Tranh thủ nước suối cạn, các công nhân thi công sửa chữa, gia cố mái tràn Khe Giữa |
Ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí bảo trì có hiệu quả, các đơn vị quản lý đường bộ tỉnh Quảng Bình còn tăng cường áp dụng cơ giới hóa, công nghệ hiện đại, tiên tiến vào công tác duy tu, bảo dưỡng đường.
Những tuyến đường mang sứ mệnh lịch sử
Giữa những ngày tháng 4, PV Báo Giao thông cùng đoàn công tác của Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp I và II Quảng Bình có mặt trên những tuyến đường lịch sử năm xưa ở địa phương này như: QL9B, QL9C, QL12A… Theo ghi nhận của PV, dù chạy qua phố thị nhộn nhịp, làng quê yên bình hay giữa những cánh rừng xanh dài bất tận… thì mặt đường trên tuyến vẫn rất bằng phẳng, êm thuận. Hệ thống biển báo, cọc tiêu cắm theo đúng tiêu chuẩn, được quét sơn, gắn phản quang sáng loáng. Lề đường, mương thoát nước được vét, dọn sạch sẽ, thông quang.
Dẫn chúng tôi đi dọc các tuyến đường, ông Nguyễn Trọng Xứng, Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp I Quảng Bình cho biết: Đây là những tuyến đường huyết mạch của tỉnh Quảng Bình. Chúng đều có điểm đầu giao với QL1 và được kết nối với các tuyến đường trọng yếu của đất nước như Hồ Chí Minh, QL15 trước khi thông qua nước bạn Lào ở các cửa khẩu: Chút Mút, Cha Lo, Lao Bảo... Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, các tuyến này đều mang trên mình sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, là tuyến đường chính để vận tải lương thực, đạn dược và hành quân từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, giúp đỡ nước bạn Lào. Dọc các tuyến hiện vẫn còn nguyên những địa điểm đi vào lịch sử như: Trọng điểm Khe Ve, Bãi Dinh, La Trọng, Đồi 37, Cổng Trời, Cha Lo, trận địa Nguyễn Viết Xuân, đèo Mụ Dạ… (nằm trên đường 12A); hay như bến phà Long Đại (trên QL9B)… Hòa bình lập lại, những tuyến đường trên trở thành những mạch máu giao thông quan trọng trong tiến trình hội nhập phát triển kinh tế - xã hội; kết nối tiểu vùng sông Me Kong; nối tỉnh Quảng Bình với cả nước; là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
“Sau chiến tranh, hầu hết các tuyến đường đều bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nhưng vì ngân sách hạn hẹp nên việc sửa chữa, nâng cấp rất hạn chế. Để có được những đoạn đường QL9B, QL9C, QL12A... thoáng đẹp, êm thuận như bây giờ, ngoài việc đầu tư sửa chữa định kỳ, mỗi ngày hàng trăm kỹ sư, công nhân của hai đơn vị quản lý tuyến là Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp I và II Quảng Bình phải thường xuyên bám tuyến, sửa vá từng vết nứt, ổ gà và làm tốt công tác vệ sinh mặt đường, phát quang lề rãnh…”, ông Xứng nói.
Ăn núi ngủ rừng sửa đường
Khi đi trên QL9B, chúng tôi bắt gặp nhóm kỹ sư, công nhân của Đội Thi công cơ giới, Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp I Quảng Bình đang khắc phục sạt lở mái taluy ở tràn Khe Giữa (Km 43 + 700). Để thi công kịp tiến độ, gần 20 người phải dựng lán, ngủ giữa rừng để tranh thủ những lúc trời nắng ráo, nước khe rút cạn xếp đá xây kè.
“Công trình thi công khắc phục mái taluy ở tràn Khe Giữa được công ty này triển khai từ đầu tháng 3/2018 và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4/2018. Tuy nhiên, do vị trí tràn nằm trong rừng sâu, việc vận chuyển nguyên vật liệu gặp rất nhiều khó khăn (cách xa trung tâm gần 30km) và thường xuyên gặp phải mưa rừng, nước trên núi chảy xuống khe lớn nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn”, ông Xứng cho biết.
Đang dầm mình dưới dòng nước lạnh, kỹ sư Dương Đức Tường, Đội trưởng Đội Thi công cơ giới cho biết: “Để kịp tiến độ, 20 kỹ sư, công nhân trong đội luôn túc trực tại hiện trường, ăn núi ngủ rừng. Ngày nắng thì thi công phần taluy âm, ngày mưa thì tranh thủ buộc thép làm khung bê tông phần dương...”.
Trong khi đó, trên QL9C, 12A…, những công nhân khác của Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp I và II Quảng Bình cũng đang miệt mài bám tuyến, vệ sinh mặt đường và phát quang lề rãnh. Do đặc thù các tuyến đường được giao quản lý trải dài qua nhiều địa bàn của tỉnh, nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, công ty đã tăng cường năng lực của các Hạt quản lý đường bộ, cắm chốt công nhân, thiết bị và vật tư tại các vùng trọng điểm.
“Hạt có 13 kỹ sư, công nhân; quản lý 101km (gồm QL9B, 15A, TL564); các tuyến hạt quản lý phần lớn nằm trong khu dân cư, thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang, trâu bò thả rông nên rất nhiều công việc. Để mọi tuyến đường luôn thông suốt, an toàn, hạt phải đã chủ động làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và thanh tra giao thông để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kỹ sư Nguyễn Phong Thông, Hạt trưởng Hạt 4 - Quảng Ninh, Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp I Quảng Bình cho hay.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa duy tu
Quảng Bình có đặc thù là tỉnh có bề ngang hẹp nhất, độ dốc từ Đông sang Tây lớn 2/3 là đồi núi nên bình đồ, trắc dọc các tuyến giao thông rất phức tạp. Mùa mưa bão thường xuyên xảy ra sạt lở taluy âm dọc theo sông, suối và ngập lụt cục bộ. Chưa kể, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được vào cấp nhưng nguồn ngân sách chi cho công tác bảo trì, bảo dưỡng còn rất hạn chế, chỉ đạt 30 - 40% nhu cầu của thực tế…
Để các tuyến đường luôn êm thuận, thông suốt, an toàn; ngoài rút ngắn, thực hiện nhanh các thủ tục hành chính, quản lý chặt chẽ trong đấu thầu, thi công và sử dụng nguồn kinh phí bảo trì có hiệu quả; các đơn vị quản lý đường bộ tỉnh Quảng Bình còn tăng cường áp dụng cơ giới hóa, công nghệ để tăng hiệu quả công tác duy tu, bảo dưỡng đường. Hiện, hầu hết các đơn vị đều đã có trạm trộn bê tông nhựa, dây chuyền thảm, có máy xúc, máy gạt lề, máy cắt cỏ...
“Công ty quản lý 2 tuyến quốc lộ (12A, 15) và 5 tuyến đường tỉnh (558A, 558B, 558C, 559, 559B). Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Quảng Bình, năm vừa qua, đơn vị đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để mua trạm trộn bê tông, dây chuyền thảm… Ngoài ra, 3/6 hạt quản lý đường bộ thuộc công ty đã có xe bán tải chuyên dụng để tuần đường”, ông Lương Đức Hạnh, Phó giám đốc Công ty CP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng tổng hợp II Quảng Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, để nâng cao công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và xử lý nhanh các sự cố trên tuyến, Sở GTVT Quảng Bình đã liên hệ với đơn vị cung ứng mua phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ quản lý, bảo trì đường bộ. Với ứng dụng phần mềm CNTT, chỉ với chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng được kết nối mạng, các công nhân tuần đường có thể chụp ảnh, quay video rồi gửi lên hệ thống. Lập tức, thông tin sẽ được chuyển đến lãnh đạo sở và các bộ phận chuyên môn. Chỉ trong vòng 5 - 10 phút, những vấn đề hư hỏng đường, cầu, cống hay những phát sinh trên đường sẽ được lãnh đạo sở chỉ đạo xử lý.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần mềm hỗ trợ quản lý, bảo trì đường bộ tạo được thông tin hai chiều, từ dưới lên và công tác chỉ đạo từ trên xuống một cách chính xác; đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, tính chính xác, thông tin được lưu trữ an toàn, khoa học, dễ tra cứu, để có thể chủ động trong việc theo dõi tiến độ thực hiện công việc, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đơn vị quản lý... nên đã đặt mua”.
Cũng theo ông Cường, năm vừa qua, Sở GTVT Quảng Bình cũng phối hợp với Cục Quản lý đường bộ II áp dụng công nghệ cào bóc tái chế, đưa vào thử nghiệm bê tông nhựa nguội asphalt... trong sửa chữa hư hỏng mặt đường. Hiện, đơn vị đang đánh giá hiệu quả để nhân rộng công nghệ này.
Tác giả: Sỹ Hòa - Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao thông