Khi bạn tới cửa hàng để tìm mua một chiếc laptop mới, bạn có thể dễ dàng kiểm tra các thông số kỹ thuật cơ bản của máy – bộ vi xử lý, dung lượng RAM, kích thước màn hình, card đồ họa,v..v.. Tuy nhiên, có một vài tính năng mà bạn không thể chỉ nhìn vào thông số kỹ thuật là có thể biết nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng và khả năng làm việc của máy cũng như tính thoải mái cho người dùng. Dưới đây là 6 tính năng mà bạn nên kiểm tra trên máy thực.
Chuột cảm ứng – Touchpad
Đây là một trong những bộ phận tối quan trọng của máy nhưng lại nhận được rất ít chú ý từ người dùng khi tìm mua máy laptop mới. Touchpad hay gặp lỗi hoặc không nhạy sẽ gây khó chịu cho người dùng, tuy nhiên đây lại là bộ phận mà nhiều hãng sản xuất lại thường cắt giảm chất lượng để giảm giá thành sản phẩm. Với sự xuất hiện của hệ điều hành Window 8 và các cử chỉ chạm đa điểm đi kèm, chất lượng của touchpad lại càng quan trọng.
Bạn có thể thử chất lượng của touchpad trên các máy chạy hệ điều hành Window 8 bằng cách vào mục Photo, chọn một ảnh bất kì và thực hiện các cử chỉ sau: zoom, xoay ảnh bằng hai ngón, lật ảnh bằng ba ngón (nếu có hỗ trợ). Nếu bạn vào mục Control Panel - Mouse, bạn có thể xem nhà sản xuất ra touchpad và các cử chỉ mà touchpad đó hỗ trợ (vài cử chỉ sẽ bị tắt theo mặc định).
Bạn cũng nên thử các nút chuột đi kèm với touchpad nếu có, xem các nút đó có dễ bấm hay không, có bị nhầm giữa chuột trái và chuột phải hay không. Đối với các touchpad không nút cứng (clickpad), bạn nên kiểm tra xem khi nhấn chuột thì con trỏ có bị nhảy hay không. Đây là một vấn đề thường gặp với clickpad hiện nay.
Bàn phím
Ngay cả khi bạn dùng laptop chỉ để gửi e-mail hay giải trí là chính, bạn vẫn nên có một chiếc laptop với bàn phím thoải mái. Hãy mở NotePad, gõ thử vài dòng văn bản. Bạn có thấy bàn phím quá mềm ? Các phím quá gần nhau ? Kích thước các phím quá nhỏ ? Bạn gõ sai hơi nhiều ? Nếu bạn gặp các vấn đề trên thì tốt nhất bạn nên tìm cân nhắc một chiếc laptop khác.
Bạn cũng nên để ý tới độ sâu của phím, đặc biệt là với bàn phím của các laptop thuộc dòng máy ultrabook. Nhiều hãng chế tạo laptop thường làm bàn phím của các máy ultrabook nông hơn để máy có thể mỏng hơn. Độ sâu của phím và lực gõ sẽ có ảnh hưởng tới cảm giác gõ của người dùng, đặc biệt là đối với những người có thói quen gõ bàn phím mạnh tay.
Một điểm nữa bạn nên tìm kiếm ở bàn phím là các nút chức năng như nút điều chỉnh âm lượng, nút điều chỉnh độ sáng màn hình, đóng cửa sổ đang mở,v..v..mà không cần phải giữ phím Fn trước.
Webcam
Nếu bạn là một doanh nhân hay có những cuộc họp hay gặp mặt đối tác qua mạng, hoặc đơn giản chỉ là muốn nói chuyện với người thân ở một nơi khác bằng Skype, webcam của laptop mà bạn đang cân nhắc nên có chất lượng hình ảnh tốt. Mặc dù các laptop cho doanh nhân thường có webcam chất lượng khá tốt, các máy phổ thông thường có chất lượng webcam khá kém với hình ảnh mờ hoặc nhòe, màu sắc cũng rất kém.
Để kiểm tra chất lượng của webcam, bật webcam lên và xem hình ảnh của bạn trong các môi trường ánh sáng khác nhau, từ tối sang ánh sáng đèn huỳnh quang và ánh sáng mặt trời. Kiểm tra các mảng sáng tối và các chi tiết nhỏ trong hình. Bạn cũng nên kiểm tra các tính năng khác của webcam mà nhà sản xuất có thể cho thêm vào.
Màn hình
Không có gì khó chịu hơn việc bạn không thể lướt web, chơi game hoặc xem bộ phim yêu thích vì màn hình của máy quá kém. Màu sắc bị phai, lem màu hoặc góc nhìn kém đều có thể gây mất thoải mái cho người dùng.
Cách đơn giản nhất để kiểm tra khả năng hiển thị màu sắc và hình ảnh của màn hình laptop là lên mạng, phát một video trên Hulu hoặc YouTube. Nếu máy không có kết nối Internet, bạn có thể vào thư mục Video, nơi thường chứa một video xem thử của Microsoft. Khi video đang chạy, bạn hãy nghiêng màn hình lên xuống, nghiêng đầu sang trái và phải để xem màu sắc và hình ảnh trên màn hình có bị phai hay nhòe màu hay không. Góc nhìn của màn hình có đạt yêu cầu hay không.
Độ sáng của màn hình cũng rất quan trọng. Độ sáng tối đa quá thấp có thể làm bạn gặp khó khăn khi sử dụng máy ngoài trời vào lúc ban ngày. Nhưng độ sáng tối thiểu quá cao cũng có thể làm máy của bạn hao pin nhanh hơn. Lớp phủ chống lóa sáng cũng là một tính năng đáng cân nhắc nếu bạn hay phải làm việc ngoài trời.
Đối với các máy có màn hình cảm ứng, bạn nên kiểm tra độ nhạy của tính năng cảm ứng và liệu bề mặt của màn hình có dễ bị bám bẩn hay dấu vân tay không.
Loa ngoài
Khi bạn đang kiểm tra màn hình bằng video, bạn cũng nên tăng mức âm lượng của loa ngoài lên để có thể nghe thấy âm thanh của video và đánh giá chất lượng của loa ngoài. Vị trí đặt loa ngoài của máy cũng là một yếu tố rất quan trọng vì vị trí của loa sẽ có thể gây ảnh hưởng tới âm thanh phát ra. Ví dụ, loa ngoài đặt ở đáy máy sẽ có thể làm âm thanh bị bịt hay tắc khi máy đang đặt ở trên bàn hay trên đùi người dùng.
Bạn cũng nên thử chơi một vài bản nhạc trên máy qua loa ngoài và tăng mức âm lượng lên tối đa nếu có thể để kiểm tra xem âm thanh có bị méo hay mất tiếng hay không. Một điểm nữa cần chú ý là các ứng dụng hỗ trợ âm thanh đi kèm như Dolby Digital hay Beats Audio có thể giúp bạn điều chỉnh chất lượng âm thanh.
Ổ cứng
Mặc dù các quảng cáo laptop có thể cho bạn biết dung lượng của ổ cứng trong máy, nhưng dung lượng lớn không phải là tất cả. Các laptop phổ thông thường có ổ cứng HDD hoặc flash, nhưng với nhiều mẫu laptop cao cấp, ổ cứng SSD tốc độ cao hơn cần có chú ý nhiều hơn. Hãng sản xuất ra ổ cứng đó và model của ổ cứng là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của bộ nhớ.
Nếu bạn muốn biết ổ cứng trong máy là do hãng nào sản xuất, bạn có thể mở Control Panel, vào mục Device Manager và sau đó chọn Disk Drive. Bạn sẽ có thể biết được hãng sản xuất ra ổ cứng đó và tên của model, sau đó bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng để biết được khả năng làm việc, tốc độ xử lý và truyền tải dữ liệu của ổ cứng đó.
Tác giả bài viết: Đức Lộc