Trong nước

10 y bác sĩ tham gia ca mổ có 2 bệnh nhân tử vong bị đình chỉ phẫu thuật

Sở Y tế Hà Nội chiều 25/12 đã đình chỉ hoạt động phẫu thuật của 2 kíp mổ cho 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê trong cùng một ngày tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức.

Theo bà Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức các y bác sĩ tham gia 2 kíp mổ để phục vụ công tác điều tra. Mỗi kíp mổ gồm 5 người: 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kỹ thuật viên gây mê và 2 dụng cụ viên.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, bệnh nhân nữ 37 tuổi được chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, chỉ định phẫu thuật cắt. Ca mổ bắt đầu lúc 8h15 ngày 25/12. Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nam 34 tuổi được chẩn đoán viêm xoang mãn, viêm amidan lệch vách ngăn, sùi vòm, chỉ định mổ nội soi xoang cắt amdian, chỉnh hình vách ngăn, nạo sùi vòm. Ca mổ bắt đầu lúc 8h40 ngày 25/12.

Cả hai bệnh nhân đều được gây mê nội khí quản, cùng được tiêm các loại thuốc gồm Atropine 0,25 mg, Midazolam 5 mg, Solumedrol 40 mg (tiền mê); sau đó sử dụng tiếp 100 mg Diprivan và 30 mg Esmeron. Chỉ sau gây mê 30 giây, cả hai cùng có dấu hiệu sốc phản vệ, được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.



Công an đã niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc và các sổ sách… liên quan đến 2 ca gây mê. Sở Y tế đã kiểm tra và niêm phong, bảo quản các thuốc có liên quan phục vụ gây mê tại bệnh viện. Toàn bộ các hóa đơn, chứng từ liên quan đã được đội điều tra thu giữ.

Theo các bác sĩ, xảy ra hai ca sốc phản vệ sau gây mê tại cùng một bệnh viện, cùng thời điểm thì có thể nguyên nhân do thuốc hoặc kíp gây mê. Sốc phản vệ có thể xảy ra nhưng không phổ biến. Thông thường khi một bệnh nhân bị sốc, bác sĩ sẽ dừng các ca gây mê còn lại.

Phản ứng phản vệ xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với vật lạ. Nó có thể xảy ra với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị cũng như xuất phát từ dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt. Bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu bệnh nhân bị sốc phản vệ cấp cứu ngay, xử lý trong vòng 10 giây thì 80-90% có thể cứu được.

Sáng 25/12, hai bệnh nhân cùng lúc bị sốc phản vệ sau khi gây mê để chuẩn bị mổ tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Hai bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, song không qua khỏi.

Tác giả bài viết: Hà An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP