1. Không phân biệt được sunblock, sunscreen và kem chống nắng phổ rộng
Rất nhiều người không phân biệt được sunblock, sunscreen và kem chống nắng phổ rộng.
- Sunblock là kem chống nắng có tác dụng phản chiếu hoặc khuếch tán tia UV trước khi đến da hay còn gọi là chống nắng vật lý. Ưu điểm dòng sản phẩm sunblock là bám trên da khá tốt, lâu trôi, không thẩm thấu vào da nên hầu như không gây kích ứng. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng của sunblock, bạn phải thoa một lớp dày nên da dễ trở nên nhờn dính.
- Sunscreen là dòng sản phẩm có chứa chất hấp thụ tia UV và vô hiệu hóa những tác hại của nó lên da, còn gọi là kem chống nắng hóa học. Sunscreen có kết cấu mỏng, nhẹ, độ thẩm thấu cao nên thoa lên da không gây nhờn dính. Tuy nhiên, sunscreen không bám bền trên da nên bạn phải thoa lại liên tục sau 2 - 3 giờ nếu hoạt động lâu ngoài trời. Sunscreen còn chứa nhiều hoạt chất chống nắng hóa học nên có thể gây dị ứng cho làn da nhạy cảm.
- Kem chống nắng phổ rộng (loại trên bao bì có nhãn Broad spectrum hoặc UVA & UVB Protection) có chứa cả 2 loại hoạt chất chống nắng hóa học và vật lý. Kem chống nắng phổ rộng có màu trắng đục như sữa.
Kem chống nắng tốt nhất và phù hợp nhất thay đổi tùy người và tùy vào hòan cảnh sử dụng. Các chuyên gia da liễu khuyên bạn nên dùng kem chống nắng phổ rộng, chống dược cả UVA và UVB.
2. Không quan tâm tới các thông số của kem chống nắng
- SPF (Sun Protection Factor) là chỉ số bảo vệ da bạn khỏi nắng. Chỉ số SPF là định mức đo lường khoảng thời gian chống nắng tối đa của một sản phẩm. Theo định mức quốc tế, 1 SPF có khả năng bảo vệ làn da của bạn khỏi nắng trong 10-20 phút, tùy thuộc môi trường, thời điểm và đặc tính làn da của mỗi người. Như vậy, sản phẩm kem chống nắng có chỉ số 15 SPF sẽ dùng được trong khoảng 3 tiếng. Chỉ số SPF càng cao thì thời gian bảo vệ làn da của bạn khỏi ánh sáng mặt trời càng lâu. Tuy nhiên, sự chênh lệch khả năng bảo vệ da trước các tia là khá ít. Ví dụ: SPF 15 ngăn chặn được khoảng 92% tia UVB trong khi SPF 50 ngăn chặn được khoảng 98% tia UVB.
- PA (Protect Grade) nghĩa là có khả năng lọc tia cực tím UVA. PA được đánh giá theo bậc thang +.
PA+ : Cường độ chống tia UVA của sản phẩm cao gấp 2 lần. Bảo vệ khỏi tia UVA 40 – 50%
PA++ :Cường độ chống tia UVA của sản phẩm cao gấp 4 lần. Bảo vệ khỏi tia UVA 60 – 70%
PA+++: Cường độ chống tia UVA của sản phẩm cao gấp 8 lần. Bảo vệ khỏi tia UVA đến 90%
Theo Giáo sư da liễu Albert M. Lefkovits thuộc trung tâm da liễu Mount Sinai School of Medicine, New York, tia UVB là nguyên nhân làm cháy da và tăng nguy cơ ung thư da còn tia UVA phá vỡ tính đàn hồi của da, tăng tốc độ lão hóa và gây ra nếp nhăn. Khi mua bất kỳ loại kem chống nắng nào, bạn cũng cần chọn loại có chỉ số chống nắng ít nhất là SPF 15 kèm chỉ số PA +.
3. Chỉ thoa kem chống nắng cho da mặt
Nên thoa kem chống nắng từ 'đầu đến chân' chứ không chỉ thoa cho da mặt.
Không chỉ da mặt mà da cổ, da tay hay chân cũng cần được thoa kem chống nắng. Rất nhiều người có thói quen thoa kem chống nắng cho da mặt nhưng hoàn toàn bỏ qua các vùng da khác trên cơ thể. Đây là sai lầm nghiêm trọng vì bất cứ vùng da nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư da. Chưa kể, da cổ và da tay có tốc độ lão hóa nhanh hơn da mặt nên bạn cần đặc biệt chăm sóc hai vùng da này.
4. Đi biển mới cần thoa kem chống nắng
Kem chống nắng cần được dùng hàng ngày, bất kể trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè. Đừng chỉ chờ tới lúc đi biển mới thoa kem chống nắng. Luôn ghi nhớ rằng, dù bạn chỉ ra đường 10 phút để mua đồ cũng nên thoa kem chống nắng.
5. Dùng kem chống nắng dạng gel và không thấm nước cho da nhạy cảm
Kem chống nắng dạng gel chứa nhiều thành phần alcohol và propylene glycol hơn các sản phẩm chống nắng dạng kem hay sữa. Hai thành phần này có thể gây dị ứng cho những người có làn da nhạy cảm. Kem chống nắng không thấm nước cũng không được khuyên dùng cho da nhạy cảm vì có thể làm bít tắc lỗ chân lông, gây ra mụn.
Tác giả bài viết: Vienne
Nguồn tin: