Dòng người biểu tình ủng hộ DACA hồi năm ngoái. (Ảnh: Reuters) |
Các bang Alabama, Arkansas, Louisiana, Nebraska, South Carolina và West Virginia đã cùng Texas nộp đơn kiện nhằm thúc giục chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố chương trình DACA là vi hiến và chặn việc cấp mới hoặc gia hạn giấy phép DACA cho những đối tượng nhập cư. Hồ sơ vụ kiện cho rằng chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vượt quá thẩm quyền hợp pháp khi đơn phương tạo ra chương trình DACA mà chưa được Quốc hội Mỹ thông qua vào thời điểm đó.
Trong đơn kiện, phía nguyên đơn cho rằng tòa án có thể “dừng ngay lập tức chương trình và hủy bỏ các giấy phép DACA hiện tại vì đây vốn là chương trình bất hơp pháp". Đạo luật DACA cho phép các trẻ em nhập cư phi pháp vào Mỹ trước 16 tuổi được ở lại mà không bị trục xuất khi họ đi học, làm việc hay tham gia vào quân đội. Chính sách này được gia hạn 2 năm/lần. Hiện DACA đang bảo vệ quyền lợi cho 800.000 người.
Đơn kiện không yêu cầu hủy bỏ những giấy phép DACA đã được cấp từ trước đây. Mục tiêu của vụ kiện nhằm xác minh quyết định khởi động chương trình DACA năm 2012 của chính quyền ông Obama là đúng hay sai. Dù đây là đơn kiện nhằm vào chính phủ, nhưng theo ABC News, Tổng thống Trump dường như là đồng minh hơn là đối thủ của 7 bang nguyên đơn về chính sách nhập cư.
Tháng 9 năm ngoái, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình DACA. Nhưng ông Trump cho Quốc hội tìm những biện pháp kháp để thay thế DACA và hạn chót là ngày 5/3/2018. Cho tới nay, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể đồng thuận hay đưa ra một đạo luật mới và nỗ lực chấm dứt DACA của ông Trump đang bị trì hoãn do hàng loạt những thách thức pháp lý.
Vào tháng 1, một thẩm phán liên bang tại California đã đưa ra một lệnh yêu cầu chính phủ Mỹ tiếp tục nhận các đơn xin nhập cư theo diện DACA sau khi tạm hoãn hồi năm ngoái. Sau đó 1 tháng, một thẩm phán tại tòa liên bang ở New York ban hành lệnh cấm nhằm chặn nỗ lực của ông Trump trong việc hủy bỏ DACA.
Trong một thông cáo, Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton cho rằng DACA tạo ra “một tiền lệ nguy hiểm. Nó cho phép cơ quan hành pháp bỏ qua Quốc hội, tự ban hành và thay đổi luật di trú quốc gia để làm thỏa mãn chính sách của Tổng thống".
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí