Thể thao

4 nguyên nhân giúp “cô bé” Ostapenko thành công ở Roland Garros

Vào đêm thứ 7 vừa qua, Jelena Ostapenko đã khiến cả thế giới yêu trái banh nỉ choáng váng khi cô giành chức vô địch đơn nữ Roland Garros. Vậy đâu là những nguyên nhận giúp tay vợt trẻ này tạo nên cơn địa chấn ở giải Grand Slam trên mặt sân đất nện.

1. Tài năng thiên bẩm

Jelena Ostapenko bắt đầu theo học quần vợt từ 5 tuổi dưới sự hướng dẫn của mẹ. Tuy nhiên, cô cũng đồng thời học khiêu vũ và ban đầu đã chọn đi theo bộ môn nghệ thuật này. Ostapenko chỉ thực sự dồn sức vào tập tennis ở tuổi 12, tuy nhiên với tài năng thiên bẩm, cô nhanh chóng gặt hái được khá nhiều thành công. 7 danh hiệu cá nhân đánh đơn, 8 danh hiệu đánh đôi chỉ trong vòng 5 năm, nổi bật nhất là danh hiệu vô địch đơn nữ trẻ Wimbledon 2014.

Phải thấy rằng Ostapenko rất may mắn sở hữu tài năng thiên bẩm, nên cô mới gặt hái được thành công trong một quãng thời gian ngắn như vậy. Được đôn lên thi đấu chuyên nghiệp nhờ suất đặc cách vào cuối năm 2014, Ostapenko bắt đầu trở thành một tay vợt chuyên nghiệp vào đầu mùa giải 2015, khi đó cô còn ở độ tuổi 17 tuổi.

Năm ngoái, Ostapenko đã bắt đầu “mon men” tới những giải đấu lớn khi lần đầu vào chung kết một giải Premier 5. Và khi vừa bước vào tuổi 20, cô đã bùng nổ để có được danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp.

Jelena Ostapenko giành chức vô địch Roland Garros 2017

2. Khát vọng của tuổi trẻ

Ostapenko tham dự Roland Garros 2017 khi vẫn đang ở độ tuổi 19. Có thể thấy rằng, sau hai năm tham dự giải Grand Slam trên mặt sân đất nện không thành công, tay vợt người Lativa muốn được thể hiện mình mạnh mẽ hơn ở Roland Garros, bởi thế cô không quá đặt nặng chuyện thắng thua trong mọi trận đấu, bao gồm cả trận chung kết.

Ostapenko không hề biết sợ ngay cả khi bị dẫn trước tựa lưng vào thất bại ở trận chung kết. Tất nhiên, đó phải là bản lĩnh, điều mà các tay vợt thường phải đúc rút từ nhiều trận đấu, giải đấu, thành quả của kinh nghiệm.

Điều duy nhất khiến Ostapenko không run rẩy là bởi cô chỉ tập trung vào việc thể hiện bản thân, vì thế không sinh ra tâm lý lo lắng, tạo nên áp lực. Trước một đối thủ không biết sợ hãi như vậy thì ngay cả những tay vợt hàng đầu thế giới đều ngán ngẩm, nhờ chơi với tư tưởng thoải mái thoải mái Ostapenko mới tạo nên một cuộc ngược dòng đầy bất ngờ trước Halep.

3. Nền tảng thể lực dồi dào

Cha của Jelena Ostapenko là một cựu cầu thủ bóng đá, ông trở thành huấn luyện viên thể lực cho con gái khi Jelena quyết định theo đuổi nghiệp banh nỉ. Quả thật, Ostapenko khá may mắn khi thừa hưởng được gen tốt từ cha mẹ, giờ đây mới ở độ tuổi 20, cô sở hữu chiều cao 1,77m và nặng 68 kg. Với thân hình như vậy, thuộc mẫu những tay vợt nữ to cao của làng banh nỉ nữ.

Thể hình tốt, cộng với việc có hẳn một chuyên gia thể lực bài bản đã giúp cho tay vợt trẻ người Latvia có nền tảng thể lực dồi dào. Trên mặt sân đất nện, thể lực là một trong những yếu tốt rất quan trọng để quyết định tới thành công. Nếu so sánh Simona Halep, tay vợt chỉ cao 1,68 nặng 60kg với Ostapenko thì thấy rằng tay vợt trẻ người Latvia vượt trội hơn hẳn về thể hình.

Điều đó lý giải tại sao Halep lại quá vất vả ở trận chung kết dẫu kỹ chiến thuật đều tốt hơn đối phương. Xét về lối chơi tấn công, Halep thua hẳn đàn em, cô quá ít cơ hội để tấn công trước đối thủ đàn em (nên chỉ có được chỉ 8 winner, trong khi Ostapenko có tới 54 winner). Số điểm Halep giành được để tạo nên một trận chiến kéo dài là vì Ostapenko đánh hỏng quá nhiều.

Nền tảng thể lực của Ostapenko rất tốt

Thực ra Ostapenko cũng có chút may mắn khi lịch thi đấu vô tình mang đến cho cô nhiều đối thủ thấp bé hơn hẳn, chỉ có duy nhất đối thủ tại tứ kết Caroline Wozniacki có chiều cao ngang bằng, nhưng nhẹ cân hơn. Để đối phó với những tay vợt như Ostapenko cần phải có những đối thủ có nền tảng thể lực dồi dào, dạng như Serena Williams. Đáng tiếc thần tượng của Ostapenko đang nghỉ thi đấu do mang bầu nên cô thiếu đi một đủ thủ xứng tầm, xét riêng về mặt thể lực.

4. Lực tay quá tốt

Ostapenko thuận tay phải, đánh những cú trái bằng cả hai tay. Quả thật Ostapenko có quá trình tập luyện rất đúng đắn để tạo nên lực đánh rất tốt quá tốt ở cả hai chiều,nên đồng đều trong lối chơi. Khi phân tích về tay vợt trẻ người Lativa, nhiều chuyên gia về tennis ở châu Âu đánh giá rất cao sự đồng đều về lực đánh của Ostapenko. Trong làng banh nỉ nữ hiện nay, khá ít người có tạo nên những cú đánh uy lực ở cả thuận tay và trái tay.

Trong trận chung kết vừa qua, người hâm mộ đã được chứng kiến những cú đánh điều bóng sang hai bên liên tục của Ostapenko khiến cho Halep bở hơi tai chống đỡ, rất nhiều cú đánh ra mang của tay vợt trẻ này đã mang về điểm winner. Nếu tay vợt người Latvia đạt độ chính xác hơn trong những cú đánh (cũng mắc tới 54 lỗi tự đánh hỏng, ngang bằng winner) thì hẳn cô còn chiến thắng nhanh hơn.

Tác giả: P.S

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP