Thanh Thủy chia sẻ, cô muốn thực hiện điều này từ khi con gái mới chào đời nhưng lúc đó, bản thân Thủy không tự tin và bé Miu cũng có một chút vấn đề sức khỏe. Vì vậy, cô đã trì hoãn đến khi bé cứng cáp hơn. Cô tâm sự: "Trước đó, Miu thích lúc nào thì lăn ra ngủ lúc đó. Khi ngủ, bé cần có mẹ ôm, ngủ không sâu giấc và hay giật mình, thích gối tay mẹ. Mỗi đêm, bé dậy bú mẹ vài lần". Tình trạng này khiến sức khỏe, tinh thần của hai vợ chồng Thủy đều ảnh hưởng.
Ngày đầu tiên, Thanh Thủy luyện con ngủ được hai cữ. Cữ nào bé cũng khóc vật vã 30 phút rồi mới chìm vào giấc ngủ. Đến cữ tối, bé khóc thảm thiết hơn. Một giờ sáng, Miu mới thực sự chìm vào giấc ngủ. Cả đêm, bé thức giấc hai lần và tiếp tục khóc. Tới 4h sáng, Thủy đành ôm con ngủ thiếp đi. Sau này, Thủy mới biết cô liên tiếp mắc sai lầm. Thứ nhất, cô luyện con ngủ riêng được hai cữ nhưng đến cữ thứ ba lại cho bé ngủ cùng mẹ. Thứ hai, cô để bé tự ngủ từ 1h30 nhưng đến 4h lại ôm ấp, dỗ dành bé. Điều này khiến bé băn khoăn không biết mình nên ngủ như thế nào. Cô thừa nhận: "Hai sai lầm này không chỉ khiến mẹ con mình mất nhiều thời gian hơn mà còn thêm rất nhiều nước mắt".
Thanh Thủy kể lại, cữ tối ngày thứ hai là "một trong những ngày đau khổ nhất cuộc đời cô". Tuy nhiên, đó cũng là cột mốc lớn nhất trong sự phát triển của bé Miu. Hôm đó, vì ban ngày bé ngủ ít nên cô quyết định cho con "lên chuồng" từ 19h30. Bé khóc lóc rồi gắt gỏng, gào lên thất thanh và ho sặc sụa. Hơn một tiếng trôi qua, Miu vẫn khóc đòi mẹ.
"Lúc đó, tôi rất băn khoăn. Sách nói phải đợi đến khi con ngủ thì thôi. Bế con lên thì bất công cho bao nước mắt trước đó của con nhưng mỗi tiếng khóc xé ruột của con như nhát dao đâm vào tim. Miu vốn là đứa trẻ ít khóc. Nước mắt của bé đêm hôm ấy bằng tất cả số nước mắt trước đó cộng lại. Khi ôm con, nhìn con cười toe toét, tôi chỉ biết trách bản thân mình. Tại sao không rèn con từ khi mới sinh mà giờ mới luyện. Tại sao lại ôm con ngủ để giờ con bám mẹ không rời? Tôi tự hỏi bây giờ phải làm gì. Bỏ cuộc ư?", Thanh Thủy chia sẻ.
Nhưng rồi, côn lại tự nhủ: "Bỏ cuộc thì con học được gì? Đó là sự phí phạm công sức của con. Bỏ cuộc là mẹ ích kỷ. Mẹ không nghĩ cho những gì con phải chịu đựng". Vì thế, sau khi bế con lên và cho bé ăn, Thủy tiếp tục đặt con vào trong nôi.
Vì đã thấm mệt, bé Miu ngủ liền một giấc từ 23h hôm trước đến 11h hôm sau. Đến cữ ngủ chiều, bé ngủ một mạch mà không hề khóc lóc, mè nheo. 19h, Thủy lên tinh thần "chiến đấu" tiếp, thế nhưng sau khi thay quần áo, lau người, cho bé ăn, bé ê a nói chuyện thêm 5 phút rồi lăn ra ngủ. 7h sáng hôm sau, bé thức giấc và vui vẻ chào đón bố mẹ. Cô bảo: "Như vậy, sự nghiệp luyện ngủ cho con của tôi đã hoàn thành trong 3 ngày. Cuộc sống của cả gia đình thực sự thay đổi rất nhiều. Con ngủ đủ nên khỏe mạnh, ăn nhiều hơn, chơi vui hơn. Trước kia, con ngủ theo bố mẹ nên thức đến tận một giờ đêm. Giờ đây, 19h30 là con đã lên giường nằm chơi. Con ngủ từ 20h tối hôm trước đến tận 8h sáng hôm sau. Thỉnh thoảng, con khó ngủ, trằn trọc nhưng không gọi mẹ, chỉ lăn qua lăn lại một tý rồi ngủ tiếp".
Từ kinh nghiệm của mình, Thủy tâm sự: "Nhiều người cho rằng, những bà mẹ luyện ngủ cho con thật độc ác, lạnh lùng khi để con tự vật lộn với giấc ngủ, khóc bao nhiêu nước mắt. Nhưng tôi nghĩ đây là những bài học đầu đời mà ai cũng cần phải biết. Trẻ cần biết tự điều khiển ham muốn ngủ của mình thành hành động. Tôi tin rằng, bài học tự lập đầu tiên này sẽ theo con đến hết cuộc đời".
Tác giả bài viết: Hà Thu - Ảnh: NVCC
Nguồn tin: