Tròn 8 tuổi nhưng Đinh Văn K'Rể (ngụ xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) chỉ cao 50 cm, nặng 3,5 kg. Các chuyên gia y tế nhận định, Việt Nam mới phát hiện 8 trường hợp mắc hội chứng người lùn đầu chim ở thể trạng cao trung bình 70 - 80 cm tuy nhiên chưa có trường hợp nào cơ thể quá bé nhỏ chỉ 50 cm như K’Rể.
Nhiều đứa trẻ ở xã Sơn Ba tò mò khi nhìn các y, bác sĩ cân trọng lượng kiểm tra sức khỏe cho bé K''Rể. Ông Đinh Văn An (cha K’Rể), cho biết, lúc chào đời, con trai chỉ bằng gang tay, dân làng cho là "điềm xấu" ai cũng sợ bảo mang ra bìa rừng chôn. Vợ chồng tôi nài nỉ mãi, dần dần dân làng hiểu ra mới để nuôi cháu đến ngày nay.
Từ lúc lên 3 tuổi đến nay thì cơ thể phát triển chậm, mỗi ngày con trai chỉ ăn vài muỗng cơm. “Có lần con lục đồ ăn đã bị nồi cơm lật úp trên nhà sàn nhốt nó trong đó. Tôi cùng dân làng tìm khắp nơi mà không thấy. Sau đó, vợ lấy nồi vo gạo nấu cơm thì phát hiện nó nằm gọn trong đó”, người cha kể lại.
Mỗi khi khát nước, bé K'Rể dùng nắp chai nhựa bé xíu để uống.
Xót xa trước số phận bé tý hon, Ban giám hiệu trường Tiểu học Sơn Ba cử giáo viên vượt suối, băng rừng về làng vận động gia đình đưa bé K'Rể đến trường học tập, hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
Hiện K'Rể là học sinh đặc biệt đang học lớp 1 và ở khu nội trú được thầy, cô giáo chăm sóc ở trường Tiểu học Sơn Ba.
Cùng cảnh ngộ với K'Rể, cậu bé Đinh Văn Khít (11 tuổi, ngụ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) cũng chỉ nặng 8 kg. Ông Đinh K’Tênh (cha Khít), cho hay, con trai chào đời chỉ nặng 800 gram. Từ lúc lọt lòng đến nay, cậu bé ăn uống ít, giữ mãi thể trạng tong teo, không thể học tập được chỉ quanh quẩn trong làng.
Bé trai này cũng chỉ cao 78 cm và sợ các y, bác sĩ chích thuốc.
Cùng ở huyện vùng cao Sơn Hà, cô gái Đinh Thị Huyền (20 tuổi, ngụ xã Sơn Nham) hiện cũng cao khoảng 80 cm, nặng 11 kg.
Dù thể trạng "siêu nhỏ" nhưng Huyền đến trường học tập, tiếp thu bài tốt như bạn bè cùng trang lứa. Tốt nghiệp lớp 9, cô bé đủ điều kiện lên lớp 10 nhưng vì trường THPT quá xa nhà, lại không biết đi xe đạp nên đành nghỉ học.
Do vóc người nhỏ bé, hàng ngày cô bé không thể lao động phụ giúp gia đình mà chỉ vui đùa với em trai và những chú mèo.
Tròn 20 tuổi nhưng Huyền trông giống hệt đứa trẻ. Theo các y, bác sĩ Quảng Ngãi, có thể Huyền bị rối loạn nội tiết tố, thiếu nội tiết tố tăng trưởng, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh... dẫn đến chậm phát triển.
Sau khi trao đổi với nhiều chuyên gia khoa Nhi ở các bệnh viện lớn trong nước, bước đầu các bác sĩ Quảng Ngãi nhận định, nhiều khả năng các bé K'Rể và Khít mắc hội chứng Seckel hay còn gọi là tật "người lùn, đầu chim". Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho hay sẽ cử đoàn y, bác sĩ về xã Sơn Nham thăm khám trường hợp cô gái tý hon Đinh Thị Huyền (mới phát hiện) cũng như trao đổi với các chuyên gia kiểm tra tình trạng sức khỏe, xem người này có phải mắc tật "người lùn đầu chim" hay không để có giải pháp điều trị cụ thể. Các chuyên gia y tế, cho rằng ngoài việc phát triển chậm về thể chất, trẻ mắc bệnh này còn phát triển chậm về tinh thần. Đây là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, là bệnh di truyền gene lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18. Tỷ lệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính sống hy hữu chỉ 1/4.000 -1/10.000 trẻ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Dấu hiệu thiếu hoóc môn tăng trưởng là trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4 cm một năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì mới có thể mang lại hiệu quả. Năm 1960, bác sĩ nhi khoa Helmut G.P (quốc tịch Đức) là người đầu tiên mô tả những đặc điểm của hội chứng này, từ đó thuật ngữ "hội chứng Seckel" ra đời. |
Tác giả bài viết: Minh Hoàng
Nguồn tin: