Tin địa phương

10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm: Bức tranh hai mặt

Quy định bắt buộc người ngồi trên mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) đã đi vào thực tiễn đời sống người dân cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng được hơn 10 năm nay. Có thể khẳng định, hiệu quả mang lại đã hết sức rõ ràng, nhận thức của người dân thay đổi và chiếc MBH trở thành “vật bất ly thân” đối với hầu hết mọi người khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít người chưa chấp hành quy định, không đội MBH hoặc đội mũ kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến tình hình ATGT, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc khi tai nạn xảy ra.

Những chuyển biến tích cực

Trung tá Trần Đức Dương, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy là một chủ trương mang tính nhân văn, nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe người tham gia giao thông.

Phối hợp tuyên truyền về luật lệ ATGT trong trường học luôn được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện.

Chính vì vậy, từ khi mới triển khai đã được đại đa số người dân tỉnh ta đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện nghiêm túc. Tỷ lệ số người đội MBH khi tham gia giao thông ở tỉnh ta tăng lên theo từng năm. Điều đáng mừng là kết quả đó vẫn được duy trì tương đối tốt, trở thành thói quen mỗi khi ra đường của người dân.

Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.Để nhanh chóng đưa quy định đội MBH đi vào hiện thực đời sống, ngay từ những ngày đầu mới ban hành, công tác tuyên truyền về lợi ích của việc đội MBH, tác hại khi không đội MBH, hướng dẫn cách lựa chọn, sử dụng MBH an toàn, đạt chuẩn... được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban ATGT tỉnh đã xây dựng nhiều cụm pano tuyên truyền trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố; in hàng chục vạn băng rôn, tờ rơi chuyên đề về MBH cấp phát cho các sở, ban, ngành, địa phương; tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc đội MBH tại các đơn vị trường học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương, các trường học tổ chức 115 buổi tuyên truyền về luật lệ ATGT với 70.180 lượt người tham gia; cấp phát 200 MBH mô tô, xe máy cho người dân... Sở Giáo dục-Đào tạo chú trọng giáo dục việc chấp hành trật tự ATGT cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên các cấp học, trọng tâm vào việc hình thành ý thức đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện...

Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tình hình chấp hành việc đội MBH khi tham gia giao thông ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Nếu như 10 năm về trước, chiếc MBH còn khá xa lạ với không ít người và khi lưu thông trên đường, số người đội MBH chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay, đó là chuyện hoàn toàn ngược lại. Người tham gia giao thông ngày càng ý thức hơn về việc đội MBH, do đó họ luôn chấp hành nghiêm chỉnh.

Hình ảnh người đi mô tô, xe gắn máy đội MBH đã trở nên quen thuộc. Với đa số người dân, đội MBH đã trở thành thói quen, là nét đẹp văn hóa giao thông chứ không còn là quy định bắt buộc, cứng nhắc như những ngày đầu triển khai thực hiện. “Bây giờ ra đường không đội MBH là cứ thấy thiếu thiếu.
Ở nhà tôi, mọi người đều chấp hành nghiêm túc việc đội MBH. Con tôi mới 4 tuổi nhưng đi đâu tôi cũng đội MBH cho cháu. Mình đội là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân nên không thể thờ ơ được!”, anh Trần Văn Sang (phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới) chia sẻ.

Còn nhiều bất cập

Những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy định đội MBH ở tỉnh ta thời gian qua là điều đã thấy rõ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập đáng bàn xoay quanh câu chuyện về chiếc MBH. Trước hết, đó là tình trạng vẫn rất nhiều người chưa chấp hành quy định đội MBH khi tham gia giao thông trên đường.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều, nhưng các trường hợp vi phạm vẫn tràn lan, diễn ra phổ biến ở các tuyến đường, tuyến phố, nhất là vào các dịp lễ, tết, kỳ nghỉ. Và một điều đáng nói nữa là, đối tượng ít đội MBH nhất chính là trẻ em.

Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chức năng thì hiện nay, tỷ lệ trẻ em đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy vẫn còn rất thấp mà nguyên nhân của thực trạng này chính là ý thức của người lớn.

Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều phụ huynh chở trẻ nhỏ bằng xe máy mà không bảo đảm an toàn. Thường là phụ huynh đặt con ngồi luôn trên yên xe, hoặc ngồi trên ghế lắp thêm ở phía trước, nếu lớn hơn chút nữa thì ngồi một mình ở phía sau, không đội MBH và cũng chẳng có đai an toàn.

Chỉ một sơ suất nhỏ của người cầm lái, tai nạn đáng tiếc cho trẻ em có thể xảy ra. Ðã có khá nhiều bài học, hệ lụy thương tâm để lại nỗi đau ám ảnh từ những vụ tai nạn giao thông xảy ra mà người tham gia giao thông không đội MBH, nhất là với trẻ em chỉ vì cha mẹ chủ quan, lơ là.

Theo số liệu từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, riêng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 233 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 104 người, bị thương 191 người, trong đó không ít trường hợp nạn nhân là trẻ em với cùng chung một tình trạng là không đội MBH.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn thờ ơ với sức khỏe, tính mạng con trẻ khi để các em ngồi trên mô tô, xe gắn máy mà không đội MBH như thế này.

Một bất cập khác cần phải bàn chính là vấn đề về chất lượng của chiếc MBH. Mặc dù hiện nay tỷ lệ người đội MBH tăng cao nhưng chưa chắc số lượng đã đi kèm với chất lượng. Bởi lẽ, trên thực tế, rất nhiều người khi tham gia giao thông mặc dù có đội MBH nhưng lại không hề chú trọng đến chất lượng mà chỉ đội theo hình thức chiếu lệ, đối phó.

Chính sự dễ dãi, thiếu ý thức của người tiêu dùng đã tạo “đất sống” cho MBH giả, MBH kém chất lượng. Dạo quanh một số chợ trên địa bàn tỉnh sẽ không khó để bắt gặp cảnh tượng MBH kém chất lượng “chễm chệ” trên các sạp hàng xen lẫn với các MBH chính hãng. Đa số những loại này đều được kết cấu theo kiểu “3 không”: không có lớp xốp bảo vệ, không dán tem CR hợp quy, không địa chỉ sản xuất và chất lượng thì... khỏi phải bàn.

Liệu những chiếc mũ như thế này có phát huy được tác dụng theo đúng ý nghĩa là MBH? Câu trả lời có lẽ ai cũng biết, chỉ có điều, rất nhiều người đang “nhắm mắt làm ngơ”, thờ ơ với chính mạng sống của mình khi “đánh đồng” MBH đúng quy chuẩn với loại mũ kém chất lượng này.

Mỗi chúng ta đều biết, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Và khi tai nạn xảy ra thì hậu quả nhiều khi là rất nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với các trường hợp bị chấn thương ở vùng đầu.

Vì vậy, việc quy định bắt buộc phải đội MBH bảo đảm chất lượng, đúng quy chuẩn là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Bên cạnh việc tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp không đội MBH, nhất là với các trường hợp trẻ em từ 6 tuổi trở lên, cần có kế hoạch kiểm tra, xử lý chuyên đề đối với các trường hợp đội mũ không đạt chuẩn.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH giả, không đạt chuẩn, để ngăn chặn nguồn hàng nguy hiểm này tung ra thị trường.

Tác giả: T.A

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP