Du lịch

5 món ăn đặc sản Yên Bái chỉ người dũng cảm mới dám nếm thử

Yên Bái không chỉ có những địa danh du lịch nổi tiếng mà còn có rất nhiều đặc sản. Tuy nhiên, có những món đặc sản đòi hòi bạn phải thật dũng cảm mới có thể thưởng thức.

1. Ngóe ôm măng
Ngóe ôm măng là món ăn ngon và hiện nay đã được liệt vào hàng đặc sản khó tìm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn và nghe cách chế biến, chưa chắc bạn đã dám nếm thử.
Ngóe sau khi bắt từ đồng về được nuôi nhốt để thải sạch phân sau đó rửa sạch để loại bỏ chất nhớt trên da. Măng rừng rửa sạch, để nguyên óng ngâm với nước sạch khoảng 3-4 ngày để có vị chua thanh thanh. Bắc nồi măng lên bếp đun đến khi sủi tăm tăm thì cho ngóe vào.
Ảnh minh họa
Nước nóng sẽ khiến những con ngóe nhanh chóng tìm tới những óng măng và chui vào trú ngụ và chín nguyên con ở trong đó. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt ngóe và vị chua mát của măng hòa quện mang đến cảm giác thơm ngon lạ miệng. Đảm bảo nếu bạn đã ăn một lần thì sẽ không dừng lại được.
Tuy nhiên, ngày nay do môi trường sống của ngóe có nhiều thay đổi nên khi chế biến người ta thường lột vỏ và bỏ nội tạng của nó đi để món ăn đảm bảo vệ sinh và thẩm mỹ hơn.
2. Dế chiên Nghĩa Lộ
Dế mèn là loại côn trùng giàu prôtít, ít chất béo, tuy nhiên, nhìn hình dáng bên ngoài không ít người phải rùng mình về độ “dị” của món ăn này.
Dế chiên đúng độ sẽ có màu vàng bắt mắt và còn nguyên "phụ kiện"
Những chú dế sau khi được bắt về sẽ được người làm bếp khéo léo cắt bỏ chân, rút ruột và bỏ túi hôi ở gáy. Sau đó, dế được rửa qua với nước măng chua hoặc nước sôi và ướp gia vị bao gồm: nước mắm, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt.. Khi chiên chỉ cần cho một lượng dầu nhỏ bởi bản thân dế đã có rất nhiều dầu, khi chiên hạn chế đảo để tránh tình trạng làm gãy càng và thân dế.
Dế chiên sẽ ngon hơn khi ăn kèm cóc, xoài xanh, dưa chuột...
Dế sau khi chiên có màu vàng ruộm đẹp mắt, mới thưởng thức sẽ thấy khá đáng sợ tuy nhiên càng thưởng thức sẽ cảm thấy nghiền vị giòn tan, dai dai bùi bùi của dế. Món này có thể ăn kèm cùng cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh.. và để nhắm bia hay rượu thì quả là tuyệt cú mèo.
3. Đuông cọ - nứa
Những con đuông béo ngậy là món ăn rất được yêu thích của một số đồng bào dân tộc ở Yên Bái. Khác với các món đuông dừa, đuông cọ hoặc đuông nứa ở Yên Bái thường được nướng, rán vàng hoặc nấu cùng măng chua.
Trái ngược với vẻ ngoài hơi kinh dị của nó, con đuông khi chế biến thành món ăn có vị ngọt mềm và béo. Ngoại trừ lớp vỏ mỏng dai dai, còn lại toàn bộ các bộ phận khác của con đuông rất mềm, tựa như một món ăn đã được hầm nhừ và béo ngậy. Tuy nhiên, con đuông có chứa một số chất gây dị ứng, vì vậy nếu là lần đầu thưởng thức món này, hãy ăn thử từ từ xem cơ địa mình có hợp với nó không nhé.
Nhìn thì hơi "kinh dị" nhưng ăn thì ngọt và mềm không cưỡng nổi
4. Pả mẳm
Pà mẳm gọi theo tiếng của đồng bào Thái có nghĩa là mắm cá. Món ăn này tuy không cầu kỳ nhưng yêu cầu phải đảm bảo theo từng bước để mắm ngon và không bị thối. Cá dùng để làm Pà mẳm nhất thiết phải là cá ruộng. Sau khi bắt ở ruộng về được thả trong bể từ 3 đến 4 ngày cho nhả hết bùn đất sau đó rửa sạch để ráo nước. Cá được xếp vào lọ với tỷ lệ cứ một lớp cá một lớp muối và đậy chặt lại tránh ruồi, muỗi.
Qua 10 ngày, chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi lại đổ vào vại cá. Công đoạn này được lặp lại 3 lần vào những ngày kế tiếp cho đến khi cá hết mùi tanh, có mùi thơm sau đó cho gia vị như: hạt sẻn, ớt tươi, xả, riềng... vào lọ. Bịt kín miệng lọ rồi đem chôn ít nhất 6 tháng là dùng được.
Pà mẳm khi mở ra phải có mùi thơm của thính nếp, gia vị và cá được ướp chín bằng rượu, muối và các gia vị cay nóng nên không còn mùi tanh. Cá phải đảm bảo còn nguyên con, thịt màu hồng tươi và dai như cá mực. Món ăn này có thể được nướng chín hay dùng sống tuỳ thuộc vào sở thích của gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay những người làm được Pà mẳm ngon và đúng cách không còn nhiều, do vậy món ăn này dần dần đang bị lãng quên và khó tìm tại Yên Bái.
5. Châu chấu rang
Châu chấu là loài côn trùng gây ra tác hại không nhỏ đối với hoa màu, đặc biệt là lúa non. Vì vậy, món châu chấu rang vừa là món ăn đặc sản đồng thời góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ mùa màng cho bà con nông dân.
Chế biến châu chấu vô cùng đơn giản nhưng đòi hỏi sự kỳ công và tỉ mẩn. Trước hết, phải làm rụng cánh châu chấu bằng cách thả chúng vào nước sôi, sau đó rút bỏ đi phần đầu châu chấu, kéo theo ruột ra ngoài. Dùng kéo cắt phần càng cứng nhọn phía dưới của châu chấu. Cuối cùng là cho chút muối xóc đều rồi rửa sạch và để ráo nước.
Khi rang, cho châu chấu, nước măng chua, mỡ, nước mắm vào rang cho cạn nước. Sau đó để lửa thật nhỏ rang cho tới khi thấy càng châu chấu vàng đều, tắt bếp rắc thêm lá chanh thái chỉ là xong. Ăn châu chấu rang, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, bùi ngọt của châu chấu cùng với hương thoảng qua của nước măng chua và lá chanh mang đến cảm giác ngon lạ vô cùng.
Châu chấu rang có thể ăn nóng hay nguội đều ngon. Dùng làm món ăn chơi, hoặc ăn cùng cơm nóng, rau muống luộc chấm mắm cáy cũng rất tuyệt.

Tác giả bài viết: Khải Tường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP