Chiều Sài Gòn dịu mát, nhịp sống vẫn hối hả nhưng sau cánh cổng sắt bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8, không khí yên lặng lạ thường. Từng chiếc xe lăn được đẩy quanh sân, người người dìu nhau một cách nặng nhọc.
Chúng tôi ghé vào Khoa Tủy sống thấy bà Nguyễn Thị Thử (68 tuổi, Trà Vinh), hay còn gọi là bà Năm, đang nhẹ nhàng nắn tay chân, xoa bóp cơ cho anh Nguyễn Viết Hóa (36 tuổi, Bình Phước). Được một lát, bà khẽ nâng đầu anh Hóa lên, đưa chiếc ly cắm ống hút vào tận miệng cho anh uống từng ngụm nhỏ. Thoạt nhìn, không ai nghĩ họ chỉ là người dưng.
Thấy cảnh anh Hóa đáng thương, bà Năm chăm anh như con ruột. |
Vừa nắn bàn chân cứng đơ của chàng trai, bà Thử kể, hơn một năm trước bà vào bệnh viện chăm sóc cho bệnh nhân trong bệnh viện, lương tháng gần 6 triệu đồng. Có thời gian rảnh, bà ghé vào chùa làm công quả. Cùng lúc đó, anh Hóa cũng được chuyển xuống Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8.
Gia đình anh Hóa có hai anh em trai, anh Hóa là con út vừa lái xe vừa làm vườn nuôi cha bị bệnh tim. Ba năm trước, trong lần đi làm mướn, trèo cây điều cưa từng nhánh, anh bị ngã giập tủy. Trải qua cơn đại nạn, anh trở về tỉnh táo nhưng không thể điều khiển chân tay.
Nỗi đau này chưa qua, bất hạnh lại ập đến. Ba tháng sau anh trai của anh Hóa cũng bị cây đập giập não, trở thành người mất trí. Không chịu được khó khăn, vợ anh bỏ đi, để lại người cha già ốm yếu vật lộn với hai đứa con bệnh tật.
Đang là chàng thanh niên khỏe mạnh với bao ước mơ hoài bão, bỗng chốc nằm liệt giường, anh Hóa tuyệt vọng, thậm chí nảy sinh ý định tự tử. Anh nhờ cô bé hàng xóm mua giúp ba gói thuốc trừ kiến để kết liễu cuộc đời. May mắn thay, chị hàng xóm phát hiện ra đã kịp thời ngăn cản ý định tự tử của anh. Nhưng cũng từ đó, anh nằm một chỗ trên chiếc giường tre ọp ẹp, không nhúc nhích và hoạt động được nên cơ thể sinh ra lở loét, bốc mùi.
Bữa cơm đạm bạc nhưng anh Hóa cảm thấy rất hạnh phúc. |
Chị dâu thấy vậy liền chuyển anh xuống Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8. Không đủ điều kiện sinh hoạt, chị cũng không thể ở lại để chăm sóc em trai. Trong lúc lâm cảnh không người chăm sóc, không tiền đóng viện phí, dự tính về nhà sống được ngày nào hay ngày đấy thì anh gặp bà Năm.
Bà kể: “Tôi sống hơn nửa đời người rồi chưa từng thấy ai khổ như nó. Biết được hoàn cảnh của nó tôi thương lắm. Tôi ăn chay trường, niệm Phật thấy cảnh như vậy làm sao có thể không giúp”. Thế là bà bỏ công việc, xa gia đình vào viện chăm anh Hóa. Từ việc ăn uống đến tiêu tiểu của anh đều do một tay bà chăm sóc.
Gia đình bà Năm gốc làm nông, cũng chẳng giàu có gì. Mỗi tháng tiền viện phí của anh Hóa hết 3 triệu, bà lặn lội đi xin khắp nơi, lo cho anh chẳng khác gì con đẻ. Ngày 3 buổi, bà kiên nhẫn xếp hàng đi xin cơm từ thiện bón cho anh từng thìa.
Đến giờ ăn tối, bà Năm chuẩn bị phần cơm cho anh. Dáng người nhỏ nhắn, tuổi đã cao, sức cũng yếu, bà Năm không thể tự mình nhấc anh Hóa lên xe lăn. Thân nhân bệnh nhân trong phòng, mỗi người một tay phụ bà. Bỗng bịch nước tiểu đổ ra quần áo, anh la lên: “Để đó con tự làm, bà Năm đừng làm hôi lắm”. Bà Năm vừa lau vừa nói: “Hôi gì mà hôi, nước trong cơ thể mình cả”. Rồi bà nhẹ nhàng, chỉnh xe lăn cho anh ngồi thoải mái.
Trong đĩa cơm của anh vỏn vẹn cơm trắng, dưa hấu và ít muối tiêu. Thế nhưng, anh cố gắng tự ăn một cách đầy khó khăn, trên gương mặt vẫn ánh lên vẻ hạnh phúc. Anh bảo, khi chưa có bà, không ai vệ sinh cho anh, ăn không đầy đủ nên cơ thể gầy nhom, lở loét khắp người. Giờ được bà chăm sóc, ăn cơm đúng bữa nên vui lắm. 36 tuổi rồi nhưng anh tin trên đời này có bà tiên, đó là bà Năm.
Anh Hóa coi bà Năm như bà tiên giữa đời thường. |
Nhìn anh Hóa cố gắng nuốt từng thìa cơm, bà động viên: “Ráng ăn đi, hôm nào có tiền, bà mua cho khứa cá ngoài tiệm thay đổi món cho nó ngon miệng. Đồ ăn mắc quá, khứa cá những mười lăm ngàn, tiền đâu mà mua nổi”.
Sau bữa cơm chiều đạm bạc, bà dìu anh trên chiếc xe lăn. Hai người, một già, một bại liệt chậm rãi đi khắp khuôn viên bệnh viện. Bà Năm cho biết thời gian tới, sức khỏe anh sẽ hồi phục nhanh nếu tích cực vận động, tập vật lý trị liệu và có chi phí để mổ nắn lại xương hông bị vẹo. Vừa vui vì anh Hóa có dấu hiệu tiến triển tốt, nhưng buồn vì biết đến bao giờ mới đủ tiền lo chi phí phẫu thuật cho anh.
Bác sĩ Lê Hoàng Dũng – người trực tiếp điều trị cho anh Hóa cho biết: “Bệnh nhân chuyển đến viện trong tình trạng tổn thương tủy cổ C6, xương khớp háng bị vẹo. Hiện tại, chi phí phẫu thuật xương khớp háng khoảng 100 triệu”.
“Tôi luôn cầu trời khấn Phật cho nó sớm được hồi phục. Tôi còn sống ngày nào sẽ lo cho nó ngày đó. Điều mà tôi lo nhất là nếu tôi có mệnh hệ gì thì ai lo cho nó”, bà đưa bàn tay nhăn nheo, quệt đi hàng nước mắt. Ước mơ của bà giờ đây dành trọn cho anh Hóa, một người dưng mà bà thương như con đẻ. Còn anh, anh chỉ mong mình sớm khỏi bệnh để có thể đền đáp công ơn của bà và nguyện chăm sóc bà suốt quãng đời còn lại.
Mọi đóng góp có thể gửi về: Gửi trực tiếp: Anh Nguyễn Viết Hóa, phòng số 10 Khoa Tủy sống Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8 |
Tác giả: Ngọc Hiền
Nguồn tin: Báo VietNamNet