Tin địa phương

6 đời chủ tịch 'hành' 12 hộ tiểu thương?

“Tròn 20 năm, 6 đời chủ tịch huyện, hơn 50 cuộc họp, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể yên thân, ảnh hưởng nặng nề việc kinh doanh buôn bán” - ông Đỗ Cương, tiểu thương chợ Tréo, bức xúc nói về sự thiếu nhất quán của chính quyền huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong việc thu hồi đất.

Khu vực 12 ki ốt là một nơi kinh doanh sầm uất ở khu vực chợ Tréo. Ảnh: H.N.

Theo đơn trình bày của 12 hộ tiểu thương kinh doanh tại khu vực chợ Tréo, huyện Lệ Thủy phản ánh đến báo Tiền Phong: Năm 1992, Cty Ngoại thương huyện Lệ Thủy xây 12 ki ốt đối diện chợ Tréo (mỗi ki ốt có diện tích 25m2) bán đấu giá với mục đích sở hữu kinh doanh lâu dài. Điều này được UBND huyện Lệ Thủy thời đó chấp thuận tại tờ trình của Cty Ngoại thương ngày 2/7/1992.

Năm 1998, UBND huyện Lệ Thủy bắt đầu rục rịch chủ trương thu hồi các ki ốt này. Năm 2002, UBND huyện Lệ Thủy chính thức gửi thông báo đến các hộ tiểu thương về kế hoạch di dời nhằm giải phóng mặt bằng để mở rộng chợ Tréo. Tuy nhiên, trước sự phản kháng của các hộ tiểu thương về giá đền bù cũng như mục đích thu hồi không rõ ràng (chợ Tréo không xây dựng trên khu đất chuẩn bị thu hồi), khiến lãnh đạo huyện Lệ Thủy lúng túng đến năm 2011 vẫn chưa thể giải quyết.

Để hợp thức hóa việc thu hồi 12 ki ốt của các hộ tiểu thương, đầu năm 2011, UBND huyện Lệ Thủy công bố quy hoạch 1/500 khu vực chợ Tréo, trong đó chợ Tréo có khu A và khu B. Khu A là khu đình chợ, còn khu B (trong đó có 12 ki ốt) là các công trình phụ trợ nhưng chủ yếu khuôn viên cây xanh. Kế hoạch thu hồi 12 ki ốt tiếp tục bị đổ vỡ, do các hộ tiểu thương phát hiện huyện Lệ Thủy muốn cắt một số diện tịch thu hồi để bán đấu giá đất ở, với lý do lấy kinh phí xây dựng chợ Tréo.

Năm 2014, huyện Lệ Thủy tiếp tục lên kế hoạch thu hồi 12 ki ốt của các hộ tiểu thương với một “quyết tâm mới, khí thế mới”. Để làm an lòng các hộ tiểu thương, huyện Lệ Thủy cho điều chỉnh quy hoạch 1/500, toàn bộ đất thu hồi sẽ được làm khuôn viên cây xanh, xây ki ốt nhằm hoán đổi cho các hộ tiểu thương bị thu hồi, không bán đấu giá đất ở như kế hoạch trước đây. Mặc dù vậy, kế hoạch này vẫn bị các hộ tiểu thương phản kháng vì nhiều lí do như: Vị trí ki ốt mới không thuận tiện cho kinh doanh; giá đền bù không thỏa đáng; một số vị trí “đất kim cương” không bị thu hồi, nhằm để dành cho “đại gia” bất động sản đang có âm mưu thôn tính.

“Tính đến nay là tròn 20 năm, 6 đời chủ tịch huyện. Việc thu hồi đất của dân có giấy tờ hợp pháp mà họ xem chúng tôi như tội phạm, khi mời, khi triệu tập, khi cưỡng chế… với hơn 50 cuộc họp khiến chúng tôi điêu đứng không kinh doanh, buôn bán được gì!” - ông La Văn Thoảng, một trong 12 hộ tiểu thương bức xúc nói.

Tiểu thương đồng ý, nếu đúng luật

Theo 12 hộ tiểu thương ở khu vực chợ Tréo, họ hoàn toàn đồng tình giao đất nếu huyện Lệ Thủy làm đúng pháp luật. Có hai điều khiến 12 hộ tiểu thương phản kháng không giao đất: mục đích thu hồi đất không rõ ràng; giá đền bù không dựa trên các căn cứ pháp lí.

Ngoài mục đích thu hồi đất không rõ ràng, thì việc áp giá đền bù đối với 12 ki ốt của huyện Lệ Thủy cũng không nhất quán, không dựa trên các căn cứ pháp lí. Cụ thể, năm 2002, mỗi hộ có ki ốt được đền bù gần 4,5 triệu đồng, sau đó mấy ngày được nâng lên hơn 7,5 triệu đồng; năm 2013 là gần 46 triệu đồng, sau đó được nâng lên gần 123 triệu đồng; năm 2014 là gần 153 triệu đồng; năm 2016 đền bù bằng 70% giá đất ở và năm 2017 là đền bù bằng 100% giá đất ở, tương đương 10.650.000 đồng/m2.

Theo các hộ tiểu thương, nếu áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và các Nghị định 44,43,47 của Chính Phủ về nguyên tắc định giá đất, thì giá đất của họ phải cao hơn nhiều. Theo đó, các ki ốt ở khu A chợ Tréo (thời hạn sử dụng 15 năm) có cùng mục đích sử dụng kinh doanh như các ki ốt mà 12 hộ tiểu thương đang sử dụng (có thời hạn sử dụng lâu dài) được đấu giá từ 33 triệu đồng/m2, đến 51 triệu đồng/m2.

Nói về việc kéo dài, chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng khu B chợ Tréo, lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho rằng do nhiều nguyên nhân như: Cty Ngoại thương giải thể năm 1993 nên hồ sơ giấy tờ liên quan đến đất đai bị thất lạc mất nhiều thời gian; việc thay đổi luật đất đai và các văn bản liên quan, cũng như sự phối hợp chưa tốt của các hộ tiểu thương nên công tác giải phóng mặt bằng khu B chợ Tréo gặp khó khăn. Đối với giá đền bù đối với các hộ tiểu thương được căn cứ trên quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế. Về việc các hộ tiểu thương nghi ngờ mục đích thu hồi đất, lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho rằng đã có quy hoạch chi tiết thì không thể thay đổi và vị này lấy uy tín cá nhân ra đảm bảo là sẽ không có chuyện thay đổi…

Theo 12 hộ tiểu thương ở khu vực chợ Tréo, họ hoàn toàn đồng tình giao đất nếu huyện Lệ Thủy làm đúng pháp luật. Có hai điều khiến 12 hộ tiểu thương phản kháng không giao đất: mục đích thu hồi đất không rõ ràng; giá đền bù không dựa trên các căn cứ pháp lí.

Tác giả: HOÀNG NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP