên liệu cần thiết thường rẻ và phong phú hơn ở những thị trường ngoại, họ bắt đầu tập trung và khai thác khía cạnh đó.
Một ví dụ tiêu biểu đó là ở những nước như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc hay Ấn Độ, người lao động thường được trả công ít hơn so với nhân công Mỹ dù cùng làm chung một nghề tương tự. (Một vài người nói đó là do định kiến và sự bất công trong xã hội nói chung, nhưng thực ra nó còn gắn liền mật thiết với rất nhiều góc độ chi li khác trong cuộc sống như điều kiện, tiêu chuẩn sống chung của mỗi quốc gia).
Mặc dù chi phí thuê nhân công bên ngoài rẻ hơn là một điểm hấp dẫn với các chủ doanh nghiệp, nhưng khi nói đến nguồn nguyên liệu hiếm phù hợp trên Trái Đất để sản xuất smartphone thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Cụ thể, chúng bao gồm graphite để làm ra pin nguồn, silicon cho bộ vi xử lý, và cả những kim loại bạc, đồng và bạch kim nữa. Theo thống kê, trong số 17 vật chất hiếm trên hành tinh, 16 trong số đó là cần thiết cho thị trường smartphone hiện nay.
Trung Quốc từ trước đến nay đã nổi tiếng là đất nước có nguồn tài nguyên phong phú và dồi dào trên thế giới: cung cấp 95% tổng nguyên liệu sản xuất và có trữ lượng còn lại chiếm đến tận 1 nửa toàn hành tinh. Cụ thể, theo số liệu thống kê, Ấn Độ chỉ nắm giữ 2,5% trong khi Trung Quốc là 13%. Do đó, việc chọn lựa nguồn viện trợ và cung cấp nguyên liệu cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Trung Quốc
Không quá bất ngờ khi một quốc gia phát triển như Trung Quốc là một cái tên nổi trội trong thị trường smartphone. Ngoài việc có trong tay những nhãn hiệu uy tín trong ngành công nghệ, Trung Quốc cũng mở rộng quy mô và chất lượng ra trên toàn thế giới với hàng loạt tên tuổi như Huawei, OPPO, OnePlus, Xiaomi, Meizu và ZTE.
Thật ra cũng đã có một vài nhà sản xuất tính đến việc giảm thiểu chi nhánh nhà máy tại đây vì những vụ “lùm xùm” liên quan đến điều kiện làm việc nghèo nàn đáng lên án. Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ để làm hạ cơn sốt tại Trung Quốc, khi không nhiều thì ít, phần lớn các thiết bị di động vẫn được ra lò, thậm chí kể cả các phân khúc cao cấp trên thị trường. Chẳng lấy đâu xa, Apple cũng là một đối tác quen thuộc khi đặt nhiều nhà máy ngay trên đất nước này, sản xuất từ các linh kiện, thành phần nhỏ cho tới việc lắp ráp hoàn chỉnh.
Lenovo - hãng công nghệ đã thâu tóm Motorola từ tay Google vài năm trước - cho ra đời hầu hết những sản phẩm của mình ở Trung Quốc. Một ví dụ khác, Alcatel, cũng làm theo tương tự, bao gồm cả flagship một thời khuynh đáo thị trường Alcatel Idol 4S.
Ngoài ra, LeEco cũng là một cái tên mới nổi tại đây, được biết đến qua thương vụ mua lại Vizio với thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD. Ngoài những minh chứng trên, ông lớn công nghệ xứ sở kim chi - Samsung - cũng tin tưởng đặt hai cơ sở sản xuất lớn của mình trên đất Trung Quốc (tất nhiên đây chỉ chiếm một phần nhỏ những trụ sở của Samsung).
Nhật Bản
Trung Quốc có thể là cái tên phổ biến nhất và được nghĩ đến đầu tiên, nhưng nếu xét về chất lượng làm hài lòng những khách hàng tỉ mỉ, khó tính nhất thì Nhật Bản mới là đất nước xứng đáng được xướng tên. Hầu hết điều tra ý kiến đều cho thấy trải nghiệm của khách du lịch khi đến đây chắc chắn gắn liền với sự choáng ngợp và bất ngờ vì những nét hiện đại, tiên tiến của nền tảng công nghệ nơi này, hiện diện ngay cả trong những khía cạnh nhỏ nhất của cuộc sống đời thường. Có nhiều yếu tố giúp xúc tiến nên thành tích trên của Nhật Bản, nhưng trong số đó không thể không kể đến trình độ phát triển và sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới.
Còn nhớ những thiết bị điện thoại nhỏ gọn, tiện lợi mà giá thành rất phải chăng từ hãng công nghệ Kyocera đã từng tạo nên một cơn sốt vào những năm 2000? Chúng thật ra được sản xuất tại Nhật Bản. Thật khó tin là cho tới hiện nay, Kyocera Mobile vẫn tiếp tục sản xuất điện thoại, cùng với những trụ sở điều hành chính tại Nhật Bản. Tuy vậy, một hãng công nghệ nổi tiếng khác là Sony cũng nằm trong những sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng trên thế giới với dòng sản phẩm Xperia của mình, được cho là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Nhật Bản hiện nay.
Hàn Quốc
Vài thập kỷ trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến triển thần kỳ, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới đi lên đứng trong top các quốc gia giàu có và hùng mạnh. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới đã thống kê rằng Hàn Quốc có nền kinh tế đứng thứ 14 trên toàn cầu. Bất chấp kích thước và diện tích nhỏ bé của mình, họ đang vùng lên mạnh mẽ. Tính đến khía cạnh công nghệ, Hàn Quốc cũng hợp tác và đầu tư cùng những hàng xóm thân cận vùng Đông Á gần đó - Trung Quốc và Nhật Bản - để giúp thúc đẩy lợi ích từ hình thức kinh doanh phổ biến nhất thế giới này.
Nhắc đến Hàn Quốc thì không thể bỏ qua Samsung, công ty có số lượng thiết bị smartphone bán ra nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Apple. Dù vậy, một thực tế cần được biết đến là Samsung hiện đang tập trung sản xuất đến 50% số linh kiện, sản phẩm của mình tại Việt Nam; còn ở quốc gia quê hương, con số đó chỉ vỏn vẹn 8%.
Tuy nhiên, vẫn còn một tên tuổi đáng chú ý nữa là LG, nhưng hãng này lại tin tưởng đặt trụ sở hầu hết tại Hàn Quốc thân thuộc. Nhờ có chiến thuật đúng đắn của hai hãng công nghệ lớn trên, Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản về khía cạnh số lượng smartphone bán ra trên thị trường, mặc dù họ cũng đang dần cắt giảm nhân lực ở những chi nhánh ngoại quốc.
Ấn Độ
Chỉ mới hai năm trước, Chính phủ Ấn Độ đã khởi động một dự án mơi có tên gọi “Make in India”. Đúng như tên gọi của nó, mục đích của dự án này liên quan đến việc kích cầu tiêu dùng hàng hóa được sản xuất trên đất nước để thúc đẩy kinh tế thông qua những nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, nhiều chính sách ưu đãi và nới lỏng, hỗ trợ sẽ được đưa ra dành cho các công ty trong quá trình phát triển và sản xuất. Đơn giản như vậy nhưng nhìn lại thì công cuộc tổ chức và dẫn dắt diễn ra khá thành công khi các công ty công nghệ nổi tiếng như Xiaomi, Huawei hay Lenovo/Motorola đã không bỏ lỡ cơ hội này mà bắt tay vào đầu tư, sản xuất ngay lập tức.
Bước đi này hứa hẹn sẽ biến Ấn Độ trở thành một “cái nôi” công nghệ di động của phương đông, có tiềm năng thách thức cả Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư ngoại quốc nhận vào của Ấn Độ trong năm 2015 đã lên đến 63 tỉ USD - một con số vô cùng ấn tượng.
Dù sao thì cũng đừng nghĩ rằng Ấn Độ chỉ thu hút được những nhà đầu tư Trung Quốc mới nổi như trên. Ngay cả Samsung cũng đã từ lâu nhắm đến thị trường và địa điểm này khi đặt nhà máy đầu tiên của mình vào năm 2006, và giờ đây đã xây dựng 3 cơ sở quan trọng tại đây; gần nhất là năm ngoái, một cụm sản xuất nữa được thiết lập để củng cố doanh thu cho dòng Galaxy S6 Edge, thỏa mãn nhu cầu trên toàn thế giới. Nhìn qua tưởng như đó cũng chỉ là những con số khiêm tốn, nhưng thật ra Samsung sản xuất nhiều điện thoại trên đất Ấn hơn bất kỳ hãng công nghệ nước ngoài nào khác cũng chung ý tưởng.
Mới đây, LG cũng không chịu đứng ngoài cuộc chơi tại mảnh đất cơ hội này, dù những kết quả thu được ban đầu cho tới nay vẫn chưa đáng kể lắm. Tiếp đến là HTC, sau đó là hàng loạt những hãng khác cùng góp mặt như Microsoft, ASUS và Micromax (Micromax còn quyết định gắn bó lâu dài với thị trường Ấn Độ). Được biết, Sony cũng đang rục rịch chuẩn bị nối tiếp bước đi của những hãng công nghệ trên.
Đài Loan
Đài Loan vốn được biết đến rộng rãi là quốc gia mạnh về sản xuất. Tuy vậy, bỏ qua quá nhiều dòng sản phẩm so với nhu cầu cần thiết thực sự, chỉ còn lại hai cái tên đáng chú ý nhất trong lĩnh vực sản xuất smartphone: HTC và ASUS.
Không thể phủ nhận sức nóng của thế hệ Zenfone trong thời gian gần đây, nhưng ASUS vẫn chưa thực sự chạm tay vào quy mô đúng nghĩa của một nhà sản xuất công nghệ lớn hàng đầu. HTC thì khác, khá ngạc nhiên là số liệu thu thập cho thấy hãng công nghệ này chọn Đài Loan làm mảnh đất màu mỡ chính để khai thác và phát triển, cộng thêm một phần nhỏ bên phía Ấn Độ như đã đề cập. Đại diện HTC cũng đã lên tiếng xác nhận họ đang hợp tác với Google trong kế hoạch ra mắt 2 thiết bị Nexus mới - tên hiệu “Marlin” và “Sailfish” - ngay trên đất Đài Loan này.
Canada
Ngạc nhiên chưa! Phải công nhận là Canada chưa phải là một “tay chơi” chính hiệu khi nhắc đến lĩnh vực sản xuất smartphone. Nhãn hiệu nổi trội duy nhất có mặt tại đất nước vùng Bắc Mỹ này là BlackBerry, thương hiệu có vẻ như đang báo hiệu sự trở lại của mình trong thị trường smartphone với sản phẩm chạy Android đầu tiên: Priv và DTEK50 (không được cầu kỳ cho lắm).
Dù sao đi chăng nữa, có lẽ khía cạnh quan trọng và quyết định nhất vẫn là nơi có khả năng cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu cần thiết và chính yếu nhất cho nhu cầu của nhà sản xuất, sau đó mới tính đến những yếu tố tác động khác.
Vậy còn bạn thì sao? Chiếc điện thoại trên tay bạn được làm ở đâu, bạn có biết chắc chắn câu trả lời hay không?
Tác giả bài viết: NPQM