Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thi THPT quốc gia 2017 với nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý là các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ Ngữ văn.
Zing.vn có cuộc trò chuyện với TS Lương Hoài Nam - một người quan tâm về giáo dục - xung quanh dự thảo này.
Rối loạn tuyển sinh là hiển nhiên
- Một trong những vấn đề về giáo dục được quan tâm gần đây là Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thi tốt nghiệp và xét vào đại học 2017. Ý kiến cá nhân của ông về dự thảo?
- Câu hỏi đầu tiên của tôi đặt ra với Bộ GD&ĐT là: Liệu cách thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2017 đủ tính khoa học để ổn định được trong 10 năm tới không? Thậm chí, tôi có thể thỏa hiệp ở mức 5 năm.
Tôi sẽ không ủng hộ nếu Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ để dự thảo đi vào thực tiễn trong năm 2017, sang năm 2018 và các năm tiếp theo tiếp tục thay đổi.
Tôi nói như vậy vì trong 4 năm gần đây, Bộ GD&ĐT liên tục thay đổi cách thi và tuyển sinh. Đó không phải sự cầu thị cải cách. Về thực chất, đó là cách làm ẩu, không nghiên cứu đến nơi đến chốn, không lường được các vấn đề phát sinh và chuẩn bị sẵn giải pháp cần thiết.
Tôi cũng từng hỏi: Liệu Bộ GD&ĐT hàng năm có ban hành nổi một tài liệu hướng dẫn tuyển sinh chi tiết như của Singapore không? Theo hình dung của tôi là không. Những thông tin Bộ GD&ĐT đã công bố về thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 không đủ để tôi hình dung và đánh giá.
Bộ GD&ĐT nên thử biên soạn một tài liệu hướng dẫn tương tự, qua đó thấy mức độ rõ ràng, tính khoa học của một kỳ thi và tuyển sinh ở nước ta thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, theo tôi, thực hiện đổi mới về tuyển sinh như mấy năm nay ở nước ta không bị rối loạn mới lạ, còn rối loạn là hiển nhiên.
TS Lương Hoài Nam trăn trở với nhiều vấn đề của giáo dục.
- Theo ông, cơ sở nào để Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo thay đổi về tuyển sinh khi chỉ còn 9 tháng nữa học sinh đã bắt đầu kỳ thi?
- Cách thi và tuyển sinh các năm qua, kể cả năm 2016, còn rất nhiều bất cập. Việc thay đổi sang cách mới là hiển nhiên, không thể không làm. Nhưng cách làm mới phải đúng, tốt để có thể ổn định được trong 5-10 năm tới thì mới đáng làm. Không nên chỉ vì khắc phục một số bất cập của những năm trước mà sinh ra những bất cập mới, sang năm 2018 lại thay đổi tiếp. Đừng ngại thay đổi, hãy mạnh dạn thay đổi nhưng với tính chuyên nghiệp và trách nhiệm cao nhất với học sinh và phụ huynh.
Những năm gần đây, phương án thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng được "chốt" chỉ vài ba tháng trước khi thực hiện, nên 9 tháng còn lại không phải quá thiếu. Theo tôi, trước khi kết thúc tháng 12 năm nay mà Bộ GD&ĐT “chốt” được phương án thi tuyển 2017 thì không phải quá muộn.
Nhưng cần phải rất rõ ràng, sòng phẳng với nhau về các mục tiêu thay đổi. Có cần tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cả nước vẫn phải đạt 97%-99% như trong các năm qua không? Nếu vẫn muốn đạt mục tiêu đó thì cần gì thay đổi?
Có phải để hầu hết trường đại học, cao đẳng vẫn tuyển đủ sinh viên theo chỉ tiêu được duyệt, bất kể chất lượng đầu vào không? Theo tôi, mục tiêu thay đổi thi tuyển phải là hai chữ "chất lượng".
Bộ GD&ĐT chỉ nên thay đổi nếu chúng ta thực sự muốn chất lượng tốt nghiệp phổ thông, chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng được cải thiện. Điều đó đồng nghĩa tỷ lệ đạt tốt nghiệp giáo dục phổ thông sẽ thấp hơn. Đồng thời, không ít trường đại học, cao đẳng có thể sẽ không tuyển đủ sinh viên.
Ở mức độ nhất định, sẽ có phản ứng từ học sinh, phụ huynh và một số trường đại học, cao đẳng. Đây chính là lúc để Bộ GD&ĐT thể hiện bản lĩnh cải cách của mình. Cách làm mới phải dẫn đến kết quả khác tốt hơn, chứ để giữ nguyên kết quả cũ thì thay đổi làm gì?
Nên thay đổi những vấn đề gốc rễ
- Nhiều người băn khoăn thi Đánh giá năng lực 2017 chỉ là cách thay đổi phần ngọn. Theo ông, Bộ GD&ĐT nên có lộ trình đổi mới như thế nào để giáo dục nói chung có sự ổn định lâu dài, chứ không phải thay đổi theo từng năm hay “tư duy nhiệm kỳ”?
- Đây chính là thất vọng lớn nhất của tôi với giáo dục Việt Nam. Thi cử chỉ là phần ngọn, còn các vấn đề gốc rễ hơn nằm ở triết lý giáo dục, kết cấu hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục, ở cách tiếp cận đối với sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy nói chung và trước hết, trên hết là ở chất lượng giáo viên.
Tôi tâm đắc một nền giáo dục mang tính khai phóng, đề cao tính cá thể, sự khác biệt, sáng tạo, trách nhiệm, hơn là việc cào bằng, rập khuôn hay nhồi nhét.
Tôi tâm đắc hơn một nền giáo dục được phân luồng một cách khoa học, nơi "con cá" được tập trung học bơi, được đánh giá theo khả năng bơi và ra trường đi bơi. Nơi "con chim" được tập trung học bay, được đánh giá theo khả năng bay và ra trường đi bay.
Đó không phải nền giáo dục cào bằng kiến thức suốt cả 12 năm, mọi "loài" đều phải học cả bơi và bay, phải thể hiện khả năng cả bơi và bay, rời trường vẫn không biết mình là "cá" hay "chim", kỹ năng nào cũng bị thiếu hụt để có thể thành công.
Trong một thế giới mở về kiến thức tự nhiên, xã hội, tôi cũng tâm đắc nhu cầu xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa, tạo cạnh tranh về sách giáo khoa giữa nhiều nhà xuất bản và người biên soạn sách giáo khoa. Phải có cạnh tranh mọi thứ mới tốt được.
Nếu không thay đổi những vấn đề gốc rễ của giáo dục Việt Nam, chỉ "loay hoay" với chuyện thi cử thì sẽ không cải thiện được gì nhiều về "chất lượng người Việt".
Thi cử chẳng qua để kết luận một con người "đạt" hay "không đạt" sau khi con người đó đã được "nặn" ra qua cả quá trình học tập lâu dài. "Không đạt" thì cũng đã muộn rồi.
Việt Nam nên tuyển sinh giống Singapore
- Ông đánh giá như thế nào về cách thi Đánh giá năng lực theo bài trắc nghiệm của Việt Nam trong dự thảo với những kỳ thi như SAT của Mỹ?
- Cách thi ở ta vẫn là "thi kiến thức các môn học" như lâu nay, có chăng, sự khác biệt chỉ là ở hình thức thi trắc nghiệm (chọn câu trả lời đúng từ nhiều câu trả lời).
Còn SAT của Mỹ kiểm tra tư duy nhiều hơn kiến thức môn học. Kỳ thi này chỉ có phần về toán (58 câu hỏi) là để kiểm tra kiến thức môn học, hai phần khác nhằm đánh giá hai kỹ năng quan trọng của thí sinh là "đọc" gồm 52 câu hỏi và "viết" gồm 44 câu hỏi và 1 bài luận.
Cần lưu ý rằng SAT là tổ chức khảo thí tư nhân hoàn toàn độc lập với Bộ GD&ĐT, phục vụ cho hệ thống tuyển sinh phân tán, do mỗi trường tự thực hiện, trong đó điểm SAT chỉ là một trong nhiều tiêu chí xét tuyển của trường, là điều kiện cần. Thí sinh còn phải đáp ứng nhiều điều kiện đủ ngoài SAT để được tiếp nhận. SAT mỗi năm tổ chức tới 7 đợt thi, chứ không phải chỉ một đợt như ở nước ta.
Cách tuyển sinh phân tán sử dụng SAT hoặc ACT ở Mỹ là rất khác biệt, không khả thi trong điều kiện Việt Nam. Nếu muốn theo, nên có một đề án, lộ trình, thời gian chuẩn bị khoảng 5 năm, không thể áp dụng "đánh rụp" ngay trong năm sau được.
Tôi thấy cách thi ở nước ta giống cách thi theo môn trong hệ thống giáo dục theo kiểu Anh hơn (các nước như Anh, Australia, Singapore...). Nhưng cách tuyển sinh thì không giống họ. Cá nhân tôi nghĩ đây là hướng đi khả thi hơn cho giáo dục Việt Nam trong thời gian trước mắt, trước khi nghĩ đến cách thi và tuyển sinh phức tạp hơn như ở Mỹ.
- Nhiều người lo lắng, cách thi này sẽ khiến các trường đại học không tuyển được người giỏi, có lợi cho những học sinh “nhàng nhàng”. Quan điểm của ông về mức độ khả thi của những bài thi tổ hợp?
- Tôi không có cơ sở để kết luận như vậy. Đến thời điểm này, cách tuyển sinh cho năm sau vẫn chưa rõ. Nhưng điều đáng quan tâm trong dự thảo là bài thi Khoa học (Tự nhiên hoặc Xã hội) dự kiến có 60 câu hỏi cho 3 môn, mỗi môn có 20 câu và thí sinh không cần phải trả lời cho cả 3 môn. Tôi nghĩ một số trường có chuyên khoa về Lý, Hóa, Sinh rất khó có thể sử dụng kết quả trả lời của chỉ 20 câu hỏi để tuyển sinh.
Quay về tuyển sinh năm 2016, tôi thấy việc các trường công bố điểm xét đầu vào rồi đến khi không tuyển sinh đủ lại hạ điểm rất lộn xộn. Ở Singapore không thể có cách làm như vậy.
Singapore xét tuyển tập trung, theo đó, mỗi trường quyết định các tiêu chuẩn tuyển sinh của mình và tự chịu trách nhiệm. Không có chuyện khi thấy không tuyển sinh đủ theo các tiêu chuẩn đã công bố thì "hạ giá" để "chôm lại" thí sinh trúng tuyển trường khác.
Để ổn định tuyển sinh, hai điều kiện quan trọng là sự nghiêm túc của mỗi thí sinh trong việc đăng ký các nguyện vọng trường - ngành (bao gồm cả mức độ ưu tiên của mỗi nguyện vọng), và sự nghiêm túc của mỗi trường trong việc đăng ký, công bố các điều kiện tuyển sinh. Các việc phải làm từ phía Bộ GD&ĐT thì rất nhiều.
- Nếu đặt cương vị mình là Bộ trưởng GD&ĐT, ông sẽ quyết định tổ chức thi 2017 ra sao?
- Nếu không ai đánh thuế từ "nếu" thì trong khoảng thời gian 5-10 năm tới, tôi sẽ chọn cách thi theo các môn học độc lập, tuyển sinh theo cách của Singapore (về cơ bản giống với Anh, Australia). Kiểu dùng SAT, ACT như ở Mỹ có thể tính cho tương lai 5-10 năm sau. Tôi không thích sáng tạo lại những thứ tốt mà thiên hạ đã nghĩ ra.
Cần phải nói rõ tôi không không hề là chuyên gia giáo dục. Tôi là khách hàng của giáo dục, sử dụng dịch vụ của ngành giáo dục và trả tiền. Nếu ngành giáo dục coi khách hàng là “thượng đế” thì nên cầu thị lắng nghe, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục Việt Nam từ tiểu học đến bậc tiến sĩ đều đang có chất lượng và thứ hạng so sánh với thế giới rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Tôi không chỉ biết về giáo dục Việt Nam khi các con chúng tôi còn theo học ở đây, mà sau này còn học ở Singapore, Anh, Mỹ. Tôi hiểu khá hiểu nền giáo dục của các nước này, tìm đọc và tự nghiên cứu về giáo dục khá nhiều. |
Tác giả bài viết: Quyên Quyên
Nguồn tin: