Khúc bi tráng
Trong cái nắng chói chang của tháng 3 trên đất Tây Nguyên, chúng tôi đến thăm anh Trương Văn Hiền (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), một trong 9 chiến sĩ bị Trung Quốc bắt sau cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988.
Trong căn nhà cấp 4 được mạnh thường quân xây dựng, anh Hiền cho biết những ngày này hình ảnh bi hùng ở Gạc Ma năm nào lại ùa về. Tháng 3/1986, khi vừa tròn 18 tuổi, anh xung phong vào quân chủng hải quân, thuộc tiểu đoàn 6 Hải đồ, chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc địa chất.
Ngày 11/3/1988, anh Hiền cùng các đồng đội nhận nhiệm vụ rời cảng Cam Ranh ra Trường Sa trên tàu vận tải HQ-604 để khảo sát xây dựng công trình bảo vệ chủ quyền trên đảo. Sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, HQ-604 thả neo gần đảo đá chìm Gạc Ma để thủy thủ chuẩn bị chuyển vật liệu lên bờ.
Sau một ngày nghỉ ngơi, sáng sớm 14/3/1988, anh Hiền cùng đồng đội chuẩn bị chuyển vật liệu phục vụ việc xây dựng và bảo vệ đảo thì tàu Trung Quốc đến gây hấn.
"Lúc này, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ yêu cầu các chiến sĩ tiếp cận đảo và khẩn trương chuyển vật liệu xây dựng đặt mốc chủ quyền. Sau nhiều giờ gây hấn, Trung Quốc bắn pháo xối xả vào HQ-604 cho đến khi tàu chìm", anh Hiền đau đáu nhớ lại.
Anh Hiền bị trúng đạn, gãy xương sườn bên phải, gãy tay và chấn thương mắt trái. "Khi tàu sắp chìm, tôi bám vào thùng dầu nổi lên nhưng quân địch tiếp tục xả súng. Rất may, anh Dương Văn Dũng đẩy tấm ván đến để tôi bám. Lênh đênh trên biển, tôi nghĩ mình chết. Khi tỉnh dậy, thấy mình đang trong trạm xá của Trung Quốc rồi bị chuyển đến nhà tù tại tỉnh Quảng Đông", anh Hiền kể thêm.
Trong thời gian ở tù, anh thường xuyên bị lính Trung Quốc tra tấn, bắt khai thông tin quân sự. "Một năm sau chúng mới ngưng tra tấn tôi, nhưng tôi vẫn bị biệt giam, đến giờ vệ sinh mới được giải ra ngoài. Khi ngang qua các phòng, thấy đồng đội mình bị giam nhưng không biết tên tuổi, quê quán. Muốn nói chuyện với các đồng chí ấy một câu nhưng không thể thốt nên lời", anh Hiền nhớ lại.
Người chiến sĩ năm ấy kể thêm, trong suốt thời gian bị giam tại nhà tù ở Trung Quốc, mỗi bữa tù binh được phát một ổ bánh mì và chén nước gạo. Sau ba năm bị biệt giam, anh Hiền cùng 8 chiến sĩ được đưa ra ngoài và có cơ hội gặp nhau để chia sẻ nỗi đau.
Đến năm 1991, sau 4 năm ở tù trên đất Trung Quốc, các anh được trả về nước, và được đưa đến Quảng Ninh an dưỡng. Tại đây, anh Hiền được giám định với tỉ lệ thương tật 12%. Năm 1992, anh Hiền vào Đắk Lắk sinh sống và lập gia đình.
Hiện mỗi tháng, anh Hiền nhận được gần 800.000 đồng chế độ trợ cấp cho người bị địch bắt, tù đày. Do không có nghề ổn định, anh Hiền phải làm nhiều công việc khác nhau từ phụ hồ đến hái thuê cà phê… Thời gian gần đây, vợ anh mang bệnh, tiền thuốc men, chi tiêu hàng ngày phụ thuộc vào tiền làm công của anh Hiền.
Trong cuộc trao đổi với Zing.vn, đôi mắt anh Hiền đỏ hoe, chực rơi lệ. Anh Hiền nói những ngày này chỉ mong gặp lại các cựu binh từng tham gia chiến trường Gạc Ma để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ.
Mong một lần thắp hương cho đồng đội tại chiến trường
Tại Đắk Lắk, ngoài anh Hiền còn một cựu chiến sĩ Gạc Ma khác, nguyên thượng úy Nguyễn Văn Chương ở thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông.
Năm 1978, thượng úy Chương vào bộ đội khi tròn 20 tuổi. Những năm đầu trong Hải quân, anh cùng đơn vị đóng chủ yếu ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Đến năm 1987, anh Chương cùng đơn vị được lệnh vào Cam Ranh chuẩn bị đi Trường Sa xây đảo.
"Thời điểm đó, tôi mang quân hàm thượng úy, giữ chức trung đội trưởng. Tôi cùng 84 chiến sĩ đi trên tàu HQ-604 ra đảo chở theo vật liệu để xây dựng. Khoảng 5h ngày 14/3/1988, thì tàu đến nơi, tôi lên boong quan sát thời tiết thì phát hiện tàu hải quân Trung Quốc bao quanh, lát sau có thêm 3 tàu khác", anh Chương nhớ lại.
29 nam Gac Ma bi chiem: Mong mot lan tro lai hinh anh 3
Anh Chương mong một lần quay lại đảo Gạc Ma để thắp nén nhang cho đồng đội đã huy sinh. Ảnh: Minh Quý.
Người cựu bình cho biết thêm, khi phát hiện tàu Trung Quốc, chỉ huy yêu cầu anh em giữ bình tĩnh chuyển vật liệu và nhanh chóng cắm cờ Tổ quốc lên đảo. Thế nhưng, chỉ trong mấy chục phút, tàu HQ-604 bị bắn chìm, 64 chiến sĩ hy sinh.
Sau trận xả súng thảm sát của quân xâm lược Trung Quốc, thượng úy Chương cùng một số đồng đội sống sót dùng thuyền gỗ, lấy tay chèo đến đảo Cô Lin thì được ứng cứu.
"Hai ngày sau, tôi theo tàu cứu thương quay lại đảo Gạc Ma để trục vớt thi thể những đồng đội hy sinh. Tuy nhiên, các thợ lặn vừa tiếp cận được tàu thì giặc Trung Quốc tiếp tục nã pháo nên phải rời đi. Không vớt được đồng đội, tôi quay về đảo Cô Lin rồi được rút về đất liền điều trị. Hơn 2 tuần sau, tôi được điều đi xây dựng một số đảo khác rồi xuất ngũ", anh Chương nhớ lại.
Anh kể thêm, cũng trong năm 1988, anh lập gia đình với cô gái cùng quê quen trong một lần về phép. Cưới xong, vợ anh vẫn làm việc ở Đắk Lắk, còn anh tiếp tục trong quân ngũ đến năm 1990 thì ra quân. Hiện anh Chương làm nhân viên bảo vệ của một cơ quan ở trung tâm huyện Krông Bông.
"Cuối năm 2015, tôi đọc báo và mừng đến rơi nước mắt khi thấy thông tin về anh Hiền. Biết địa chỉ, tôi tìm gặp sau mấy chục năm. Mong ước của tôi bây giờ là được một lần quay lại Gạc Ma để thắp nén nhang cho những người đồng đội hy sinh. Những chiến sĩ còn sống, hiện chưa được giải quyết chế độ, tôi cũng mong nhà nước xem xét", anh Chương bùi ngùi.
Tác giả bài viết: Tây Nguyên
Nguồn tin: