Moto Z là smartphone tiêu biểu cho xu hướng điện thoại biến hình, cho phép người dùng tự tùy biến camera, loa ngoài hay thậm chí biến smartphone thành máy chiếu di động nếu cần. Thiết kế của Moto Z được trau chuốt hơn nhiều sản phẩm cùng loại, ví dụ LG G5 hay Fairphone.
Khi không gắn phụ kiện, Moto Z trông siêu mỏng với độ dày chỉ hơn 5 mm. Các phụ kiện nâng cấp được thiết kế đơn giản như ốp lưng. Smartphone của Lenovo được trang bị cấu hình mạnh khi dùng chip Snapdragon 820, RAM 4GB và có màn hình 2K Super AMOLED.
Ảnh thực tế Moto Z
Moto Z - smartphone siêu mỏng biến hoá được phần cứng
Khác với LG G5, mẫu Android cao cấp của Lenovo chỉ mất vài giây để nâng cấp phần cứng, biến thành máy chiếu hay loa di động, nhờ cơ chế kết nối từ mặt lưng.
Mẫu Android cao cấp vừa được Lenovo trình làng tại Tech World 2016, không phải là smartphone đầu tiên có ý tưởng lắp thêm phần cứng để nâng cấp cấu hình tính năng. Tuy nhiên, so với LG G5, khả năng nâng cấp của Moto Z nhanh chóng hơn, không cần tháo pin và ngắt nguồn.
Về thông số, Moto Z cùng với phiên bản siêu bền Moto Z Force là những smartphone Android 6.0 cao cấp của Lenovo với cấu hình mạnh, sở hữu chip Snapdragon 820, màn hình độ phân giải QuadHD 2K, RAM 4GB và tích hợp cảm biến vân tay.
Không như G5, Moto Z có thiết kế nguyên khối hoàn toàn với kích thước siêu mỏng chỉ 5,2 mm, phần đuôi không thể rút và tháo rời ra được. Cổng kết nối USB Type-C.
Điểm mấu chốt tạo ra khả năng nâng cấp phần cứng nhanh chóng cho Moto Z là phần kết nối bao gồm 16 chấu kim loại nằm ở mặt lưng.
Các phụ kiện giúp nâng cấp phần cứng và tính năng cho Moto Z giống như các ốp lưng bảo vệ và có thể hút chặt vào lưng bằng nam châm.
Không như G5 phải ngắt nguồn, chỉ sau khoảng vài giây gắn thêm, phần cứng gắn thêm của Moto Z đã có thể hoạt động và không cần tinh chỉnh bên trong phần mềm điện thoại. Trong màn ra mắt, Moto Z và Moto Z Force đi kèm với phụ kiện nâng cấp là loa ngoài do JBL phát triển...
... cùng với một phụ kiện khác cho phép biến smartphone này thành máy chiếu di động phát hình lên tới 70 inch. Sau khi ốp thêm, người dùng chỉ cần bật nút nguồn bên phải đèn chiếu là có thể phát hình. Bên trái là phím điều chỉnh tiêu cự.
Cùng với sự xuất hiện của bộ đôi smartphone biến hình Moto Z, Lenovo cũng giới thiệu chương trình Motomods dành cho các nhà phát triển phần cứng thứ ba, cho phép họ cung cấp các phụ kiện nâng cấp cho smartphone Moto Z và Z Force.
Ngoài loa ngoài JBL và máy chiếu di động, Motorola cũng trình diễn các mẫu phụ kiện khác như bộ kết không dây, cho phép biến điện thoại thành máy tính khi cần, giống như tính năng Continumm trên Windows 10 Mobile của Microsoft.
Nhà sản xuất này cũng hợp tác với các hãng phụ kiện hay nhà thiết kế thời trang khác, cung cấp thêm mặt lựng da hay ốp có khả tăng dung lượng pin cho Moto Z.
Moto Z và Moto Z Force cùng với các phụ kiện đi kèm sẽ được Lenovo bán ra thị trường từ tháng 9 tới. Đây là một trong những sản phẩm gây chú ý nhất tại sự kiện Tech World 2016 bên cạnh mẫu Phab 2 Pro sở hữu công nghệ Google Tango.
LG G5
Đây là smartphone đầu tiên có khả năng tháo lắp phần cứng và nâng cấp theo từng module. Tuy nhiên, so với Moto Z, việc tháo lắp các bộ phận trên LG G5 tốn thời gian hơn khi phải rút pin, rồi đưa linh kiện gắn thêm vào bên trong điện thoại. Người dùng có thể tăng dung lượng pin, bổ sung báng chụp hình hay thêm bộ xử lý âm thanh chất lượng cao cho G5.
Smartphone Android của LG có cấu hình cao khi dùng chip Snapdragon 820, RAM 4GB và màn hình 2K. Tuy nhiên, camera phía sau lạ hơn với dạng kép, gồm một có độ phân giải 16 megapixel với tiêu cự tiêu chuẩn còn một 8 megapixel với ống kính góc rộng.
Ảnh thực tế LG G5
Ảnh thực tế LG G5 - smartphone xếp hình, tự nâng cấp phần cứng
Chỉ cần bấm chốt, rút vỏ mà không cần tắt nguồn, người dùng có thể bổ sung bộ xử lý âm thanh cao cấp, tăng dung lượng hay thêm báng cầm chụp ảnh cho điện thoại.
LG G5 là smartphone Android cao cấp vừa được giới thiệu tại MWC 2016, đối thủ nặng ký với bộ đôi Samsung Galaxy S7 và S7 edge mới ra của Samsung.
Máy mang phong cách thiết kế mới của LG, khác với G4 và V10 năm ngoái khi sở hữu vỏ nhôm cho cảm giác cầm gọn, nhẹ, mặt trước phẳng.
Phần cứng mạnh với chip Snapdragon 820 của Qualcomm, RAM 4GB cùng màn hình IPS Quantumm 5,3 inch độ phân giải QuadHD, chạy hệ điều hành Android 6.0 MarshMallow.
Mặt lưng có cảm biến vân tay nhưng không còn phím tăng, giảm âm lượng như G4. Chi tiết gây chú ý nằm ở cụm camera kép, một giống như V10 với độ phân giải 16 megapixel và một có độ phân giải thấp hơn nhưng 8 megapixel.
Vì thế, camera chính trên LG G5 có thể chụp với 2 tiêu cự khác nhau, một tiêu chuẩn và một để chụp cho ra ảnh góc rộng. Việc chuyển đổi nhanh, với thao tác lựa chọn chế độ trong ứng dụng camera.
Ấn tượng nhất ở LG G5 là việc có thể nâng cấp và thay đổi phần cứng thông qua các module riêng lẻ.
Chỉ cấn bấm chốt và rút, người dùng có thể lấy ra được pin và phần đế đuôi điện thoại.
Sau khi rút ra, phần vỏ và màn hình phía trên của LG G5 rất nhẹ. Bên trong, bảng mạch được đặt ép sát vào cạnh phải. Dù có thể rút được phần đuôi, khi lắp hoàn chỉnh máy vẫn khá chắc chắn, như một thiết bị nguyên khối.
Với việc tháo phần đuôi, người dùng có thể tự thay đổi, nâng cấp phần cứng cho LG G5. Ví dụ thêm bộ xử lý âm thanh DAC do hãng Bang & Olufsen cung cấp. Nhờ thế, máy xử lý âm thanh tốt hơn, chạy được các file nhạc lossless chất lượng cao giống như một máy chơi nhạc chuyên nghiệp.
Hoặc nếu không, có thể bổ sung thêm báng cầm...
... thêm phím chụp ảnh riêng, bánh xoay để zoom và chuyển đổi tiêu cự sang góc rộng. Ngoài ra, viên pin 2.800 mAh của LG G5 cũng có thể thay thế và được tăng thêm dung lượng 1.000 mAh. Nhà sản xuất Hàn Quốc cho biết, trong tương lai họ sẽ cung cấp thêm các module khác để G5 có thể nâng cấp phần cứng.
Xiaomi Mi Mix
Mi Mix là chiếc smartphone Trung Quốc hiếm hoi nhận được nhiều quan tâm và đánh giá cao của giới công nghệ thế giới, dù mới chỉ được phát hành hạn chế tại riêng Trung Quốc. Tất cả nhờ vào thiết kế.
Smartphone của Xiaomi sở hữu màn hình rộng tới 6,4 inch nhưng ba viền được làm mỏng như không có. Thậm chí, loa thoại thông thường cũng được loại bỏ và sử dụng cơ chế truyền âm thanh bằng rung động dưới màn hình. Nhờ thế, kích thước máy chỉ bằng iPhone 7 Plus dù màn hình to hơn rất nhiều. Vỏ máy còn được làm từ gốm có độ bóng cao và khó trầy xước cũng là điểm thú vị, khi theo tin đồn phải tới iPhone 8, Apple mới sử dụng chất liệu này.
Ảnh thực tế Xiaomi Mi Mix
Xiaomi Mi Mix về Việt Nam với giá từ 18 triệu đồng
Đây là smartphone Android có thiết kế độc đáo với màn hình không viền và vỏ chất liệu gốm.
Sau Mi Note 2, tới lượt Mi Mix xuất hiện ở Việt Nam theo đường xách tay. So với các smartphone trước đó của Xiaomi, sản phẩm đắt hơn nhiều, giá ngang iPhone 7. Phiên bản 128GB với RAM 4GB có giá lên tới 18 triệu đồng.
Thiết kế là điểm được chú ý nhất ở Mi Mix khi được Xiaomi gọi là smartphone không có viền màn hình. Cả ba cạnh phía trên và hai bên đều được làm cực mỏng. Ngay cả loa thoại thường nằm ở cạnh trên cũng được loại bỏ và chuyển sang sử dụng loại chìm nằm dưới màn hình.
Khi nhìn thực tế, viền đen bao quanh ba cạnh của màn hình vẫn còn lộ rõ chứ không biến mất hoàn toàn. Nhưng thiết kế này vẫn khiến cho việc hiển thị của Mi Mix ấn tượng nhờ không gian lớn, lên tới hơn 90%. Màn hình rộng tới 6,4 inch với độ phân giải 1.080 x 2.040 pixel, nhưng kích thước tổng thể của máy chỉ ngang iPhone 7 Plus 5,5 inch.
Thao tác sử dụng trên Mi Mix khác lạ hơn smartphone thông thường do viền màn hình viền mỏng nên khó cầm. Camera selfie 5 megapixel bị đẩy xuống sát mép dưới khiến góc chụp chân dung không đẹp.
Bên cạnh màn hình với viền gần như không có, Mi Mix còn sở hữu thiết kế mỏng với vỏ nguyên khối làm từ chất liệu gốm. Đây là chất liệu được đồn rằng phải tới iPhone 8 Apple mới sử dụng.
Vỏ gốm khiến cho Mi Mix có màu đen bóng, khá giống với Jet Black của iPhone 7. Máy cho cảm giác cầm nặng tay (209 gram) nhưng vỏ lại rất dễ bám bẩn mồ hôi và vân tay.
Mỏng 7,9 mm nhưng Mi Mix vẫn được trang bị viên pin dung lượng tới 4.400 mAh, nhiều gấp rưỡi iPhone 7 Plus. Sản phẩm có cấu hình "khủng" với chip Snapdragon 821, tuỳ chọn RAM 4 hoặc 6GB với bộ nhớ trong lên tới 256GB.
Mặt lưng của Mi Mix không giống như nhiều smartphone trước đó của Xiaomi khi được làm phẳng, các góc bo khá vuông và đen bóng. Camera chính độ phân giải 16 megapixel, bên dưới là cảm biến vân tay.
Mi Mix về Việt Nam là phiên bản dành cho thị trường Trung Quốc, sử dụng Android 6.0 và giao diện MIUI 8 nên các dịch vụ của Google như kho ứng dụng Play Store, Gmail hay Google đều bị chặn, muốn dùng phải cài đặt thêm từ bên ngoài.
Vphone S8
Nếu Mi Mix gây chú ý nhờ màn hình lớn thì Vphone S8 lại ấn tượng ở kích thước siêu nhỏ gọn. Với ngoại hình như mặt đồng hồ đeo tay, đây là mẫu smartphone có màn hình cảm ứng nhỏ nhất thế giới, chỉ 1,54 inch. Trọng lượng vì thế mới có 30 gram.
Với mức giá chưa tới 1 triệu đồng, cấu hình của VPhone S8 chỉ đủ cho các thao tác sử dụng cơ bản khi dùng vi xử lý MediaTek2502, RAM 64 MB. Dù vậy, nó được trang bị tính năng theo dõi sức khoẻ với máy đếm bước đi và cảm biến đo nhịp tim.
Tác giả bài viết: Tuấn Anh
Nguồn tin: