Ảnh: 7-themes
1. Cưới nhầm vì hy vọng người ấy thay đổi sau khi kết hôn
Đây là một sai lầm kinh điển. Quy tắc vàng là nếu bạn không thể hạnh phúc với người ấy trong hiện tại thì đừng kết hôn. Bởi thực tế, nếu hôn nhân có thể khiến người ấy thay đổi thì là theo cách tồi tệ hơn.
Vì vậy, nếu bạn chịu đựng được tính cách, tư tưởng, thói quen, vệ sinh cá nhân, kỹ năng giao tiếp... của người ấy ngay trong hiện tại thì hãy quyết định kết hôn với họ.
2. Cưới nhầm vì tập trung vào cơ thể hơn tinh thần
Hãy cẩn thận với các hội chứng "Tôi đang yêu". "Tôi đang yêu" thường có nghĩa là "Tôi đang thèm khát". Bên cạnh sự hấp dẫn của người ấy, bạn đã xem xét tính cách của người này? Có bốn đặc điểm bạn cần phải kiểm tra:
- Khiêm tốn: Người ấy có nghĩ rằng "làm đúng" quan trọng hơn thể hiện bản thân?
- Sự tử tế: Người ấy có cảm thấy hài lòng khi mang lại niềm vui cho người khác? Người ấy có sẵn sàng làm thiện nguyện?...
- Trách nhiệm: Bạn có thể tin tưởng vào những việc người đó sắp làm?
- Hạnh phúc: Người ấy có yêu quý bản thân, hài lòng với cuộc sống? Cảm xúc của người ấy có ổn định?
Hãy tự hỏi bạn có thể yêu người ấy hơn không? Bạn có muốn sinh con với người này? Bạn có muốn con mình giống người ấy?
3. Cưới nhầm vì không chung những mục tiêu và ưu tiên trong cuộc sống
Người ta thường gắn kết với nhau vì ba điều: Tính cách hợp nhau, lợi ích chung nhau và cùng mục đích. Hãy đảm bảo rằng bạn và người ấy liên kết với nhau ở mức độ sâu sắc nhất: chung mục tiêu trong cuộc sống. Sau kết hôn, hai người sẽ phát triển cùng nhau hoặc riêng biệt với nhau. Để tránh sự riêng biệt, bạn phải chỉ ra mình đang sống vì cái gì ngay khi còn đang độc thân rồi tìm một người có chung lý tưởng như bạn.
Định nghĩa đúng đắn nhất của từ "bạn đời" chính là chung quan điểm về cuộc sống, từ đó có chung các ưu tiên, giá trị và mục tiêu trong cuộc đời.
4. Cưới nhầm vì gần gũi quá nhanh
Gần gũi trước khi có cam kết hôn nhân thường khiến bạn khó tìm hiểu đầy đủ và trung thực hết những vấn đề quan trọng. Sự gắn bó cơ thể thường che mờ suy nghĩ, trí tuệ, từ đó bạn sẽ không có được những quyết định tốt.
5. Cưới nhầm vì không có kết nối cảm xúc sâu sắc với người ấy
Muốn biết bạn có kết nối cảm xúc sâu sắc hay không, hãy trả lời câu hỏi: "Mình có tôn trọng và ngưỡng mộ người ấy", chứ không phải là: "Mình có ấn tượng với người ấy không?". Chúng ta có thể bị ấn tượng bởi một chiếc Mercedes nhưng không có nghĩa chúng ta tôn trọng chủ nhân của chiếc xe ấy. Bạn nên bị ấn tượng bởi những phẩm chất tốt đẹp của người ấy như tính sáng tạo, lòng trung thành, sự quyết tâm.
6. Cưới nhầm vì chọn người không mang lại cho bạn cảm giác an toàn
Hãy tự hỏi bản thân: "Mình có cảm thấy bình an và thoải mái với con người này? Mình có được là chính mình, thể hiện đúng bản thân khi ở bên người ấy".
Người ấy có điểm nào đó khiến bạn sợ không? Nếu bạn sợ bày tỏ cảm xúc và ý kiến của mình một cách cởi mở với người ấy, rõ ràng mối quan hệ này đang có vấn đề.
Một khía cạnh khác của cảm giác an toàn là bạn không cảm thấy người ấy đang cố gắng kiểm soát bạn. Hành vi kiểm soát chính là một dấu hiệu của sự lạm dụng. Hãy cẩn thận với một người luôn cố gắng thay đổi bạn vì lợi ích của người đó.
7. Chọn nhầm vì không bàn bạc, thảo luận về mọi vấn đề
Bất cứ điều gì gây khó chịu cho bạn đều phải được đưa ra thảo luận. Đề cập đến những điều khó chịu là cách duy nhất để biết hai người giao tiếp, đàm phán, và làm việc cùng nhau như thế nào. Trong cuộc sống, chắc chắn sẽ có lúc khó khăn nảy sinh. Bạn cần phải biết các bạn có thể giải quyết sự khác biệt như thế nào trước khi chính thức cam kết hôn nhân với nhau.
8. Cưới nhầm vì dùng hôn nhân để chạy trốn hiện tại
Nếu một mình, bạn không hạnh phúc thì kết hôn, bạn cũng không hạnh phúc. Hôn nhân không giải quyết được các vấn đề cảm xúc, tâm lý, riêng tư. Nếu có, hôn nhân chỉ khiến mọi thứ thêm trầm trọng.
Nếu bạn không hài lòng với bản thân và cuộc sống của mình, bạn có trách nhiệm thay đổi ngay khi còn độc thân. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và người bạn đời tương lai sẽ cảm ơn bạn.
9. Cưới nhầm vì người ấy tham gia vào mối quan hệ tay ba
Có nghĩa là người ấy phụ thuộc cảm xúc vào một người khác, thứ khác trong khi cố phát triển tình cảm với bạn. Một người quá phụ thuộc vào cha mẹ, công việc, nghiện hút, nghiện Internet, ám ảnh tiền bạc, đam mê thái quá thể thao... cũng được coi là người có quan hệ tay ba.
Hãy đảm bảo rằng cả hai người không hề có mối quan hệ tay ba nào. Những người trong một mối quan hệ tay ba thường không sẵn sàng cảm xúc trọn vẹn cho bạn. Bạn sẽ không phải là ưu tiên số một của họ, và đây không phải là cơ sở của một cuộc hôn nhân.
Tác giả bài viết: Kim Anh