Giải trí

Á hậu Phương Lê nổi như cồn sau “chiêu” mời Hoa hậu Phương Nga về làm việc

Sau khi tòa tuyên án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga được tại ngoại để điều tra vụ án, trên mạng xã hội, Á hậu - doanh nhân Phương Lê đã ngỏ lời mời Phương Nga làm Giám đốc marketing cho công ty của mình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Phương Nga vẫn không có động thái phản hồi lại lời mời này, còn Á hậu doanh nhân Phương Lê thì bỗng nổi như cồn.

Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga tại tòa. Ảnh: TL

Người mời không hiểu luật pháp?

Theo nội dung từ Facebook được cho là của Á hậu Phương Lê, ngay sau khi Hoa hậu Phương Nga được tại ngoại điều tra, người đẹp này đã bày tỏ sự chia sẻ với cú vấp của đàn em. “Hai năm có thể không dài với một đời người nhưng với tuổi thanh xuân của một cô gái là khoảng thời gian đủ để bỏ lỡ nhiều điều quý giá của cuộc đời, đặc biệt là với em, một người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, có thể nói được 3 ngoại ngữ và lại có thêm tài ăn nói của một MC duyên dáng, diễn xuất…

Vì thế, thật đáng tiếc nếu người ta chỉ nhớ đến em như một cô gái gắn liền với những chông gai, nghịch cảnh, oan tình, kẻ yếu đi tìm công bằng cho mình…”, Á hậu Phương Lê bày tỏ. Cô còn đưa ra lời mời Phương Nga về giữ vị trí Giám đốc marketing của công ty mình với niềm tin “bản lĩnh, kiến thức và tài năng của chính em, sau khi đã được tôi luyện trong khó khăn sẽ còn thành công hơn, phát triển hơn nữa trong sự nghiệp”.

Chỉ sau vài giờ chia sẻ nội dung liên quan đến Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, quan điểm của Á hậu Phương Lê đã nhận nhiều phản ứng từ dư luận. Không ít bình luận bày tỏ sự bất bình trước quan điểm của Á hậu Phương Lê, đặc biệt khi cô dùng ngôn ngữ bị cho là phản cảm để nhận định về vụ án.

Chẳng hạn, Phương Lê ví việc Hoa hậu Phương Nga trước tòa với hình ảnh “một mình giữa bầy sói”. Câu hỏi dư luận đang đặt ra là: “Bầy sói” mà người đẹp ám chỉ là những ai, khi mà có cả người thân của Phương Nga và những người đang thực thi công lý? Chưa kể, vì Phương Nga mới được tại ngoại để điều tra vụ án thì lời mời làm Giám đốc kia hoàn toàn không có cơ hội thực thi, vậy người nói ra lời mời ấy không hiểu luật pháp hay còn mục đích gì khác?

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Có thể nói rằng phiên tòa vừa qua đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung và thay đổi biện pháp ngăn chặn (từ tạm giam chuyển sang cấm đi khỏi nơi cư trú) là một kết quả “tạm thời” mà cả bị cáo, người thân và các luật sư bào chữa đều mong muốn.

Dù diễn biến như vậy chưa phải kết quả vụ án, nhưng là cơ hội mới để Phương Nga tiếp tục kêu oan, minh oan cho bản thân. Việc Phương Nga có tội hay không sẽ căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung và các diễn biến tới đây của vụ án. Hiện nay, Phương Nga đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là “cấm đi khỏi nơi cư trú” theo quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Theo đó, đây là biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án”.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm, đương nhiên trong thời gian này, Phương Nga không đủ điều kiện để đáp ứng “lời mời” làm Giám đốc cũng như nhiều hoạt động khác vì bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập. Trong trường hợp bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền nơi cư trú và có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Á hậu Phương Lê bỗng “nổi như cồn”

Mặc dù lời mời của Á hậu Phương Lê chỉ được viết trên Facebook, song có thể thấy sức lan tỏa khá nhanh trên mạng xã hội. Đúng thời điểm vụ án Trương Hồ Phương Nga đang gây chú ý đặc biệt từ dư luận, lời mời này bị coi là “ăn theo” vụ việc cùng với rất nhiều là “chiêu” PR như: Dùng hình ảnh trang phục của ông Cao Toàn Mỹ, Hoa hậu Phương Nga để quảng cáo giày dép, quần áo online… Sau khi chia sẻ quan điểm gây “sốc”, thay vì hình ảnh lặng lẽ, có phần mờ nhạt trước đây, Á hậu Phương Lê bỗng trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều hơn.

Năm 2016, Phương Lê đoạt giải Á hậu 1 và Hoa hậu Ứng xử của cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ. Dù bước ra từ cuộc thi có tên gọi tạo cảm giác về “đẳng cấp toàn cầu” nhưng danh hiệu của Á hậu Phương Lê nhanh chóng chìm giữa một “rừng” danh hiệu của các người đẹp Việt.

Vài lần Á hậu Phương Lê gây xôn xao dư luận là khi cô đăng ảnh rửa chân cho chồng và tiết lộ nhẫn kim cương chồng tặng giá vài chục tỷ đồng, xài túi da cá sấu bạch tạng bạc tỷ. Sau thời gian dài im ắng, lần lên tiếng về vụ việc Trương Hồ Phương Nga mới đây đã khiến tên tuổi Á hậu Phương Lê được chú ý ở một mức độ, ấn tượng khác biệt.

Chưa vội bàn tới mục đích của lời mời từ Á hậu Phương Lê nhưng rõ ràng trong bối cảnh vụ án chưa kết thúc, dư luận đang tung hô quá đà việc Phương Nga được tại ngoại điều tra, xem đó như “người hùng” thì động thái của Á hậu Phương Lê cũng bị đặt ra nhiều câu hỏi. Bản thân bà Hồ Mai Phương - mẹ của Hoa hậu Phương Nga cũng chỉ đưa ra những chia sẻ hết sức thận trọng về con gái.

Là người mẹ, bà Hồ Mai Phương thừa nhận con gái có những điều sai trái, đồng thời mong con mình có cơ hội được làm lại từ đầu, tìm lại chính mình. Sau khi kết thúc phiên tòa, khi báo giới hỏi bà Hồ Mai Phương về dự định của hai mẹ con bà trong những ngày sắp tới, bà đã xin được không đề cập vì đó là chuyện riêng tư. Thế nên có thể hiểu rằng, lời mời từ Á hậu Phương Lê gần như mang tính chất một chiều, theo kiểu nghĩ gì nói nấy mà không cần biết lời mời của mình có được đáp ứng hay không.

Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ: “Nếu trong thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú mà Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cố tình vắng mặt hoặc cản trở điều tra, cản trở hoạt động tố tụng thì sẽ bị thay đổi biện pháp ngăn chặn sang tạm giam theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.

Chính vì thế, trong thời gian vụ án còn tiếp diễn thì Phương Nga không thể thực hiện các công việc thường xuyên ra khỏi nơi cư trú nếu không có sự đồng ý của chính quyền địa phương và cơ quan tiến hành tố tụng. Thời gian bị cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ kéo dài cho đến khi bị can, bị cáo được đình chỉ điều tra, tuyên án không phạm tội hoặc bị thay đổi biện pháp ngăn chặn sang tạm giam hoặc bắt để thi hành án”.

Tác giả:

Nguồn tin: giadinh.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP