Trong nước

8 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016

Chính phủ mới ra mắt trong bối cảnh nhiều thách thức khi GDP nhiệm kỳ trước không đạt mục tiêu, nợ công tăng cao, nhiều tỉnh trải qua sự cố môi trường chưa từng có. Dù vậy, bức tranh kinh tế - xã hội 2016 cũng ghi nhận những hứa hẹn bùng nổ khi số doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ lục.


Bầu nhân sự cấp cao

5 năm một lần, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra hồi cuối tháng 1 thông qua quy chế bầu cử không cho phép Ủy viên Trung ương khóa trước ứng cử hoặc nhận đề cử khi không nằm trong quy hoạch nhân sự. Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ hai, kiên định mục tiêu "vững bước trên con đường đổi mới".

Nửa năm sau, Quốc hội khóa XIV đã bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ với 23 gương mặt mới, do ông Nguyễn Xuân Phúc (62 tuổi) làm Thủ tướng. Thành viên trẻ nhất là Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng (46 tuổi). Duy nhất Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (57 tuổi) là nữ và không phải Ủy viên Trung ương.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức - nghi thức lần đầu tiên được Quốc hội khóa XIII áp dụng với lãnh đạo cấp cao. Ảnh: Giang Huy.

Chính phủ nhiệm kỳ mới ngay lập tức phải đối mặt với các khó khăn kinh tế; xử lý những sự cố môi trường lớn chưa từng có... Để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, hàng loạt giấy phép con đã được loại bỏ, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bộ máy chuyển động mạnh mẽ theo hướng từ quản lý sang phục vụ.

Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ cũng có nhiều hoạt động thâm nhập thực tế, lắng nghe những bức xúc của người dân. Điều này mang lại kỳ vọng về một Chính phủ "gần dân, liêm chính và quyết liệt" như thông điệp Thủ tướng nhấn mạnh trong Lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu

Kinh tế Việt Nam đã có năm khởi động kế hoạch 2016-2020 không thuận lợi khi tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 6,3-6,5%, so với chỉ tiêu 6,7% cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ 6,5-7%. Nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng là sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường và giá cả hàng hóa trên thế giới… Những yếu tố này cũng khiến xuất khẩu toàn nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng 10%.


Sau 2 năm tăng trưởng cao hơn kế hoạch, GDP Việt Nam lại lỡ hẹn với mục tiêu trong năm đầu nhiệm kỳ 2016-2020. Đồ họa: Việt Chung.

Tuy vậy, đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng khi Chính phủ hoàn thành 11/13 chỉ tiêu Quốc hội giao như: giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện nghèo; nâng tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn; bên cạnh đó là việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được thực hiện theo lộ trình đề ra, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng.

Thảm họa môi trường do Formosa xả thải

Đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lan ra suốt một dải 200 km bờ biển miền Trung.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện với thảm họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người. 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng. Ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, khiến GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng.

Hơn hai tháng cả hệ thống chính trị vào cuộc truy tìm nguyên nhân, thủ phạm được chỉ ra là chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ sinh thái một vùng đáy biển.


Nhiều thế hệ ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra lần này. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Công ty này đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam, bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Chính phủ cũng tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý các nguồn ô nhiễm biển, hỗ trợ dân khôi phục sinh kế. Tuy vậy, "bao giờ biển miền Trung phục hồi?" vẫn là câu hỏi nhức nhối khi 154 loại hải sản trong vòng 13,5 hải lý gần bờ 4 tỉnh miền Trung chưa an toàn.

Các nhà khoa học đánh giá phải mất hàng trăm năm để khắc phục hoàn toàn ô nhiễm.

Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam

Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 5 có chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên trong hai nhiệm kỳ, nhằm củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, thắt chặt quan hệ về an ninh, kinh tế với một đối tác đang ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ cuối năm ngoái.

Tổng thống Mỹ đã gặp gỡ, hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt - Mỹ, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI), doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong chuyến thăm, ông Obama cũng tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.


Tổng thống Mỹ Barack Obama được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam. Ảnh: Bá Đô.

Tình cảm nồng hậu mà người dân Việt Nam dành cho Tổng thống Mỹ suốt chuyến thăm khiến ông Obama phải thốt lên rằng sự thân thiện “đã chạm tới trái tim tôi”, và đó cũng là dấu hiệu rõ ràng hơn cả cho thấy một tương lai đầy triển vọng của mối quan hệ Việt - Mỹ.

Nợ Chính phủ vượt trần

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp giữa năm, nợ của Chính phủ lần đầu được công bố vượt trần 50% GDP năm 2015. Cuối năm nay, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên mức 53,2%, khiến Chính phủ phải xin Quốc hội nới trần nợ công giai đoạn 2016-2020 và được chấp thuận ở mức 54% GDP.


Nợ Chính phủ của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây. Đồ họa: Việt Chung.

Việc tăng vay nợ của Chính phủ năm 2016 chủ yếu nhằm bù đắp bội chi, trả nợ công, chi đầu tư phát triển cũng như bảo lãnh các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước vay... Trong bối cảnh gánh nặng trả nợ gia tăng cùng với việc tái cơ cấu thời hạn vay, vấn đề kỷ luật chi tiêu, đầu tư được đặt ra mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh, nguồn lực tài chính cho Việt Nam trung và dài hạn.

Nhiều lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Nguyên bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016. Ba thứ trưởng đương nhiệm, hai lãnh đạo tỉnh ủy và một cựu phó ban Tổ chức Trung ương cũng nhận các hình thức kỷ luật vì "có khuyết điểm trong việc luân chuyển, khen thưởng ông Trịnh Xuân Thanh".


Ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus biển xanh.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị 9 cơ quan vào cuộc làm rõ thông tin ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Hậu Giang sử dụng xe Lexus cá nhân trị giá 5 tỷ đồng. Quá trình điều tra phát hiện loạt sai phạm trong bổ nhiệm ông này. Khi còn làm lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), dù công ty thua lỗ nặng, ông Thanh vẫn được cất nhắc lên vị trí cao. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, "những vi phạm, khuyết điểm của các cán bộ trên đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội".

Ông Thanh được cho là đã trốn ra nước ngoài sau khi rời ghế Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; bị hủy tư cách đại biểu Quốc hội; khai trừ khỏi Đảng. Bộ Công an khởi tố ông Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng bí thư cho biết cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã quốc tế, phối hợp cùng các nước với tinh thần "bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh".

Số doanh nghiệp mới nhiều kỷ lục

Được Thủ tướng chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, 2016 cũng chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều chưa từng có. Tính đến hết 11 tháng, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có xấp xỉ 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số cả năm 2015 là hơn 94.700. Cùng với đó, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.


Lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong một năm. Đồ họa: Việt Chung

Các tổ chức kinh doanh gia nhập thị trường trong không khí khởi nghiệp sôi động bởi cam kết của lãnh đạo đất nước về một Chính phủ "kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp". Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trong năm nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhờ cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng…, song lại tụt hạng về năng lực cạnh tranh theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Bốn tháng 4 vụ máy bay quân sự rơi

Ngày 14/6, chiếc Su-30MK2 thuộc loại máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới, rơi tại vùng biển Nghệ An làm một phi công tử nạn. Hai ngày sau, chiếc CASA212 trong quá trình tìm kiếm phi công Su-30MK đã lao xuống vịnh Bắc Bộ, phi hành đoàn 9 người hy sinh. Ngày 26/8 và 18/10, thêm hai máy bay huấn luyện L39 và trực thăng EC130 rơi ở tỉnh Phú Yên và Bà Rịa Vũng Tàu, 4 người chết.

Máy bay huấn luyện L39 rơi tại Phú Yên làm hai phi công tử nạn. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trước tổn thất nghiêm trọng, làm mất đi những phi công lão luyện, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã nhận trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đồng thời chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như quản lý phi công lỏng lẻo, tâm lý chủ quan trong đảm bảo an toàn bay, chất lượng máy bay, trường huấn luyện và đơn vị bay có vấn đề... Hơn 40 cán bộ, sĩ quan đã bị kỷ luật.

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP