Xã hội

Ám ảnh bệnh dại tại Nghệ An

Nghệ An là tỉnh có bệnh dại lưu hành nhiều năm nay và là một trong những tỉnh có số người tử vong cao do bệnh dại.


1 230661
Gia cảnh đáng thương của gia đình nạn nhân Tin


Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2013 đến giữa năm 2016, toàn tỉnh có 36 ca tử vong do súc vật cắn (năm 2013 có 10 ca, năm 2014 có 10 ca, năm 2015 có 11 ca, 6 tháng đầu năm 216 có 5 ca).

Mới đây nhất, một nạn nhân của bệnh dại đã qua đời trong sự đau xót, ngỡ ngàng của người thân. Sản phụ Nguyễn Thị Tin, SN 1984, tại xóm 10, xã Nghi Văn đã trút hơi thở cuối cùng sau khi các bác sĩ BVĐK Nghệ An nỗ lực mổ để cứu đứa bé 32 tuần tuổi trong bụng nạn nhân.

Chị Tin và anh Trương Văn Minh (SN 1984) kết hôn được 7 năm, đã có một bé trai 4 tuổi. Ngoài vài sào ruộng khoán, anh Minh nhận bảo vệ rừng phòng hộ của huyện. Vợ chồng phải gửi lại cho ông bà nội, vào vùng ở đập Bưởi cách nhà 7- 8 km dựng lán trại chăn nuôi.

Khi đang mang thai đứa con thứ 2, một con chó hoang xông vào trại cắn vào chân chị Tin. Dù hơi lo nhưng vì vết thương khô và lành ngay nên chị không đi tiêm phòng dại. Ngày 9/6, thấy vợ có biểu hiện khác thường như sùi bọt mép không nuốt được, co giật, sợ nước, sợ ánh sáng, anh Minh mới tá hỏa đưa chị Tin đến BVĐK tỉnh Nghệ An.

Các bác sĩ xác định, chị Tin có virus bệnh dại, bệnh đã phát tác giai đoạn cuối. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ và gia đình quyết định mổ để cứu cháu bé. Chị Tin tử vong ngay sau đó còn bé trai sinh non với trọng lượng 1,6kg, phải nằm trong lồng kính nhưng cũng qua đời chỉ sau 10 ngày.

“Đây không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó ít tháng, một sản phụ tại huyện Quỳ Hợp được đưa đến BVĐK Tây Bắc Nghệ An trong tình trạng chết lâm sàng. Bệnh viện đã mổ để cứu cháu bé còn sản phụ cũng tử vong”, ông Hoàng Ngọc Đàn, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) xác nhận.

Ông Đàn cũng cho biết thêm, các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không đi tư vấn và tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn. Một số địa phương liên tục nhiều năm có bệnh nhân tử vong do bệnh dại như Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn…

Theo thống kê, năm 2015 có 7,2 nghìn người đến tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh dại. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2016 là 3 nghìn người. Số người đến tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh dại có xu hướng tăng nhưng cũng không thể vì thế để khẳng định số người bị chó cắn nghi dại tăng.

"Thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền về mối nguy hiểm khi bị súc vật cắn đã được làm tốt hơn, người dân ngày càng nhận thức sâu sắc về vấn đề. Đó cũng là một trong những lý do khiến số người đến trung tâm tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh dại tăng”, ông Đàn nhấn mạnh.

“Nghệ An có khoảng 541.000 con chó nhưng thực tế, công tác thống kê rất khó khăn nên đàn chó nuôi có thể lớn hơn. Mỗi năm, toàn tỉnh chỉ tiêm phòng được khoảng 128.000 liều vắc xin bệnh dại (dưới 24%). Vì vậy, việc nâng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại là rất cấp thiết" - Ông Đặng Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi- Thú y Nghệ An.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP