Hiện nay, ngành chức năng tỉnh An Giang đang triển khai lấp hố xoáy tử thần trên sông Vàm Nao, đoạn qua trung tâm xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới. Nơi vừa bị sạt lở kinh hoàng khiến hơn chục căn nhà sụp đổ xuống sông, khoảng 108 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng.
An Giang dùng 47 tỉ để lấp hố xoáy tại sông Vàm Nao |
Trước việc dùng 47 tỉ đồng để lấp hố xoáy tử thần đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, việc dùng 1 số tiền lớn như vậy để lấp hố xoáy này là một sai lầm nghiêm trọng. Việc làm có thể gây ra sạt lở nhiều hơn, không khác gì “ném tiền xuống sông”.
Trả lời VietNamNet về vấn đề trên, ông Lâm Quang Thi - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang xác nhận, việc lấp hố xoáy trên sông Vàm Nao có tổng kinh phí là 47 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương.
“Việc lấp hố xoáy ở ven bờ chứ không phải giữa sông. Đây là hố xoáy gây tác nhân trực tiếp đến việc sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông. Việc tư vấn và lập dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT giao cho Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam khảo sát, lập hồ sơ tư vấn chứ không phải An Giang muốn làm gì là làm”, ông Thi nói và cho biết, đây là hố xoáy khoảng 20 mét nằm ở ven bờ.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang việc lấp hố xoáy này dự kiến hoàn thành trong 3 tháng.
|
Người dân quay lại sinh sống gần điểm sạt lở |
Liên quan đến việc sạt lở, mới đây nhiều hộ dân liều mình quay lại nhà cũ để sinh sống, bất chấp sạt lở có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Hết (66 tuổi) cho biết, sau khi sạt lở xảy ra, gia đình bà vào ngôi chùa gần để tá túc. Thời gian gần đây vì phải sống trong cảnh quá tù túng nên gia đình bà đã dọn về ngôi nhà ngay tại điểm sạt lở để ở,dù biết rất nguy hiểm.
Còn anh Tô Văn Ngào (48 tuổi – có nhà điểm sạt lở khoảng 15m) nói, 7 người trong gia đình anh đã “lén” quay trở lại nhà ở nghỉ ngơi, nấu nướng.
Từ khi sạt lở diễn ra, gia đình bà Nguyễn Thị Loan (64 tuổi) phải dọn vào trường học để ở, dù căn nhà còn nguyên.
“Từ ngày xảy ra sạt lở, vợ chồng tôi cũng thất nghiệp vì không buôn bán gì được. Chỉ mong khu tái định cư sớm hoàn thành để chúng tôi ra đó sống, còn yên tâm làm việc”, bà Loan nói.
Ông Lâm Quang Thi thừa nhận, thời gian qua có 1 số hộ dân đã quay trở lại tại điểm sạt lở để ở. “Có một số người dân quay lại vì tâm lý nhớ nhà, còn trường hợp khác là không có chỗ ở. Chính quyền địa phương đã vận động và không để người dân quay trở lại nhà cũ, bởi nơi đó đang nằm trong khu vực cảnh báo nguy hiểm. Còn khu tái định cư cho người dân đang nằm trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Chậm nhất là 3 tháng nữa sẽ có nền nhà, bố trí dân cư vào ở ổn định cuộc sống”, lời ông Thi nói.
Tác giả: Hoài Thanh
Nguồn tin: Báo VietNamNet