Du lịch

'Vua chiến trường' trong bảo tàng tại TP HCM

Pháo tự hành M107 – 175 mm trong bảo tàng Chứng tích Chiến tranh từng được mệnh danh là "Vua chiến trường" vào những năm trước đây.


Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tiền thân là Nhà trưng bày tội ác chiến tranh Mỹ – Ngụy được UBND TP HCM ký quyết định thành lập ngày 18/10/1978. Năm 1990, đổi tên thành Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược, đến năm 1995, bảo tàng có tên như ngày nay.

Nơi đây có nhiều chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về các chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam, đặc biệt là thời kháng chiến chống Mỹ.


Đây là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất TP HCM, được nhiều du khách lựa chọn làm điểm dừng chân khi tới Việt Nam. Với diện tích khoảng 7.300 m2, bảo tàng có khu vực triển lãm bên trong và ngoài trời.

Trong đó, khu vực ngoài trời có nhiều bộ sưu tập đáng chú ý như xe tăng, máy bay, pháo, bom các loại. Đáng chú ý nhất là pháo tự hành M107 – 175 mm (ngoài cùng bên trái) được mệnh danh “Vua chiến trường”, một trong những vũ khí hủy diệt lớn nhất trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.


Ngay sân chính của bảo tàng, bạn có thể thấy những chiếc máy bay tối tân mà Mỹ đã sử dụng tấn công Việt Nam lúc bấy giờ.


Hiện tại bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, nhưng chỉ hơn 1.500 trong đó được giới thiệu đến cộng đồng, đặc biệt là du khách nước ngoài.


Ngoài tư liệu phim ảnh, du khách còn có thể tận mắt xem những những bộ sưu tập hiện vật như nòng súng, đạn, máy bay, xe thiết giáp,...


Các mảnh vỡ của quả bom cũng được trưng bày để du khách có một cái nhìn thực tế hơn về những gì đã xảy ra trong lịch sử.


Rất nhiều du khách nước ngoài trầm ngâm rất lâu trước hình ảnh em bé bị chất độc màu da cam, những người bị thương tích, các cuộc biểu tình hay hình ảnh hàng ngàn máy bay dàn trên bầu trời thả bom xuống cả một vùng đất rộng lớn...


Tòa nhà chính của bảo tàng có ba tầng, mỗi tầng đều có các phòng triển lãm với các chủ đề khác nhau. Vào mỗi phòng, du khách sẽ tận mắt nhìn thấy những bức hình miêu tả hành vi man rợ của quân đội Mỹ khi xưa với cảnh bắt bớ, tra tấn, bắn giết dân thường...


Trong hình là hiện vật vũ khí mà Mỹ đã dùng trong chiến tranh với Việt Nam. Những hình ảnh sống động như tái hiện lại một cuộc chiến đấu ngoan cường, khiến bất kỳ ai đặt chân đến bảo tàng đều không khỏi xúc động.


Tòa nhà chính trưng bày các hiện vật và chứng tích chiến tranh minh họa bằng hình ảnh, phim tư liệu với các chủ đề: lính Mỹ tàn sát nhân dân, rải chất độc hóa học, tra tấn, tù đày, chiến tranh phá hoại miền Bắc. Bên cạnh đó, bảo tàng còn có các phòng trưng bày về Chiến tranh biên giới Tây Nam, vấn đề quần đảo Trường Sa…


Điều gây ấn tượng với du khách là hiện vật máy chém – một “cỗ máy giết người” từng được đem đi khắp các tỉnh miền Nam để hành quyết người yêu nước. Theo lịch sử ghi lại, thực dân Pháp đưa máy chém sang Việt Nam để đàn áp các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc vào đầu thế kỷ 20.


Hai “chuồng cọp” trong bảo tàng được xây dựng giống kích thước của nhà tù ở Côn Đảo. Gần đây, tờ The Star của Malaysia vừa gợi ý cho du khách 6 bảo tàng và đài tưởng niệm ở Đông Nam Á nên ghé thăm, trong đó bảo tàng Chứng tích Chiến tranh của Việt Nam là một trong những điểm đến ấn tượng nhất. Qua đó có thể thấy bảo tàng đã dần khẳng định vị thế và trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua để tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam.

Kết hợp tham quan, du khách có thể thưởng thức một tách cà phê hoặc loại đồ uống yêu thích ngay trong khuôn viên. Bảo tàng mở cửa vào hai khung giờ, 7h30 - 12h và 13h 30 - 17h hàng ngày. Vé vào cửa có giá 15.000 đồng một người. Địa chỉ của bảo tàng là 28, Võ Văn Tần, quận 3.

Tác giả bài viết: Phong Vinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP