Du lịch

Ba quán cà phê 50 năm tuổi tại Sài Gòn

Từ ngày những mẻ cà phê đầu tiên được nấu, đến nay, sau bao biến động thời cuộc, Chiêu, Cheo Leo hay quán "cà phê âm phủ" vẫn tồn tại giữa lòng Sài Gòn.

Cà phê Chiêu

Mở cửa gần nửa thế kỷ, trải qua nhiều biến cố, quán cà phê Chiêu trở thành một trong những biểu trưng cho sự tồn tại bền bỉ của một nét văn hoá Sài Gòn. Quán Chiêu sáng đèn năm 1969 tại khu Bàn Cờ, Vườn Chuối.

Quán cà phê Chiêu.


Nhiều cư dân Sài Gòn xưa cảm thấy gắn bó với Chiêu vì những gì đã không hề thay đổi trong suốt nửa thế kỷ. Hầu như không gian của tầng một - nơi được ví là “linh hồn” của Chiêu - đều giữ nguyên cách bày trí, những vật dụng và kể cả màu sắc của chúng. Gỗ thanh ốp toàn bộ tường đến trần nhà, quầy bar, bàn ghế đều có hình hài xưa cũ. Sau này khi quán có lượng khách đông, chủ quán trưng dụng thêm không gian trên lầu hai làm một sân khấu ca nhạc nhỏ.

Bao nhiêu năm tồn tại là bấy nhiêu năm Chiêu gắn bó với thứ âm nhạc xưa cũ của một thời Sài Gòn. “Biết đến Chiêu từ những năm 1990 khi tôi mới biết đến Chiêu đến nay, suốt từng ấy năm có cảm giác như từng ấy bài hát trong luôn được phát trong một xấp đĩa cố định, bắt đi bắt lại dai dẳng xuyên suốt cả mấy thập niên. Dầu vậy, kiểu âm thanh đó giữ được sự thô ráp, cũ kỹ là một ‘đặc sản’, giống như một thứ cất giữ riêng trong bốn vách tường gỗ nơi đây vậy”, chị Thanh Quyên, một khách cũ của Chiêu kể.

Ở Chiêu, người ta có thể bắt gặp một trí thức trung niên chọn ngồi ở góc dựa sát vào tường và gật gù theo những bản nhạc Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn qua giọng ca Lệ Thu, Khánh Ly, hay Thái Thanh hôm nay họ nghe và đã nghe ở năm tháng sinh viên của thế kỷ trước.

"Cà phê âm phủ"

Biệt danh có phần hơi rùng rợn này được những vị khách ruột đặt cho một quán cà phê cóc không tên, không bảng hiệu và đã không nghỉ bán trong suốt 60 năm qua. Đó là xe cà phê cóc đầu con hẻm 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận của vợ chồng ông Đặng Ngọc Côn.

Cốc cà phê tại quán "cà phê âm phủ".


Trong ký ức của ông Đặng Ngọc Côn (hay còn gọi là ông Ba Côn), cha ông đã bắt đầu đẩy một xe cà phê nhỏ ra đường bán từ những năm giữa thập niên 1950, từ thời còn thuộc Pháp.

Ông tiếp quản việc buôn bán của cha, sau năm 1975 mới cùng vợ dời về hẻm gần ngã tư Phú Nhuận rồi bán suốt cho đến ngày nay. Vợ ông Ba nói, chỉ một lần duy nhất vì việc gia đình phải đóng cửa một buổi, mà khách đến chờ đông nghẹt nên ông bà không dám đóng cửa nữa, sợ phụ lòng khách.

Căn nhà nhỏ của ông bà Ba Côn trưng dụng toàn bộ phòng khách để đặt một xe cà phê và vài chiếc bàn gỗ, ghế nhựa lúp xúp để khách ngồi dựa tường. Phía ngoài, trước cửa nhà, một dãy bàn ghế con nép sát hai đầu hẻm, khiến đầu con hẻm nhỏ lúc nào cũng xôm tụ người ra vào.

Những thứ khiến "cà phê âm phủ" trở nên đặc biệt đều gói gọn hết trên chiếc xe đẩy được mệnh danh là "nhỏ nhưng đầy nội lực" này. Những món đồ nghề pha cà phê, trong đó quan trọng nhất là các vợt vải để lọc cà phê luôn được vợ chồng ông bà Ba nâng niu, bởi "vợt dùng càng lâu, mùi vị cà phê càng đậm đà".

Quán "cà phê âm phủ".


Dân Sài Gòn sống lâu quanh các khu Tân Định, Cầu Kiệu (quận 1) rất nhiều người rành rẽ quán cà phê của ông bà Ba Côn. Khách ở quán đa phần là khách "mối" dù ở xa cũng giữ thói quen lặn lội xuống hàng ngày. Ở Sài Gòn hiện nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay các quán cà phê vợt pha theo kiểu cũ như thế này.

Cheo Leo

Nếu được xếp loại những quán cà phê lâu đời nhất Sài Gòn thì không thể thiếu Cheo Leo.

Quán cà phê trước hiên một căn nhà nằm lọt thỏm trong dãy nhà san sát hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 mở cửa lần đầu tiên cách đây 77 năm, kể từ năm 1938 khi một một người thuôc dòng dõi hoàng tộc Huế - ông Vĩnh Ngô, chọn đất này làm nơi định cư. Khi ông Vĩnh Ngô mất, Cheo Leo được để lại cho người con gái thứ ba là chị Nguyễn Thị Sương (53 tuổi) tiếp quản.

Cũng là một trong những quán cà phê kiểu cũ, quán không hào nhoáng sang trọng nhưng thu hút được giới học sinh, sinh viên tụ tập sau giờ học. Hình bóng thị thành của Cheo Leo gom góp được qua chừng ấy năm là bóng dáng của đủ mọi tầng lớp không phân sang hèn, chia ghế ngồi chung đàm đạo bên tách cà phê.

Ngôi nhà vẫn giữ nguyên cách bày trí. Mảng tường đã loang tróc theo thời gian, một phần trần nhà ám một màu vàng đậm - dấu vết của khói bốc lên từ siêu đất nấu cafe. Bàn ghế vẫn giữ kiểu bàn gỗ loang lỗ những vết xước, trải dài ra đến trước hiên nhà cho những cuộc chuyện trò sớm mai hay chiều tà.


Ở Cheo Leo, cách pha cà phê bằng nồi đất vẫn được nguyên vẹn như những ngày đầu. Việc pha cà phê bằng nồi đất giữ được trọn vẹn mùi vị và đảm bảo đồ uống vẫn nóng khi bưng ra cho khách.

Tác giả bài viết: Huỳnh Duyên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP