Ngày nay, chúng ta có thể sử dụng điện thoại di động để giao tiếp với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, và bất kỳ nơi đâu. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa chúng ta muốn sử dụng điện thoại ở đâu và thế nào cũng được. Có nhiều lúc và nhiều nơi, chúng ta cần phải xem xét nhiều yếu tố để vừa có cuộc giao tiếp trôi chảy vừa không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Chẳng hạn khi ở nơi làm việc, hẳn bạn sẽ không muốn sử dụng điện thoại như cách bạn làm khi đi ra ngoài với bạn bè.
Nhà tư vấn việc làm Barbara Pachter đã vạch ra những quy tắc ứng xử khi giao tiếp bằng điện thoại ở thời hiện đại trong quyển sách "The Essentials of Business Etiquette." Dưới đây là những điểm quan trọng nhất bạn cần phải biết được trích dẫn bởi Business Insider và được chuyển ngữ bởi VnReview.
1. Xưng tên khi trả lời điện thoại
Hãy sử dụng một câu chào hỏi và sau đó xưng tên của bạn. Việc này sẽ cho người gọi biết họ đã gọi đúng người và bắt đầu câu chuyện ngay, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.
2. Nói ở mức âm lượng vừa phải
Một vài người không nhận ra họ đang nói lớn như thế nào, đặc biệt khi họ chỉ chú tâm vào cuộc hội thoại với người gọi. Nói ở mức vừa phải sẽ không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngoài ra, nó còn giúp bạn đảm bảo không ai có thể nghe được những "bí mật" bạn và người kia đang trao đổi.
3. Đừng trả lời điện thoại khi bạn đang họp với ai đó
Khi đang họp với ai đó, nếu có cuộc gọi đến, bạn đừng nên bắt máy. Đây là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với những người đang họp với bạn. Nếu bạn đang chờ một cuộc gọi quan trọng, hãy báo cho mọi người biết trước.
4. Không đặt điện thoại trên bàn khi họp với người khác
Đối với nhiều người, đây là cách bạn thể hiện sự thiếu tôn trọng với họ, và rằng họ không xứng đáng để bạn bõ thời gian. Ngay cả khi điện thoại của bạn không nhận cuộc gọi đến, nó cũng vẫn gây mất tập trung.
5. Tôn trọng những khu vực yên tĩnh
Nếu đang tham dự một cuộc họp hoặc một hội nghị, bạn đừng để chuông điện thoại reo. Điều này sẽ cắt ngang mọi thứ, đồng thời thể hiện sự khiếm nhã và thiếu chuyên nghiệp. Thay vào đó, hãy chuyển điện thoại sang chế độ im lặng hoặc tắt nó trước khi bước vào cuộc họp, hội nghị.
6. Để chuông điện thoại ở mức âm lượng vừa phải
Liệu bạn có cảm thấy khó chịu khi bạn đang tập trung, tiếng chuông điện thoại của ai đó reo lên và cắt ngang luồng suy nghĩ của bạn. Chắc chắn là có. Do vậy, đừng để điều tương tự xảy ra với các đồng nghiệp bằng cách đặt mức âm lượng vừa phải cho chuông điện thoại hoặc tốt hơn chuyển nó sang chế độ rung.
7. Cho người gọi biết bạn đang bật loa khi nói chuyện với họ
Nếu cần thiết phải bật loa điện thoại, bạn nên cho người gọi biết về điều này kèm theo đó là thông tin những người đang ngồi cùng với bạn. Những điều này giúp người gọi đưa ra cách ứng xử hợp lý trong câu chuyện giữa bạn và họ.
8. Đừng gửi tin nhắn thoại quá dài
Hãy để lại một tin nhắn thoại ngắn gọn và xúc tích. Trình bày rõ ràng lý do vì sao bạn gọi. Trường hợp bạn muốn để lại số điện thoại, hãy đọc nó một cách chậm rãi nhất có thể.
Tác giả bài viết: Hiền Lê