Tin địa phương

3.561 tỉ đồng cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng

Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng có tổng mức đầu tư dự kiến 3.561.497.000.000VNĐ (tương đương 18.737.000.000JPY hoặc 162.930.435USD) từ vốn vay OAD Nhật Bản (chiếm 85%) và vốn đối ứng từ ngân sách TP Đà Nẵng (chiếm 15%)

Ngày 4/7, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa ký Tờ trình 4607/TTr-UBND gửi kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng (diễn ra từ ngày 5 – 7/7), đề nghị phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng (tại các quận Sơn Trà, Hải Châu và Thanh Khê).

Chất lượng nước biển và nước sông của Đà Nẵng bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp không được xử lý phù hợp (Ảnh: HC)

Theo đó, hiện nay hệ thống cống bao ven biển Đà Nẵng mới thu gom nước thải phục vụ mùa khô. Khi trời có mưa (đặc biệt Đà Nẵng thường xảy ra các cơn mưa đột xuất vào mùa hè), lượng nước thải lẫn nước mưa tràn ra biển, mang theo bùn, cát gây ô nhiễm vùng biển rộng lớn. Đây là bãi biển chính phục vụ cho du lịch của TP và là tài sản thiên nhiên quý báu cần phải được bảo vệ. Đối với khu vực bãi tắm thì không được xả nước mưa, nước thải ra biển.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng cho thấy, chất lượng nước biển và nước sông bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp không được xử lý phù hợp. Dân cư sống gần bãi biển bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ cống xả nước thải, nhất là vào ngày nắng. Người dân khu vực này rất quan tâm đến hệ thống cấp nước và thoát nước thải cũng như điều kiện vệ sinh hàng ngày.

Theo quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch phát triển kinh tế Đà Nẵng giai đoạn 2015 – 2020, khu vực ven biển sẽ phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Hiện nay, trên địa bàn TP có rất nhiều khách sạn, nhà hàng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu lượng khách du lịch khoảng 8 triệu lượt vào năm 2022. Trạm xử lý nước thải (XLNT) Sơn Trà đã đầu tư cải tạo nâng cấp với công suất 25.500m3/ngày đêm và trạm XLNT Phú Lộc với công suất 40.000m3/ngày đêm, đáp ứng đến năm 2022.

UBND TP Đà Nẵng đã xúc tiến, làm việc với các nhà tài trợ để huy động nguồn lực thực hiện Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng. Trong đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng ý hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án này. Theo kết quả nghiên cứu của Tư vấn JICA, lượng nước thải lưu vực Sơn Trà đến năm 2030 là 55.400m3/ngày đêm, lưu vực sông Phú Lộc là 112.000m3/ngày đêm. Như vậy sau năm 2022, các trạm XLNT sẽ quá tải công suất, nước thải sẽ không được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng do JICA hỗ trợ nghiên cứu đã đưa ra giải pháp kỹ thuật khả thi là xây dựng tuyến cống chứa với đường kính cống lớn để chứa lượng nước mưa đợt đầu, bơm chuyển dần về trạm XLNT nhằm bảo vệ bờ biển không bị ô nhiễm và là điểm đến du lịch hấp dẫn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng phát triển kinh tế bền vững và xây dựng Đà Nẵng là TP môi trường trong những năm tới.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng khoảng 5,5km tuyến cống bao với đường kính D 1.800mm – 2.200mm tại khu vực phía Đông TP, và đầu tư xây dựng khoảng 4,1km tuyến cống bao với đường kính D 1.000mm – 1.200mm tại khu vực phía Bắc TP bằng công nghệ khoan kích ngầm. Đồng thời nâng cấp trạm XLNT Sơn Trà với công suất khoảng 36.000m3/ngày đêm và nâng cấp trạm XLNT Phú Lộc với công suất khoảng 43.000m3/ngày đêm bằng công nghệ bể lọc nhỏ giọt (PTF).

Dự án được đầu tư bằng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến là 3.561.497.000.000VNĐ (tương đương 18.737.000.000JPY hoặc 162.930.435USD). Trong đó, vốn vay OAD Nhật Bản là 137,783 triệu USD (chiếm khoảng 85% tổng mức đầu tư) để thanh toán chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị, tư vấn, dự phòng khối lượng và trượt gia, lãi suất trong thi công, phí bố trí vốn. Nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP Đà Nẵng là 22,147 triệu USD (chiếm 15% tổng mức đầu tư) để chi trả phí quản lý dự án, thuế VAT, thuế nhập khẩu, đấu nối hộ gia đình, chi phí dự phòng và trượt giá.

Đây là dự án nhóm A, thời gian thực hiện dự kiến trong 7 năm (2016 – 2023), do Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư và UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Sau khi HĐND TP Đà Nẵng thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải thiện môi trường nước TP Đà Nẵng, UBND TP sẽ trình Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Tác giả: Hải Châu

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP