Du lịch

10 con đường ngắn bậc nhất Sài Gòn

Theo đo đạc của chàng trai quê gốc Tiền Giang, đường Đỗ Văn Sửu là con đường ngắn nhất Sài Gòn thời điểm hiện tại với chiều dài 45m.


Với chiều dài 45 m, theo Trần Đặng Đăng Khoa, đường Đỗ Văn Sửu gần cầu Chà Và (quận 5) là một trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn. Theo anh, Sài Gòn có những con đường rất ngắn, chỉ khoảng 30-40 m nhưng chưa có tên hoặc mới mở.
Để có được kết quả này, chàng trai sinh năm 1987 (quê Gò Công, Tiền Giang) đã dành nửa năm tự tìm trên mạng, trên sách, tra cứu google maps, tính cự li, lộ trình, lên kế hoạch chụp ảnh...


Đường Đinh Lễ dài 56 m không phải ngắn nhất nhưng rất độc đáo vì chỉ có một số nhà, đó là chợ Xóm Chiều, quận 4.
Bộ ảnh "những con đường ngắn nhất Sài Gòn" của Khoa chủ yếu đề cập đến những con đường ngắn nhưng mang nhiều ý nghĩa lịch sử.


Đường Phú Định dài 65m (quận 5) nằm giữa đường Nguyễn Án và Lương Nhữ Học. Anh cũng gợi ý món bánh xèo ở đầu đường Phú Định rất ngon và giá cả phải chăng.


Chia sẻ lý do đi tìm những con đường ngắn nhất Sài Gòn, Khoa cho biết: "Trước đây tôi luôn tự hỏi con đường ngắn nhất Sài Gòn là ở đâu, đặc biệt là sau khi đọc bài viết "Những con phố ngắn nhất Hà Nội" thì sự tò mò ấy lại dâng cao hơn nữa".
Trên đây là đường Trần Doãn Khanh, dài 70 m, ẩn mình giữa hai con đường Nguyễn Văn Thủ và Nguyễn Thành Ý.


Đường Nguyễn Thiệp, dài 90m, trước kia có tên là Carabelli, giới hạn bởi đường Đồng Khởi (tên cũ: Catinat/Tự Do) và đại lộ Nguyễn Huệ (tên cũ: Boulevard Charner).


Đường Hưng Long (92 m) là nơi tụ họp quen thuộc của giới yêu thích chim cảnh mỗi dịp cuối tuần. Con đường này nằm giữa đường Nguyễn Chí Thanh và Đào Duy Từ, ngay đối diện với nhà máy bia Sài Gòn.


Đường Huyền Quang dài 94 m. Đầu đường giao với đường Nguyễn Phi Khanh có đình Sơn Trà - Tín Nghĩa Hội Quán được xây năm 1950. Khoa cho biết, đây cũng là con đường anh thích nhất vì vẻ ngoài tĩnh lặng.
Ngày xưa đường có tên gọi là Génibrel và đổi thành Huyền Quang từ năm 1955. Génibrel là tên một giáo sĩ người Pháp đã dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu sang tiếng Pháp.


Đường Nguyễn Hữu Thận dài 95 m nằm đối diện chợ Bình Tây.


Đường Phan Văn Đạt dài 103 m nằm ngay góc công trường Mê Linh, và chân tòa tháp.


Đường Mã Lộ dài 115 m nằm sau chợ Tân Định. Đường ra đời năm 1928, với cái tên Mã Lộ được đặt theo đúng nghĩa đen: đường cho xe ngựa đi hoặc chỗ để đỗ xe ngựa chuyên chở hàng hóa tạm dừng nghỉ ngơi lúc đang bốc dỡ hàng hóa.

Tác giả bài viết: Trần Đặng Đăng Khoa

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP