Giải trí

'Sầu nữ' Út Bạch Lan - nhành lan trắng mãi tỏa hương

Khởi nghiệp là người hát rong, gần 70 năm trọn tình yêu cải lương, vọng cổ, nữ nghệ sĩ không màng danh lợi, lặng lẽ cống hiến cho nghệ thuật cổ truyền dân tộc.

Nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan qua đời

70 năm vang danh giọng ca sầu nữ

Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan sinh năm 1935 ở Sài Gòn, còn cha bà quê gốc Long An. Gia cảnh nghèo khó, cha mất sớm đã đưa đẩy bà và mẹ sống đời làm thuê vất vả ở khu vực Chợ Lớn Mới, Sài Gòn ngày trước.

Thời đó, mẹ con bé Út gặp gỡ mẹ con nghệ sĩ guitar Văn Vĩ. Đồng cảnh ngộ cuộc sống bần hàn, hai bà mẹ kết nghĩa chị em. Bị mù từ nhỏ nhưng Văn Vĩ mê đàn guitar nên đã học và đàn rất giỏi. Văn Vĩ và Út Bạch Lan tạo thành đôi anh em cùng nhau trau dồi giọng hát, tiếng đàn. Khi Út Bạch Lan khoảng 11 tuổi, Văn Vĩ lên 15, cả hai đi hát dạo, hát đám cưới kiếm tiền lo cho mẹ. Hai mảnh đời cơ cực ấy đã in dấu chân rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn xưa như khu vực Chợ Lớn Mới, Chợ Lớn cũ, Chợ Bến Thành... mang tiếng hát đến cho đời để đổi lấy miếng cơm.

Giọng ca trong thanh, nỉ non, mùi mẫn của bé Út hát dạo mau chóng được khán giả chú ý và đến tai cô Năm Cần Thơ - một nghệ sĩ cải lương vang danh thời bấy giờ. Cô Năm đã tìm đến và mời Út Bạch Lan, Thành Được biểu diễn ở đài phát thanh Pháp Á.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan (1935-2016).


Từ cơ duyên đầu đời, bé Út hát rong dần bước chân vào con đường trở thành nghệ sĩ cải lương. Út Bạch Lan thuộc thế hệ nghệ sĩ cải lương sau danh ca Phùng Há, Ba Vân, cùng lứa với Thành Được, Hữu Phước, Hùng Cường và là đàn chị của dàn nghệ sĩ như Dũng Thanh Lâm, Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng... Từ năm 1955 đến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, giữa bầu trời đầy ngôi sao của nghệ thuật cải lương, Út Bạch Lan nổi lên với phong cách riêng biệt. Chỉ cần bà cất tiếng, khán giả biết ngay đó là Út Bạch Lan.

Chất giọng ấy đặc sệt âm sắc miền Tây, như chở nặng nỗi sầu buồn thấm thía, mênh mông của những dòng sông, cánh đồng bất tận, của rơm rạ, khói lam chiều, của khô mắm quê nghèo. Giọng hát, lối diễn ấy gợi sâu sắc hình ảnh người thiếu nữ, người mẹ, người bà tảo tần điển hình của miền Tây Nam Bộ. Tiếng hát của bà vang đến những ngóc ngách của mọi miền quê, in đậm một thời vàng son của vọng cổ, cải lương.

Hàng loạt đĩa hát thu trước năm 1975 đưa tiếng ca của bà đi vào lòng khán giả mộ điệu. Ở Út Bạch Lan hội tụ trọn vẹn thanh và sắc của một đào thương. Vẻ đẹp trong sáng của bà mang nét đôn hậu, gần gũi khán giả bình dân lại vừa thanh nhã, cao sang khiến các công tử hào hoa, giới văn nghệ sĩ trí thức thời đó ngưỡng mộ, thầm yêu trộm nhớ.

Video: Dấu ấn giọng ca sầu nữ của Út Bạch Lan


Khán giả và báo chí gọi bà với những cái tên như Nữ hoàng vọng cổ, Đệ nhứt đào thương, Nữ hoàng sầu mộng, "Sầu nữ" Út Bạch Lan, Sầu nữ liêu trai, Vương nữ Sương Chiều… Ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà từng nhận xét: "Sầu nữ Út Bạch Lan có chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng nghìn khán giả mộ điệu cải lương".

Năm 1958, Út Bạch Lan về hát cho đoàn Kim Chưởng với nghệ sĩ Thành Được. Các vở diễn Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... có sự tham gia của bà khiến người xem nức lòng. Đôi nghệ sĩ tạo nên thành công vang dội cho Kim Chưởng.


Năm 1961, Út Bạch Lan lập đoàn hát lấy tên Út Bạch Lan - Thành Được tiếp tục chinh phục người xem qua hàng loạt tác phẩm Trảm mã trà, Đêm huyền diệu, Chân trời hạnh phúc, Khi rừng mới sang thu, Bốn mùa hoa nở, Bao giờ vườn sứ mưa hoa, Tìm suối tiên, Cuối đường hoa mộng, Thuyền về bến Ngự... Đầu năm 1962, đôi nghệ sĩ nổi tiếng về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và tiếp tục gây "sốt" qua các vở Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bọt biển, Chuyện tình 17, Tình Xuân muôn tuổi, Rồi 30 năm sau, Giấc mộng giữa hoàng lăng...

Sau năm 1975, bà vẫn miệt mài đi hát ở các sân khấu tại Sài Gòn, ở tỉnh. Út Bạch Lan đã gắn bó với nghề hát gần 70 năm, nếu tính từ những ngày bé hát rong đến khi trở thành mỹ nhân bước chân vào "thánh đường" sân khấu ở giai đoạn hoàng kim và giữ lửa nghề đến khi trút hơi thở cuối cùng vào đầu tháng 11 năm nay. Bà không chỉ là một trong những chứng nhân cho giai đoạn thăng trầm của bộ môn nghệ thuật cải lương mà còn là nhân tố quan trọng góp phần tạo diện mạo của bộ môn nghệ thuật này.

Hồng nhan bạc phận

Cuộc đời tình duyên lận đận của "sầu nữ" dường như được gói ghém trong bài vọng cổ Hoa lan trắng do soạn giả Viễn Châu viết tặng bà. "Theo thời gian và trải qua dòng đời thăng trầm, Dưới ánh đèn đêm trọn đời tôi đóng vai sầu nữ, suốt kiếp làm kẻ tiễn đưa bằng lời ca dang dở mộng ban đầu" - lời ca trong bài vọng cổ đã nói lên tâm tư của nữ nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan chụp năm 1960. Ảnh tư liệu của Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu.


Út Bạch Lan nổi tiếng với tình yêu và cuộc hôn nhân với nghệ sĩ cải lương Thành Được. Năm 1961, khi cùng hoạt động ở đoàn Kim Chưởng, cả hai se duyên vợ chồng. Cố soạn giả Viễn Châu từng chia sẻ đó là một đám cưới long trọng, đàng trai do nghệ sĩ Phùng Há chủ hôn, còn đàng gái đại diện là bà bầu Kim Chưởng. Nhưng vốn là một kép hát đào hoa, Thành Được có nhiều bóng hồng vây quanh. Khoảng năm 1964, bà và Thành Được chia tay. Câu chuyện bà nén nỗi đau đàn bà để nhận nuôi các con riêng của chồng thường được người trong giới, khán giả kể lại với sự kính trọng dành cho người vợ hiền lành, nhẫn nhịn.

Nghệ sĩ không màng danh hiệu, sống thanh bần đến cuối đời

Tháng 7/2015, khi đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân (NSND) lần thứ tám đang diễn ra, nghệ sĩ Kim Cương lên tiếng với các cơ quan chức năng về việc xin đặc cách cho Út Bạch Lan nhận danh hiệu này. Lúc đó, nữ nghệ sĩ gạo cội chia sẻ với VnExpress: "Tôi tự thấy mình cao tuổi, không còn làm được gì nhiều cho sân khấu, chỉ biết đóng góp những việc trong khả năng. Vì vậy, tôi không dám viết đơn xin danh hiệu".

Nghệ sĩ Út Bạch Lan trước căn hộ nhỏ của bà trong một chung cư cũ ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Bà sống cùng con nuôi và các cháu. Căn hộ nhỏ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nữ nghệ sĩ cho biết bà hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Ảnh: Thoại Hà.


Nghệ sĩ Út Bạch Lan vào năm 2015 trước căn hộ nhỏ của bà trong chung cư cũ ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Ở tuổi già, không con ruột, bà vui vầy bên con nuôi, các cháu. Ảnh: Thoại Hà.
Hàng chục năm qua, bà quy y nhà phật, ăn chay trường, sống thanh đạm, thường xuyên đi hát từ thiện, hát chùa để giúp những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh. Cách sống hiền lành và đức độ của Út Bạch Lan luôn làm các nghệ sĩ cùng thời lẫn thế hệ trẻ nể phục, kính yêu.

""Bao nhiêu mưa gió ngập trời, hỏi ai còn nhớ một người tên Lan" (tác phẩm Hoa lan trắng, soạn giả Viễn Châu). Khi bà mất, câu hỏi ấy đã có lời đáp bởi nhiều thế hệ khán giả, các thế hệ nghệ sĩ luôn nhớ về một "Má Út", "ngoại Út", Út Bạch Lan vang danh "sầu nữ" như nhành lan trắng mãi ngát hương trong vườn hoa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan qua đời khuya 4/11 tại nhà riêng ở TP HCM sau thời gian điều trị bệnh ung thư gan, hưởng thọ 81 tuổi. Linh cữu được quàn tại chùa Ấn Quang, phường 9, quận 10. Lễ động quan lúc 7h sáng ngày 8/11 sau đó linh cữu được hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.

Tác giả bài viết: Thoại Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP