Nhân ái

"Anh ơi, tỉnh dậy đi còn về nhà với con !"

Dù lấy hết sự bình tĩnh và dặn lòng phải vững vàng, nhưng lần nào cũng thế, nước mắt chị cứ nhòe nhoẹt ra ướt hết cả. Đôi bàn tay run run bám vào thành giường, giọng mếu máo, chị gọi trong nghẹn ngào nỗi đau đớn: “Anh ơi, mở mắt ra đi về thôi, các con ở nhà đang chờ anh ơi”.

Chị là người đàn bà đáng thương Phạm Thị Quỳnh mà chúng tôi đã trở vào thăm sau khi được nghe câu chuyện mà bác sĩ Lê Văn Sỹ - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Y Học cổ truyền TW kể lại. Gia đình chị là 1 trong 2 trường hợp bệnh nhân khiến cả khoa “đứng ngồi không yên” và luôn trong tâm trạng lo lắng cũng như nơm nớp sợ hãi sẽ có chuyện xảy ra bất cứ lúc nào.

Không còn tiền để mua thuốc hay đóng viện phí cho chồng khiến chị Quỳnh sợ hãi và nóng lòng như ngồi trên đống lửa nhưng lại không nỡ xin chồng về nhà. Bế tắc và kiệt quệ, chị chỉ còn biết tự huyễn hoặc mình rằng chồng sẽ mở mắt, sẽ đứng dậy và đi về nhà cùng chị bởi còn 2 con nhỏ đang chờ.

Bị tai nạn khi đang trên đường đi làm về khiến anh Thành phải nhập viện cấp cứu khẩn cấp.

Cứ liên tục gọi chồng dậy để đi về với các con, chị Quỳnh bế tắc không còn biết trông nhờ vào ai.

“Nó mệt, đờ đẫn người và khóc nhiều quá. Có khi đang ngồi bên cạnh chồng nhưng lại quay ra bảo tôi là con gọi anh ấy dậy bố nhé. Nhìn con trai mình nằm kia, đã buốt hết ruột gan rồi, nhìn con dâu lại càng xót hơn, thương nó mà không biết phải làm sao cả” – Bác Nguyễn Nam Cường (bố chồng của chị Quỳnh) đứng ở một góc bệnh viện nghẹn ngào chia sẻ.

6 tháng qua, anh Thành trải qua 3 lần phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức, sau đó chuyển bệnh viện Nhiệt Đới TW và hiện tại đang điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện Y học cổ truyền TW.

Trên giường bệnh, cả cơ thể anh Thành chỉ còn da bọc xương với đôi mắt mở to đờ đẫn. Chân, tay co quắp, khẳng khiu, cùng một chiếc ống dài được gắn ở mũi. Anh bị tai nạn khi đang trên đường đi làm về vào cuối năm 2017. Chiếc xe đâm phải anh đã chạy trốn, bỏ lại hiện trường là người đàn ông trong vũng máu với lằn ranh sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc. Bàng hoàng trong đau đớn, 3 lần chị Quỳnh cho chồng phẫu thuật ở bệnh viện Việt Đức rồi chuyển bệnh viện Nhiệt Đới và hiện tại là đang cấp cứu tại bệnh viện Y Học cổ truyền TW.

“Ở quê hai vợ chồng chị làm công nhân, tiền lương tuy ít nhưng vẫn đủ để chăm lo cho 2 con. Từ ngày anh nằm đấy, chị cũng nghỉ làm luôn đi chăm anh nên hoàn toàn không có thu nhập gì cả. Cầm cố được đến thời điểm này là chị cùng đường rồi em ạ. Giờ anh vẫn thở, vẫn như đang nhìn chị thế kia, chị nỡ lòng nào xin bác sĩ về cho anh chết đây em”.

Chị Quỳnh bế tắc nhìn chồng trong vô vọng.

Òa khóc, chị Quỳnh cố gắng bặm chặt môi để cố kìm nén mọi cảm xúc của mình nhưng không được. Nhìn chồng, chị nhớ lại quá khứ trước kia khi anh còn khỏe, ngày đó anh chăm chỉ lam làm và một mực yêu thương vợ con. Vậy mà trong thoáng chốc, chị mất đi tất cả, người chồng trước kia của chị giờ xơ xác chỉ còn da bọc xương với đôi mắt vô hồn nhìn xa thẳm.

Sự sống của anh đang bị đếm ngược từng ngày vì gia đình đã khánh kiệt.

Chị vẫn không ngừng gọi anh tỉnh dậy, trở về nhà vì còn 2 con nhỏ đang chờ.

“Về bệnh nhân Thành thì còn rất nan giải. Bệnh nhân bị tai nạn giao thông, đã mổ ở bệnh viện Việt Đức để lấy khối máu tụ và giải áp sọ. Bệnh nhân điều trị rất nhiều đợt, bị viêm phổi và di chứng là liệt tứ chi. Hiện tại chúng tôi vẫn đang cố gắng điều trị nhưng gia đình vì không có điều kiện nên việc chăm sóc người bệnh cũng rất khó khăn. Về phía khoa, phòng, bệnh viện chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho gia đình nhưng thật sự mà nói nếu như không có sự giúp đỡ của cộng đồng thì anh khó mà qua được”. Là người điều trị cho anh Thành, bác sĩ Phạm Vũ – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền TW chia sẻ.

Không thể xin cho chồng về nhà để chấp nhận cái chết, nhưng bảo tiếp tục ở lại bệnh viện thì chị Quỳnh không cố được. Sợ hãi chuyện không lành sẽ xảy ra, nên nước mắt chị lại giàn giụa chảy xuống ướt nhèm. Chị lay lay tay chồng trong tiếng gọi giật giã: “Dậy đi anh, dậy còn về nhà với các con anh ơi” khiến chúng tôi ai cũng nghẹn lại. Anh nằm đấy, vẫn mở to đôi mắt nhìn nhưng không biết chị gọi… với mong manh sự sống trong từng khắc, từng giờ.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2984: Chị Phạm Thị Quỳnh (xóm Phúc Thịnh, xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên)

Số ĐT: 0163.904.426 (Số ĐT của bác Cường, bố anh Thành)

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP