Cuộc sống

5 yếu tố không ngờ đang phá hủy răng bạn

Khi nói đến sâu răng, chúng ta nghĩ ngay đến đường, bánh kẹo ngọt, hoặc giữ vệ sinh răng miệng kém... Nhưng các yếu tố không ngờ sau cũng có thể dần phá hủy răng bạn, theo Men’sHealth.

Đánh răng đúng cách giúp bảo vệ sức khỏe răng miệngẢnh: Shutterstock

Đánh răng ngay sau khi ăn

Nghe có vẻ lạ nhưng đánh răng liền ngay sau bữa ăn, đặc biệt với các thực phẩm có tính axit như trái cây, rượu vang đỏ có thể làm suy yếu men răng, khiến răng dễ bị ố vàng, nứt mẻ. Cách tốt nhất là bạn chỉ nên súc miệng qua với nước để rửa sạch axit, và chờ khoảng 40 phút để canxi trong nước bọt khoáng hóa những vùng bị suy yếu rồi sau đó hãy chải răng.

Các bài tập thể thao

Một nghiên cứu mới đây tại Đức về so sánh sức khỏe răng miệng của các vận động viên cho thấy, các vận động viên có nhiều khả năng bị xói mòn men răng, và nguy cơ sâu răng cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do tập thể thao khiến cơ thể mất nước, giảm lượng tiết nước bọt cần thiết để làm sạch, trung hòa môi trường răng miệng. Bên cạnh đó, người tập còn có xu hướng uống các loại nước tăng lực chứa lượng đường cao không tốt cho răng.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên súc miệng bằng nước sau khi uống đồ uống thể thao, đánh răng trước khi tập thể dục, nhai kẹo cao su không đường để gia tăng sản xuất nước bọt, và tốt hơn hết chỉ nên sử dụng nước lọc trong suốt quá trình tập.

Nâng tạ

Khi nâng tạ, theo phản ứng tự nhiên bạn thường cắn chặt răng, ghì chặt quai hàm. Tất cả những áp lực này về lâu dài có thể tổn thương đến răng, thậm chí gây đau dai dẳng ở xương hàm.
Nếu bạn đang theo một chương trình luyện tập thường xuyên liên quan đến nâng tạ, hãy cân nhắc việc đeo dụng cụ bảo vệ răng và xương hàm.

Thuốc

Các loại thuốc điều trị như thuốc dị ứng, thuốc ngủ, thuốc cao huyết áp… là nguyên nhân gây ra tình trạng khô miệng, giảm tiết nước bọt. “Khi thiếu lượng nước bọt cần thiết, các a xít gây sâu và xói mòn không được trung hòa dẫn đến răng bị hủy hoại”, theo Edmon Hewlett, cố vấn Hiệp hội Nha khoa Mỹ và giáo sư Đại học California cho biết.

Để khắc phục bạn nên nhai kẹo cao su loại không đường để kích thích sản xuất nước bọt, tránh xa các loại thực phẩm có đường và a xít.

Ợ nóng

Ợ nóng tưởng như không liên quan đến vấn đề răng miệng, nhưng thực tế các axit trào ngược khi bạn ợ nóng có thể làm tổn thương men răng, nhất là ở phần mặt sau của răng. Theo các chuyên gia giải thích, axit từ hệ thống tiêu hóa khi ợ nóng thường sẽ lưu lại trong khoang miệng, hòa tan men răng tương tự, hoặc thậm chí còn mạnh hơn các a xít từ soda, nước uống thể thao có đường. Nếu bạn thường xuyên ợ nóng, bạn nên đến gặp bác sĩ để vừa điều trị đường tiêu hóa, vừa hạn chế ảnh hưởng đến men răng.

Tác giả bài viết: Phương Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP