Ảnh minh hoạ. |
Nỗi lo khi làm việc
Tâm sự với chúng tôi, một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xin được giấu tên cho biết, công việc của bác sĩ cực kỳ vất vả nhưng hầu như họ ít khi nhận được cảm ơn mà chỉ là sự nguy hiểm rình rập.
Có những ca mổ bác sĩ đứng từ sáng đến 2 - 3 giờ chiều ra vội ăn hộp cơm nguội ngơ, nguội ngắt được y tá lấy lên để từ lúc nào rồi lại vội vàng lao vào công việc. Nhưng chỉ cần có chút tai biến, thậm chí chỉ khiến người nhà bệnh nhân cảm thấy ngứa mắt, cũng có thể ăn chửi. Có những ca mổ, bác sĩ mổ bên trong còn bên ngoài là một đám côn đồ manh động chờ sẵn. Cứu được bạn thì tốt, cứu được đối phương của họ có khi bác sĩ cũng bị đánh.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Hưởng, Bệnh viện đa khoa trung Thái Nguyên, tâm sự, bản thân anh đã chứng kiến rất nhiều lần đồng nghiệp bị hành hung, còn các bác sĩ bị chửi bởi là bình thường. Anh Hưởng cho biết, đã đến lúc cần phải có Luật chống bạo hành nhân viên y tế và đặc biệt trước mắt, hệ thống bảo vệ bệnh viện phải thật sự chuyên nghiệp.
Hơn bao giờ hết, anh Hưởng cho rằng: "Là bác sĩ bất cứ ai cũng mong muốn mong muốn có một môi trường an toàn để làm việc. Có nghĩa là bác sĩ chỉ phải làm chuyên môn, khám bệnh, cho thuốc, mổ xẻ và nghiên cứu khoa học, còn những việc khác không phải bận tâm. Có như vậy chúng tôi mới an tâm làm việc và cống hiến. Sẽ chẳng có tinh thần đầu óc nào nếu vừa làm việc vừa bị đe dọa và ức chế cả".
TS Trần Tuấn, chuyên gia về y tế cộng đồng, chia sẻ: "Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ, ở đó có đủ mọi tầng lớp người. Đấy là một xã hội đặc biệt bởi những con người đến đó không hề nghĩ đến hưởng thụ, vui chơi.
Tâm trí của họ hướng về giành giật sự sống. Nơi đây cần nhiều hơn sự an ủi, niềm cảm thông, tình yêu thương đồng loại. Một xã hội dường như không phút nghỉ ngơi, một "ngôi nhà chung" mà mọi người có quyền đến bất cứ lúc nào.
Nếu xét an ninh là những hoạt động ngăn chặn những hành vi xấu xuất phát từ đời sống xã hội, đe dọa cảm giác an toàn của con người trong cuộc sống, đem lại sự yên bình chân thực trong quan hệ người - người cho mỗi thành viên trong xã hội đó thì an ninh bệnh viện được xem là thứ an ninh "đặc biệt"".
Theo TS Tuấn, bệnh viện là nơi đó cái xấu dễ trà trộn hơn mọi nơi khác vì có bệnh viện nào không mở cửa khi có bệnh nhân cấp cứu? Có bệnh viện nào đóng cửa nghỉ đêm, nghỉ lễ, tết? Có người bệnh nào mà không chờ mong tiếp nhận sự chia sẻ, giúp đỡ, cảm thông? Ở đó sự lừa lọc, làm tiền trở nên dễ dàng hơn trước sự mất cảnh giác của cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế.
Xem xét nguyên nhân gây bức xúc
Sự việc ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam lại một lần nữa dấy lên làn sóng với các bác sĩ khi hơn bao giờ hết, họ cần một môi trường an toàn để làm việc, cần môi trường để cống hiến.
Ngay trong ngày 19/6, sau khi vụ việc được báo chí thông tin, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bệnh viện Thể thao Việt Nam nhanh chóng tổ chức thăm hỏi động viên, quan tâm công tác cấp cứu, điều trị phục hồi sức khoẻ và tâm lý cho bác sỹ của bệnh viện bị người nhà bệnh nhân hành hung. Đồng thời, bệnh viện cần phối hợp với cơ quan Công an địa phương điều tra làm rõ để truy cứu trách nhiệm đối với nhóm đối tượng trong vụ việc trên.
Rà soát, chấn chỉnh công tác an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân trong Bệnh viện.
Cũng trong ngày 19/6, đại diện Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã thành lập hội đồng y khoa để xem xét trường hợp của cháu bé được gia đình xem là bị chẩn đoán sai, khi cháu bị gãy tay nhưng chẩn đoán chỉ là chấn thương phần mềm, gây bức xúc cho gia đình cháu bé.
Tác giả: Phương Thúy
Nguồn tin: Báo Infonet