Nhà giáo Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng, từ quan điểm của Đảng đến chính sách của Nhà nước về lương đối với nhà giáo vẫn còn khoảng cách xa. Đến năm 2018, lương của nhà giáo vẫn xếp chung trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp chưa “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” như quan điểm của Đảng đã xác định.
Ngoài ngạch lương của giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn, ngạch, bậc lương của nhà giáo các cấp được quy định như sau:
|
Theo bảng trên, khoảng cách giữa các bậc lương đầu tiên giữa các ngạch lương của nhà giáo cũng không có sự chênh lệch lớn (1,86 – 2, 10 – 2,34). Hệ thống ngạch bậc lương của nhà giáo chưa có sự chênh lệch lớn giữa các ngạch bậc, còn mang tính “bình quân”, không tương xứng với yêu cầu, tiêu chuẩn, đặc thù công việc của mỗi ngạch, bậc.
Do đó, không khuyến khích, không tạo được sự cạnh tranh giữa các nhà giáo trong phấn đấu để đạt các ngạch, bậc lương cao hơn. Nhóm nhà giáo có thu nhập thấp là những nhà giáo mới vào nghề.
Cùng với lương, Nhà nước đã quy định các khoản phụ cấp theo lương đối với nhà giáo: phụ cấp ưu đãi (25% đối với giảng viên; 30% đối với giáo viên THCS, THPT; 35% đối với giáo viên tiểu học, mầm non; 40% đối với giảng viên trường sư phạm, khoa sư phạm; 45% đối với giảng viên dạy các môn khoa học Mác- Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường ĐH,CĐ; 50% đối với GV MN,TH ở vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa), phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên… nhưng chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo như một cách bền vững.
Lương và phụ cấp của nhà giáo không cao hơn lương, phụ cấp của công chức, viên chức của các ngành, nghề khác trong khi họ phải đáp ứng nhiều yêu cầu, chịu nhiều áp lực mang tính đặc thù công việc.
Nhà giáo Bùi Ngọc Hiền cho rằng, với tính chất nghề nghiệp đặc thù và chế độ lương, phụ cấp như hiện nay, ngành giáo dục khó có thể thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia vào đội ngũ nhà giáo.
Đánh giá thực trạng này, Kết luận số 51-KL/TW chỉ ra một trong những hạn chế, tồn tại của giáo dục trong 15 năm qua là: “Chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng”. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 -2020 cũng nhận định một bất cập và yếu kém của giáo dục 2001 -2010 là: “Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp”.
Như vậy, chính sách lương đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân chính của nhiều yếu kém, hạn chế của giáo dục. Nếu không được hoàn thiện, chính sách lương đối với nhà giáo sẽ là một trở lực lớn kìm hãm sự phát triển giáo dục.
Nếu không được hoàn thiện, chính sách lương đối với nhà giáo sẽ là một trở lực lớn kìm hãm sự phát triển giáo dục. |
Nhà giáo Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM đã đưa ra 5 khuyến nghị đổi mới chính sách lương đối với nhà giáo.
Thứ nhất, Thực hiện hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương đối với nhà giáo. Theo đó, chính sách lương đối với nhà giáo được thể hiện trong nhiều văn bản quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần xác định hình thức văn bản thể hiện nội dung cơ bản, cốt lõi của chính sách này (nội dung này, có thể có ở trong Luật Giáo dục, Luật Viên chức hay Luật Nhà giáo) và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thứ hai, Hoàn thiện hệ thống ngạch, bậc lương của nhà giáo khoa học, hợp lý. Cụ thể, phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp mà đã được Đảng xác định.
Các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện vì tính đặc thù của nghề giáo theo đúng nguyên tắc: “Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề”, được xác định trong Nghị quyết số 27/NQ-TW để khuyến khích của nhà giáo yên tâm, gắn bó và tâm huyết, trách nhiệm với nghề.
Thứ ba, trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục, trong đó có quyền thỏa thuận mức lương với nhà giáo. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, điều kiện để trao quyền tự chủ theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, năng động của các cơ sở giáo dục.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động tăng các nguồn thu sự nghiệp để tăng thu nhập của nhà giáo. Phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục có quyền thỏa thuận mức thu nhập của từng nhà giáo trên cơ sở ngạch lương, bậc lương, phụ cấp theo quy định và các khoản phúc lợi riêng của cơ sở giáo dục.
Thứ tư, đa dạng nguồn chi trả lương cho nhà giáo. Cụ thể, ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung chi trả lương và các khoản phụ cấp cơ bản của nhà giáo.
Đồng thời, cùng với việc khuyến khích các cơ sở giáo dục gia tăng quỹ lương của đơn vị, Nhà nước cũng cần xem xét, phân định trách nhiệm tài chính hợp lý giữa Nhà nước và nhân dân trong các hoạt động giáo dục; thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Thứ năm, cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được tổ chức các lớp học theo nhu cầu xã hội để tăng nguồn thu. Do đó, giáo dục là một dịch vụ công cộng, thể hiện bản chất xã hội của Nhà nước.
Ngoài việc đảm bảo cung ứng dịch vụ giáo dục công bằng cho xã hội theo những yêu cầu nhất định, giáo dục cũng phải hướng tới phục vụ những nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu cơ bản của Nhà nước và sự tự nguyện của đối tượng phục vụ. Ngoài ra, Nhà nước xem xét, cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được tổ chức các lớp chất lượng cao theo nhu cầu xã hội bên cạnh việc đảm bảo các lớp học theo quy định.
Tác giả: Nhật Hồng (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí