Kinh tế

Ai đang ngầm thâu tóm Sông đà SDU?

Sau nhiều năm nắm quyền tại Sông Đà SDU, chủ tịch Hoàng Văn Anh đã và đang “âm thầm” nâng dần tỷ lệ sở hữu của mình và người thân tại đây.

“Vũng lầy” của Tổng công ty Sông Đà

CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà (Sông Đà Urban - SDU) tiền thân là CTCP Đô thị Sông Đà được thành lập vào năm 2007 với mong muốn tạo ra một đối trọng với CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Hiện nay, vốn đầu tư của Sông Đà SDU là 200 tỷ đồng với sự góp mặt của Tổng công ty Sông Đà tại đây là 30% vốn.

Với sự “nâng đỡ” của “ông lớn” Tổng công ty Sông Đà, SDU được “ưu ái” bằng rất nhiều dự án có vị trí đắc địa với quy mô lớn như Dự án Toà nhà Sông Đà - Hà Đông (34 tầng); Khu nhà hỗn hợp cao tầng Đô thị Sông Đà tại bến xe Hà Đông cũ (1 khối 35 tầng và 1 khối 45 tầng); Dự án cải tạo Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, Hà Nội (25 tầng)…

Đất thực hiện giai đoạn 2 dự án 143 Trần Phú của công ty Sông Đà SDU vẫn chưa có dấu hiệu triển khai và đang được sử dụng làm bãi đỗ xe (ảnh: Thành Long)

Tuy nhiên, sau 10 năm thành lập và phát triển, những con số về tình hình tài chính của SDU như những “đòn giáng” mạnh mẽ và liên tục đối với các nhà đầu tư chiến lược, thách thức sự kiên nhẫn của cổ đông. Đặc biệt kể từ năm 2012, mức sinh lời của SDU chỉ“ngấp nghé” ở ngưỡng tiệm cận điểm hoà vốn với chỉ tiêu lợi nhuận lần lượt 2,2 tỷ đồng; 1,5 tỷ đồng; 2,6 tỷ đồng; 1 tỷ đồng và 4,8 tỷ đồng vào năm 2016.

Đến cuối năm 2016, SDU hiện còn khoản nợ thuế trên 21,5 tỷ đồng và bị Cục thuế Hà Nội phong tỏa hóa đơn. Trong một tài liệu của SDU công bố, do chịu hình thức cưỡng chế nợ thuế như trên, công ty xác định doanh thu bán nhà nhưng chưa xuất được hóa đơn VAT, và đang phải tạm kê khai thuế trên cơ sở xác định doanh thu ghi nhận... Điều này gây rủi ro khá lớn cho các khách hàng của SDU trong trường hợp công ty không thu xếp được tiền để thanh lý khoản công nợ với nhà nước và chịu hình thức cưỡng chế thuế ở mức cao hơn.

Không chỉ kinh doanh “bết bát”, SDU còn liên tục bị “phanh phui” các sai phạm liên quan đến công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là sai phạm của ông Hoàng Văn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty đồng thời là người đại diện vốn cho Tổng công ty Sông Đà tại doanh nghiệp này.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, riêng trong năm 2014 Chủ tịch Hoàng Văn Anh đã ký ban hành 38/40 Nghị quyết các loại, chỉ đạo điều hành công tác sản xuất - kinh doanh của Công ty về các vấn đề như phê duyệt dự toán công trình, phương án kinh doanh, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và thi công sai quy định, điều lệ công ty.

Tại dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội), Thanh tra Bộ Xây dựng cũng phát hiện một số sai phạm như dự toán tính thêm chi phí vận chuyển lên cao đối với gạch xây, vữa xây không phù hợp định mức của quy định pháp luật, dẫn đến sai tăng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; việc lắp đặt ống cấp nước lạnh cũng dự toán tính thêm chênh lệch khiến tăng vốn đến hơn 536 triệu đồng…

SDU dưới thời ông Hoàng Văn Anh cũng tự ý tạm ứng gần 13 tỷ đồng cho 29 cá nhân…

Ái nữ tiền tỷ của vị chủ tịch đầy tai tiếng

Trước tình hình kinh doanh khó cứu vãn kể trên, một cổ đông lớn lâu năm của SDU đã cạn kiệt sự kiên nhẫnlà công ty chứng khoán VNDirect, phải “tháo chạy” bằng cách thoái sạch 16,26% vốn vào tháng 11/2015. Ngay lập tức, trong cơ cấu cổ đông mới xuất hiện CTCP Đầu tư Xây dựng An Phú Thịnh hiện sở hữu hơn 4,6 triệu cổ phiếu SDU (tương ứng tỷ lệ 23,01%). Cái tên CTCP Đầu tư Xây dựng An Phú Thịnh khá mới mẻ trong giới xây dựng và đối với cổ đông của SDU nhưng lại không hề xa lạ với vị chủ tịch Hoàng Văn Anh.

CTCP Đầu tư Xây dựng An Phú Thịnh thành lập năm 2013, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Con gái ông Hoàng Văn Anh là bà Hoàng Thị Phương Thúy sở hữu 80% vốn điều lệ (tương đương 80 tỷ đồng) và cá nhân bà Thúy cũng đang sở hữu 210.000 cổ phiếu (1,05%) tại SDU.

Không chỉ cá nhân và con gái sở hữu cổ phần tại SDU mà anh em của ông Chủ tịch cũng “góp vui” ở đây. Cụ thể, 2 em trai của ông Hoàng Văn Anh là Hoàng Viết Tường và Hoàng Viết Kế cũng đang sở hữu 1,53% và riêng ông Chủ tịch cũng đang sở hữu 11,71%. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại gia đình ông Hoàng Văn Anh đang sở hữu 37,3% vốn điều lệ của SDU.

Ai sẽ hưởng lợi từ việc tăng vốn điều lệ ở SDU?

Kinh doanh không mấy hiệu quả, trong khi phải thực hiện nhiều dự án khiến SDU rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Theo báo cáo tài chính mới nhất của Công ty, tính đến 31/12/2016, nợ phải trả của SDU là 523,5 tỷ đồng Vốn chủ sở hữu hơn 340 tỷ đồng và vốn điều lệ là 200 tỷ đồng.

Trong năm 2017, SDU sẽ thực hiện 4 dự án gồm: Dự án 143 Trần Phú - Hà Đông, Hà Nội (giai đoạn 2) Dự án cải tạo Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, Hà Nội (25 tầng); Dự án Green Diamond Quận 2, TP.HCM; Dự án NƠXH phường Ỷ La (tỉnh Tuyên Quang). Để thực hiện được các dự án này, SDU đã tính đến phương án tăng 100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Tại ĐHCĐ 2017, SDU đã thông qua phương án phát hành thêm 10 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (8 triệu cổ phần theo tỷ lệ 4:1) và phát hành cho cán bộ quản lý công ty (2 triệu cổ phần) với giá 10.000 đồng/cổ phần, nhằm tăng vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu kinh doanh, đầu tư. Nếu thực hiện theo phương án này, SDU sẽ bị thiệt không hề nhỏ do giá chào bán cổ phiếu đã được phê duyệt chỉ bằng một nửa so với giá trên thị trường hiện nay. Tuy thanh khoản rất thấp (có những giai đoạn nhiều tháng liền không có lệnh mua/bán cổ phiếu SDU được thực hiện) nhưng mã SDU vẫn đang được chốt ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu (SDU sẽ mất 10.000 đồng/cổ so với phát hành công khai).

Với tình hình kinh doanh yếu kém tại SDUliệu Tổng công ty Sông Đà có “rót” thêm vốn để giữ nguyên tỉ lệ 30% của mình? Cá nhân, tổ chức nào sẽ hưởng lợi từ việc tăng vốn của SDU hay tăng vốn là chiêu trò của một vài cổ đông nhằm thâu tóm “đất vàng” mà công ty này đang sở hữu?

Tác giả: Thủy Tiên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP