Du lịch

6 món ăn đặc sản nhắc đến là thèm của Nghệ An

Nghệ An được biết đến bởi những món ăn, đặc sản nổi tiếng như cháo lươn, bánh mướt hay nhút...

Các đặc sản Nghệ An được làm từ những nguyên liệu dân dã, chính vì vậy nó mang hương vị rất đặc trưng mà không đâu có thể giống được.

1. Cam xã Đoài

Phải nói rằng hiếm có loại trái cây nào đặc biệt như cam xã Đoài. Cam xã Đoài có vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong, quyến rũ được bất cứ người nào từng may mắn được thưởng thức. Cam trồng ở một vùng diện tích rất nhỏ thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Cam xã Đoài đặc biệt ngon, vỏ mỏng, rất nhiều nước, khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần, hương thơm bay lan tỏa khắp vườn.


Cam Xã Đoài chín vào khoảng tháng 11, 12 hàng năm. Cứ đến độ giáp tết, các chủ vườn lại tới tấp nhận điện thoại đặt mua cam. Giá cam bán theo quả, người mua đến tận vườn hái mà vẫn không đủ bán, có những quả sót lại chỉ nhỉnh hơn quả chanh, khách vẫn giành nhau mua.

Khi bổ ra, cam có màu vàng óng, nước cam chảy ra nhìn sánh như những giọt mật ong óng ánh dưới ánh nắng mặt trời.


2. Nhút Thanh Chương

Hẳn là với nhiều người, mít xanh chính là thứ quả gắn liền với tuổi thơ. Những quả mít non được hái xuống, rồi đem luộc, chấm với muối ớt, mặn chát, nghẹn trong cổ họng mà bao đứa trẻ vẫn khao khát và thích thú. Còn với người Thanh Chương xứ Nghệ, việc chế biến mít xanh thành món ăn như dưa muối lại là nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Nguyên liệu để làm nhút chỉ gồm có mít xanh và muối trắng, cách làm tương tự như món dưa muối. Nhiều người còn coi nhút chính là một loại "kim chi" của xứ Nghệ.- Ảnh: Tungxichlo/ phuot.vn


Nghe nói, nghề làm nhút ở Thanh Chương đã có từ rất lâu đời. Tuy là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình, nhưng đến nay, nhút đã trở thành đặc sản của xứ Nghệ được nhiều người khắp nơi biết đến.

Nhút có vị chua chua giòn giòn, ăn rất đưa cơm, chỉ cần chút nước mắm làm nước chấm là đủ.


3. Cháo lươn Vinh

Lươn là loại thủy sản nước ngọt có ở hầu hết đồng ruộng trên đất nước Việt Nam. Nhưng lươn xứ Nghệ đặc biệt hơn với loại lươn đồng mình thon, thịt chắc, “hai vành” vàng bụng đen hơn hẳn lươn ở xứ khác. Dưới những bàn tay tài hoa, khéo léo của người đầu bếp nơi đây, cùng với văn hóa ẩm thực đặc trưng, các món ngon từ lươn lần lượt ra đời và dần trở thành đặc sản, tinh hoa của mảnh đất này.


Cháo sánh đều, không đặc cũng không loãng, sánh ngọt với màu xanh rất ngon mắt và hương vị cay nồng rất đặc trưng.


Cháo lươn được nấu rất kỳ công, và đặc biệt. Xương sống của con lươn được băm nhuyễn, nấu lấy nước súp, rồi lọc bỏ xương vụn đi, sau đó mới đem ninh cháo. Nhờ có nước ngọt nấu từ chính xương sống của con lươn nên cháo lươn Nghệ An có vị ngọt rất riêng: đậm nhưng lại rất thanh, không thấy vị béo của mỡ. Gạo để nấu cháo là loại gạo tẻ ngon, để nguyên hạt mà ninh chứ không giã nhỏ hay xay gạo thành bột.

Ngoài món cháo, lươn còn được chế biến thành nhiều món ăn khác cũng không kém phần hấp dẫn như súp lươn, lươn om ...


4. Tương Nam Đàn


Tương là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân Nam Đàn, được làm nên bởi những nguyên liệu gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày nhu đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Tương Nam Đàn lại có đủ hai loại: Mặn và ngọt. Tương mặn dùng để ăn hàng ngày, còn tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ chủ yếu để đãi khách và làm quà biếu.

Để có được chum tương ngon, đòi hỏi ở người làm tương sự kỳ công, tỷ mẩn, bởi nếu vô tình hay cố ý cho thêm một thứ gì vào, chum tương sẽ bị hỏng. Trong một chai tương Nam Đàn có ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm.

5. Bánh mướt Diễn Châu

Bánh mướt thoạt nhìn có vẻ giống với bánh cuốn ngoài Bắc nhưng nó lại có hương vị thơm ngon rất riêng. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong. Bánh chỉ được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Vào những buổi sáng tinh mơ, người làm bánh thường phải thức dậy từ khi 2 - 3 giờ sáng để nổi lửa tráng bánh thì mới kịp bán cho khách.

Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ của người lớn, cuộn tròn, mềm, mịn, trắng trong (Ảnh: Internet)


Bánh mướt rất dễ ăn, bạn chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi cũng đã thấy ngon miệng. Nếu bạn dùng bánh mướt để đãi khách thì cũng có thể dùng kèm với bò nướng lụi, thịt lợn nướng, giò, chả nem rán rất ngon.

Bánh mướt xáo lòng là một món ăn sáng được nhiều người yêu thích. Hương vị dịu, thơm của bánh mướt hòa quyện cùng vị béo ngậy của món lòng xáo chắc chắn sẽ cho bạn cảm nhận khác biệt.


6. Bánh đa Đô Lương

Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được.

Để có một chiếc bánh đa thơm ngon, hấp dẫn, người làm bánh kỳ công từ khâu chọn gạo, nhặt sạch vừng, lau chùi vỉ phơi. Bánh đa khi đã tráng chín được trải nhẹ tay trên vỉ nứa để nguội rồi mới đem phơi nơi có nắng hoặc gió.

Bánh nướng trên than hoa, lò vi sóng hoặc chiên dầu, giòn tan, khó cưỡng, thích hợp để lai rai cùng bạn bè.

Tác giả bài viết: Chanh Muối

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP