Du lịch

4 biến tấu của bánh mì Sài Gòn

Cùng với cơn sốt bánh mì nướng muối ớt, các biến tấu khác của bánh mì như bánh mì phá lấu, bánh mì trộn… gây ấn tượng với du khách mê khám phá ẩm thực Sài Gòn.

Bánh mì nướng muối ớt

Đây là món ăn của người Khmer ở khu vực Bảy Núi (An Giang), lan dần ở các tỉnh miền Tây và đã tạo “cơn sốt” ở TP. HCM thời gian qua. Bánh mì được quết muối ớt bên ngoài và nướng giòn trên bếp than. Sau đó cho thêm những gia vị hấp dẫn như phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, xúc xích, pa-tê lên bề mặt thay vì bỏ vào trong ruột như bánh mì truyền thống… Một phần bánh mì nướng muốt ớt đầy đủ có giá 10.000 đồng, được bán nhiều ở đường Lê Quang Sung (quận 6), Tô Hiến Thành (quận 10) , Lam Sơn, Minh Phụng, Hàn Hải Nguyên (quận 11) . Ảnh: Má Lúm.

Bánh mì xíu mại khô

Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai có một xe xíu mại há cảo nhỏ nhưng luôn nườm nượp khách suốt gần 40 năm qua. Khác với món xíu mại nước thường thấy, viên xíu mại khô được bọc trong vỏ bột hoành thánh, bỏ vào ruột bánh mỳ cùng nước tương và tương ớt. Được làm theo công thức gia truyền nên xíu mại khô ở đây có vị ngon riêng biệt, nhân đậm đà và bán ngay khi vừa hấp xong. Giá một ổ bánh mì xíu mại khô giá 17.000-20.000 đồng, tùy lượng nhân. Ảnh: Má Lúm.

Bánh mì trộn

Nằm trong khu phố Tây Đề Thám, bánh mì trộn với phần nhân là nguyên liệu của món bánh tráng trộn, được rất nhiều người Việt và cả khách Tây ưa thích. Bánh mì cóc (loại bánh mì hơi tròn) nóng hổi, thơm giòn với đầy ắp khô bò đen, trứng cút chiên, tôm khô, chà bông, tóp mỡ và mỡ hành bên trong. Toàn bộ nguyên liệu do đích thân chủ quán chế biến với công thức riêng khiến một ổ bánh mì trộn đầy ắp nhưng không hề gây ngán. Giá một ổ là 18.00 đồng. Ảnh: Má Lúm.

Bánh mì phá lấu

Nếu là bánh mì ăn kèm với món phá lấu nước thì được bán ở rất nhiều nơi. Nhưng bánh mì có nhân phá lấu khô ở trong thì có một nơi, nổi tiếng từ những năm 1970 đến nay. Chiều đến, lượng khách ghé mua (chỉ bán mang về) rất đông, chủ quán nhanh tay thái lòng, tháo xiên que, làm nên ổ bánh mì độc đáo. Có phá lấu heo gồm gan, lưỡi, thịt đầu, trứng cút phá lấu, phá lấu lòng vịt gồm ruột vịt, mề vịt… ăn kèm với một loại tương đen và tương ớt gia truyền, làm nên vị ngon của món ăn có từ năm 1970. Món được bán ở vỉa hè Pasteur giao với Lê Lợi, một ổ bánh mì phá lấu có giá 30.000 đồng. Ảnh: Má Lúm.

Tác giả bài viết: Má Lúm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP