Bởi họ quên, khi bước chân vào hôn nhân, thứ cả chồng cả vợ quan tâm nhất vẫn là cơm áo gạo tiền, con cái có vui không, có sung túc đủ đầy không? Biết vậy, nhưng với phụ nữ, họ vẫn luôn hi vọng ở người chồng của mình một thứ tình cảm lãng mạn, ngọt ngào, dù không phải là món quà lớn. Họ biết, có thể hôn nhân không như là mơ, những gì hứa hẹn chỉ là trong giấc mộng nhưng vẫn hi vọng, người chồng có thể biến giấc mơ ấy thành sự thật.
Ngày lễ, ngày kỉ niệm, ngày 8-3, người ta đua nhau khoe quà chồng tặng, khoe được chồng đưa đi xem phim. Người được tặng hàng hiệu, người được tặng đồ dùng đắt tiền, người được đưa đi du lịch. Nhưng cũng có những người phụ nữ phát chán, phát khóc, phát tủi thân vì họ chưa từng biết đến một món quà ngày 8-3, dù chỉ là một bông hoa dại, hay tại qua hàng quán mua tạm một bông tặng vợ.
Kiếp phụ nữ, khổ nhất là lấy phải anh chồng vô tâm. Đời tôi cũng đang rơi vào bi kịch như thế. 10 năm lấy chồng, đã quá nhiều lần gợi ý chồng về món quà ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, nhưng anh gần như chẳng bao giờ nhớ tới, hoặc có nhớ anh cũng coi đó là chuyện vô thưởng vô phạt, chẳng ích lợi gì.
Anh thường về nhà kể lể, ‘hôm nay ở cơ quan anh, các chị đua nhau đi ăn, rồi người này tặng hoa người kia. Bọn anh phải chạy đôn chạy đáo đi mua cho mỗi chị một bông hoa hồng, gọi là có tí quà không sếp trách’. Chị nhìn anh cười ‘thế à?’ mà không nói được câu thứ hai. Chị sợ nói ra sẽ bị chặn ở họng, sẽ bị nước mắt ứ lại, sẽ òa lên mà khóc. Nên chị cố gắng nhịn, không nói gì, cố nuốt xong miếng cơm mà lên phòng.
Chị nằm khóc. Năm nào, mỗi dịp 8-3 chị cũng đều nghe anh kể về mấy câu chuyện các chị cơ quan được tặng quà, tặng hoa, do chính tay anh mua. Rồi anh phải mua hoa đẹp tới tặng vợ sếp, nhưng vợ anh, người phụ nữ ở ngay bên cạnh anh, cả đời tần tảo vì anh, lo lắng cho anh, đến mùi của bông hoa ngày 8-3 cũng chưa được ngửi chứ đừng nói tới tặng.
Chị khóc không biết bao nhiêu lần. chị cũng cố gắng kể những câu chuyện người chồng quan tâm vợ, để hi vọng anh có thể hiểu được nỗi lòng của chị, cũng như để ý chị hơn một chút. Nhưng không, chẳng có sự hối cải nào.
Chị không hiểu là anh thực sự vô tâm hay anh cố tình làm như vậy. Có những người đàn ông chi li, tính toán, họ hạch toán cả số tiền họ mua hoa, mua quà cho vợ mỗi tháng vào khoản chi tiêu, hàng năm, rồi lúc tiện mồm tranh luận về kinh tế thì họ lôi ra để cãi. Liệu anh có phải loại người tiết kiệm là trên hết, tiền bạc để dành, quà cáp không có ý nghĩa gì, hay ‘thích thì tự đi mà mua’ như những người đàn ông vô tâm vô tính khác?
Nếu vậy, anh cứ nấu cho chị một bữa ăn ngon, cứ đi chợ hay rửa bát cho chị, thậm chí là một tin nhắn điện thoại ‘chúc mừng người phụ nữ của anh nhân ngày 8-3’ thì âu cũng được an ủi trong lòng. Đằng này, không có gì, tất cả như những ngày thường khác?
Liệu có phải anh đang tạo cho chị thói quen ấy, để vĩnh viễn, cả đời này, bất cứ ngày nào chị cũng không nhận được một món quà hay sự quan tâm của anh?
Chị đã từng suýt để ngoài tai câu nói của anh ‘đàn bà được voi đòi tiên, hôm nay có cái này, mai đòi cái khác sang hơn, tiền đâu ra mà phục vụ.’ Hay anh cũng nghĩ chị như thế, vợ anh cũng là người được voi đòi tiên, nay có cái này mai mơ cái khác nên anh quán triệt ngay từ đầu?
Nếu thực sự anh nghĩ như vậy thì quá thất vọng cho người làm chồng. Bởi từ ngày lấy anh, 10 năm rồi, không chỉ 8-3, bất cứ ngày lễ nào, chị cũng chưa từng đươc ngửi mùi hoa, chưa từng biết, hoa nó đẹp như thế nào. Chỉ biết ngậm ngùi nhìn chị em hạnh phúc, hãnh diện. Thôi thì chấp nhận, trách ai được, trách mình lấy phải người chồng vô tâm.
Tác giả bài viết: Bảo Bảo ghi
Nguồn tin: