Từ ngày 1-1-2018, các hộ giải tỏa được bố trí ở chung cư phải trả tiền thuê căn hộ hằng tháng theo đúng luật định. |
5 năm được miễn tiền thuê nhà chung cư
Đầu năm 2012, thành phố Đà Nẵng có chủ trương miễn tiền thuê căn hộ chung cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa không đủ điều kiện bố trí đất TĐC hoặc diện hộ phụ. Trong những năm qua, chủ trương này không những tạo điều kiện cho các hộ giải tỏa không đủ điều kiện bố trí đất TĐC có nhà để ở, mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị khang trang, hiện đại…
Song, một số hạn chế về công tác quản lý, nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa cũng nảy sinh. Hơn nữa, theo Luật Nhà ở ban hành vào năm 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-12-2015) và Thông tư số 19/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15-8-2016), việc bố trí TĐC bằng căn hộ chung cư do Nhà nước quản lý phải ký hợp đồng thuê nhà, nghĩa là hộ giải tỏa bố trí TĐC bằng căn hộ chung cư phải trả tiền thuê căn hộ.
Từ thực tế nói trên, tại một số cuộc họp trong năm 2015 và 2016, Công ty Quản lý nhà chung cư và Sở Xây dựng đã đề nghị cần có cơ chế quản lý mới phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà chung cư, đặc biệt là chấm dứt việc bố trí căn hộ chung cư cho hộ giải tỏa mà không thu tiền thuê nhà và việc hộ giải tỏa được phép chuyển nhượng căn hộ. Theo đó, khi bố trí căn hộ chung cư cho hộ giải tỏa, phải ký hợp đồng thuê nhà ngay từ đầu và không cho phép chuyển nhượng.
Ngày 18-11-2016, UBND thành phố có Công văn số 9466/UBND-QLĐTh về việc liên quan đến công tác quản lý bố trí căn hộ chung cư. Theo đó, trường hợp các hộ giải tỏa được bố trí thuê chung cư đã ký hợp đồng thuê nhà đang được hưởng chính sách miễn tiền thuê nhà từ năm 2012 thì tiếp tục được thực hiện cho miễn tiền thuê nhà đến hết ngày 31-12-2017.
Năm 2018 sẽ thực hiện thu tiền thuê nhà theo quy định. UBND thành phố giao Công ty Quản lý nhà chung cư thông báo cho tất cả hộ dân đang ký hợp đồng thuê nhà (diện giải tỏa không thu tiền thuê nhà) biết chủ trương của thành phố.
Thụ hưởng chính sách vượt trội so với luật định
Trước khi ban hành chủ trương nói trên, UBND thành phố, Sở Xây dựng, Công ty Quản lý nhà chung cư và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu, thảo luận rất nhiều. Thực tế, nhiều hồ sơ giải tỏa đã và đang được thụ hưởng cùng lúc 2 chính sách TĐC, vượt trội so với luật định.
Cụ thể, tại khoản 10, Điều 49 của Luật Nhà ở quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là: “Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường về nhà ở, đất ở”.
Còn tại Điều 22, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Đối tượng quy định tại khoản 10, Điều 49 của Luật Nhà ở thì phải có bản sao có chứng thực chứng minh người đó có tên trong danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền, kèm theo xác nhận của UBND cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở TĐC”.
Theo Sở Xây dựng, đối tượng hộ giải tỏa vẫn được hưởng chính sách được bố trí cho thuê nhà ở xã hội (có thu tiền thuê nhà, không được sang nhượng, cho thuê lại...), nhưng phải là đối tượng chưa được Nhà nước bồi thường về nhà ở, đất ở theo quy định nêu trên.
Tuy nhiên, chính sách đền bù giải tỏa của thành phố trong những năm qua và hiện nay thường áp dụng bố trí cho thuê chung cư cho các hộ giải tỏa sau khi đã được bố trí 1 hoặc 2 lô đất TĐC thuộc diện hộ chính hoặc hộ phụ.
Tính ra, các hộ này thụ hưởng cả hai chính sách, vừa được bố trí bằng đất ở TĐC, vừa được bố trí thuê căn hộ chung cư. Việc bố trí thuê căn hộ chung cư cho đối tượng giải tỏa hầu như là bố trí thêm, sau khi đã bố trí đất TĐC, các hộ này không có nhu cầu ở đem sang nhượng, gây ra sự hiểu lầm trong công tác bố trí thuê căn hộ chung cư thuộc sở hữu Nhà nước.
Tại Công văn số 5492/SXD-QLN ban hành ngày 8-7-2016, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố cân nhắc chủ trương bố trí cho thuê căn hộ chung cư cho các hộ giải tỏa TĐC. Theo Sở Xây dựng, hộ nhận thuê chung cư thì phải ở chính chủ.
Việc miễn hoàn toàn tiền thuê nhà chung cư trong 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê nhà để ổn định cuộc sống (tức là không áp dụng miễn hoàn toàn tiền thuê nhà chung cư), gây khó khăn trong công tác quản lý và nguồn kinh phí để duy tu sửa chữa, trong khi việc xây dựng 1 căn hộ chung cư tốn kinh phí bình quân hơn 300 triệu đồng/căn hộ.
Vì thế, có thể bố trí đất theo diện hộ phụ (có nhân thêm hệ số lớn hơn 1) thay cho bố trí chung cư hoặc quy thành tiền để hộ dân tự lo chỗ ở. Mặt khác, đất trống còn nhiều nên đề nghị ưu tiên bố trí 1 lô đất (diện hộ chính hoặc hộ phụ tùy theo quy định) thay cho chủ trương bố trí thuê căn hộ chung cư; hoặc quy ra tiền để hỗ trợ các hộ tự lo chỗ ở.
Tiếp đó, ngày 28-7-2016, từ ý kiến của Công ty Quản lý nhà chung cư về việc xét duyệt cho thuê nhà chung cư của các hộ giải tỏa TĐC không đúng với quy định tại Luật Nhà ở và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Sở Xây dựng tiếp tục báo cáo và đề xuất UBND thành phố vẫn thực hiện bố trí cho thuê chung cư nhà ở xã hội cho đối tượng giải tỏa theo quy định tại khoản 10, Điều 49 của Luật Nhà ở. Đồng thời, phải ký hợp đồng thuê căn hộ có thu tiền thuê nhà đối với hộ giải tỏa, không được quyền mua bán sang nhượng, cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào.
Trên cơ sở đề xuất này, UBND thành phố có chủ trương cho các hộ giải tỏa tiếp tục được miễn tiền thuê căn hộ chung cư đến hết ngày 31-12-2017, năm 2018 mới thực hiện thu tiền thuê nhà theo quy định.
Tính đến tháng 3-2017, trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 9.800 căn hộ chung cư, nhà liền kề đã được đưa vào sử dụng, bố trí cho thuê, trong đó đã giao cho Công ty Quản lý nhà chung cư quản lý 9.200 căn. Để xây dựng số chung cư này, thành phố đã đầu tư tổng kinh phí đầu tư trên 2.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Công ty Quản lý nhà chung cư đã bố trí hơn 8.000 căn hộ, trong đó có 4.200 hộ giải tỏa. |
Tác giả: Hoàng Hiệp
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng