Du lịch

15 món ngon nức tiếng xứ Thanh

Nhắc đến xứ Thanh không thể không nhắc đến những món đặc sản trứ danh như nem chua, chả tôm, mắm tép, phi cầu sài hay bưởi tiến vua…

Nem chua

Nem chua là đặc sản nổi tiếng gợi nhớ tới vùng quê đầu miền Trung nắng gió. Quả nem chỉ to bằng chiếc chén pha trà, gói bằng lá chuối tươi, lạt giang trắng buộc quanh chữ thập 6 mặt trông nho nhỏ, khéo khéo, trăm quả như một mà làm say lòng du khách:

“Bạn đến chơi nhà ta với ta

Có chai rượu đậu bóc nem ra …”

Được làm từ thịt sống, bì lợn cùng các gia vị như tiêu, tỏi, ớt cho lên men đến chín, khi ăn có vị chua dịu đậm đà, từ chiếc nem chua cổ truyền, người dân Thanh Hóa sáng tạo ra rất nhiều loại và cách chế biến, thưởng thức khác nhau. Bạn có thể tìm đến nhà nem Gốc Đa, Cương Dũng, Vũ Linh, nem bà Thường, bà Năm hay trên vỉa hè các phố Đinh Lễ, Tô Vĩnh Diện, Ngọc Trạo… để thưởng thức.

Chả tôm

Chả tôm được làm từ bánh phở cuốn, nhân là tôm bóc vỏ giã nhuyễn, thịt ba chỉ rán vàng băm cùng hành khô, xào với chút hạt tiêu. Chả được kẹp vào nẹp tre tươi nướng trên lửa than hoa, ăn cùng rau sống. Nước chấm làm từ mắm pha loãng cùng đu đủ xanh thái mỏng, sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… Những phố bán chả tôm nổi tiếng là Nhà Thờ, Lê Thị Hoa, Đào Duy Từ (từ 3h chiều), với giá khoảng 30.000 đồng một đĩa.

Phi cầu sài

Phi có ở nhiều nơi, nhưng chỉ có Phi cầu Sài – sản vật quý của khúc sông Trà, ranh giới giữa hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa xứ Thanh mới được xem là “sơn hào hải vị’’ để dâng vua, vì thế nó còn có tên Phi tiến vua. Con phi là một loại hải sản vừa sống ở nước mặn, vừa sống ở nước lợ. Phi Cầu Sài trông giống con trai biển, nhưng vỏ mỏng hơn. Con lớn nhất dài cả gang tay. Ruột phi dày trắng ngần, có hai tua dài. Đây là món đặc sản quý hiếm, vì ngoài vùng cầu Sài ra, không nơi nào trong cả nước, có loài phi như thế.

Cách ăn phi hết sức đơn giản mà lại ngon tuyệt vời. Có thể chế biến phi Cầu Sài thành các món xào, rán, nấu canh hay cháo. Nhưng thông thường là nấu canh và rán.

Bưởi tiến vua

Là loại quả tiến vua, bưởi Luận Văn khác các loại bưởi khác ở chỗ có mùi thơm rất đặc trưng. Dịp Tết đến, chỉ cần bày lên mâm quả là bưởi có thể thơm lừng khắp không gian nhà.

Bưởi Luận Văn lúc chín sẽ có màu đỏ, từ múi đến vỏ vô cùng đẹp mắt. Tầm tháng 11, 12 chính là thời điểm bưởi sẽ chuyển sang thứ màu đỏ hấp dẫn này. Bưởi không những có mùi thơm đặc trưng mà còn mang vị chua ngọt rất dễ chịu.

Một quả bưởi đạt tiêu chuẩn tiến vua xưa kia phải đạt khoảng 1.5kg trở lên, thân tròn trịa, rốn bưởi phải ở chính giữa. Theo người dân trồng bưởi lâu năm ở làng Luận Văn thì trong 1000 quả có khi chỉ chọn được 100 quả đạt tiêu chuẩn như vậy.

Gỏi cá nhệch

Gỏi cá nhệch là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn (Thanh Hóa). Món ăn khiến người ta nhớ đến cả một vùng xứ sở bởi gỏi nhệch ở đây mang nét vị riêng có. Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.

Mắm tép

Mắm tép của người làng Đình Trung ở Hà Yên, huyện Hà Trung xưa kia có mắm tép là thứ đặc sản tiến vua ngon nổi danh khắp chốn. Tép được bắt ở khúc sông Hoạt mới cho nước cốt thơm ngon, khi bắt về được ủ cả năm trời mới mang ra dùng. Người làng Đình Trung có bí quyết riêng để nước mắm rót ra có màu ánh vàng, sóng sánh như mật ong, thơm hương quyến rũ.

Hải sản biển

Du lịch đến các biển ở tỉnh Thanh như Sầm Sơn, Hải Tiến, Tinh Gia... ngoài việc tắm và ăn các món ngon mang đậm phong vị biển, bạn còn có thể tranh thủ mua hải sản tươi sống về làm quà. Ngư dân ở các huyện ven biển thường đi đánh bắt gần bờ, ra khơi và trở về vào một buổi nhất định trong ngày, bạn có thể hỏi để mua và đóng thùng đá vận chuyển về nhà để ăn dần. Bạn có thể mua tôm, cá, cua, ghẹ, mực... và các đồ hải sản biển còn tươi rói ngay khi thuyền của ngư dân cập bến và mang vào các nhà hàng gần đó thuê họ chế biến để tận hưởng trọn vẹn hương vị của biển khơi.

Cháo canh

Đây là món ăn được xem chỉ có ở Thanh Hóa và cũng ít hàng bán. Cháo được nấu từ bột gạo, sợi bánh canh và quan trọng là nước hầm xương ống. Tô cháo canh đặc sánh có sườn lợn, tôm bóc vỏ, rắc thêm rau mùi thái nhỏ và chút ớt bột, vô cùng hấp dẫn.

Muốn ăn cháo canh, bạn đến bên hông chợ Vườn Hoa, quán bán từ 2h chiều, luôn đông khách và chỉ 5h là hết hàng. Giá dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng một tô tùy yêu cầu của khách.

Ốc mút chùa Thanh Hà

Chùa Thanh Hà, phố Bến Ngự là địa chỉ quen của những thực khách trót mê mẩn món ốc mút và các món từ ốc.

Vị đậm đà của ốc được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng cùng mùi sả ớt thơm nức mũi sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai mới thưởng thức lần đầu. Vị cay nồng đằm đằm của món ăn sẽ khiến bạn bị “xúc động” đôi chút. Về quê Thanh du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn dân dã này. Để rồi nhớ mãi câu ca:

“Bao giờ em về quê Thanh. Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa

Vĩ nhân và các đời vua. Cũng từ rau má, ốc, cua nên người”.

Bánh mì Nam Hà

Bánh mỳ Nam Hà phố Trường Thi bao gồm một chuỗi cửa hàng bán bánh mỳ gia truyền. Bánh mỳ ở đây mang thương hiệu riêng, hương vị không đổi suốt hơn 20 năm qua. Nhân bánh rất đa dạng để bạn lựa chọn, ngon nhất phải kể đến bánh mỳ kẹp nem chua rán, kẹp bò khô, thịt quay…

Điều làm nên sức sống lâu bền cho bánh mỳ Nam Hà là tất cả nguyên liệu của quán đều được chọn lựa kỹ lưỡng, đảm bảo tươi ngon và nước sốt gia truyền.

Chỉ 10 – 15 nghìn, bạn sẽ có ngay một chiếc bánh tràn trề nhân và ruốc.

Bánh đúc sốt

Mới nghe qua nhiều người sẽ nhầm với món bánh đúc, thức quà quê dân dã của các làng quê Bắc Bộ. Nhưng đây là món ăn độc nhất vô nhị, có màu xanh rất đẹp và bạn chỉ có thể ăn ở thành phố Thanh Hóa.

Bánh đúc sốt chỉ bán vào buổi chiều. Hiện nay không còn nhiều hàng bán món này, chỉ có ở một số hàng rong. Bạn có thể ghé qua một số chợ Vườn Hoa hoặc chợ NamThành… để tìm và thưởng thức.

Bánh cuốn

Bánh cuốn Thanh Hóa mềm, dai và thơm hương rất riêng. Trước đây bánh cuốn là món ăn sáng phổ biến của người Thanh Hóa nhưng nay được bán thêm vào các buổi chiều, tối như món ăn vặt. Bánh làm từ bột gạo sau khi được hấp chín bằng hơi nước trên nồi căng vải, dùng ống tròn lấy ra rồi khéo léo trải rộng trên một cái mẹt nhỏ, bỏ nhân làm từ tôm bóc vỏ, thịt nạc vai băm nhỏ, mộc nhĩ, hành… và cuốn tròn. Một đĩa bánh cuốn có 5 cái, ăn kèm nước mắm pha nhạt, vắt chanh, rắc hạt tiêu xay và thêm vài lát ớt đỏ tươi. Bánh cuốn ngon nhất là ở các phố Nguyễn Chích, Hàng Thanh, Tống Duy Tân, với giá 10.000-15.000 đồng đĩa.

Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.

Bạn có thể mua bánh gai về làm quà với giá 25.000 - 30.000 đồng một cột bánh 5 cái. Bánh để được rất lâu, khoảng 5 - 7 ngày vẫn dẻo thơm.

Bánh khoái tép

Đây là món ăn chỉ có ở TP Thanh Hóa, với nhân bánh là tép rang và rau bắp cải thái sợi, rau cần cắt khúc. Bột gạo được tráng lên chảo gang trên bếp củi, sau đó cho rau cần, bắp cải, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Có thể cho thêm trứng gà. Bánh khoái ngon khi chín đều, mép giòn, nhưng không nhiều mỡ gây ngán. Sau 3h chiều đến tối, hãy đến phố Hàn Thuyên, Đào Duy Từ, Tô Vĩnh Diện... để ăn bánh khoái với giá 5.000 đồng cái.

Bánh răng bừa

Đây là loại bánh có ở nhiều nơi với tên gọi bánh tẻ, bánh giò, bánh lá, còn người Thanh Hóa gọi là bánh răng bừa vì có hình dạng giống một nông cụ quen thuộc của nhà nông. Chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh nhưng mang đậm hồn quê bình dị là thứ quà sáng yêu thích của nhiều người. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua. Khi mới luộc xong, chiếc bánh bốc khói nghi ngút, dậy mùi thơm của hành mỡ, ăn vào thấy mềm và rất vừa miệng. Còn khi để nguội, ăn sần sật cũng ngon không kém phần.

Tác giả bài viết: ĐH

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP