Cuộc sống

'Lương nghìn đô lại biếu nhà chồng mấy đồng bạc lẻ'

Mẹ chồng tôi bảo với cô rằng, tôi coi bà như trẻ con. Bà nói: “Nó giàu có chứ nghèo hèn gì đâu. Lương tháng nó đến cả nghìn đô mà mừng tuổi mẹ mấy đồng bạc lẻ. Chả lẽ mới đầu năm mới, tôi lại ném ra sân”.

Thời chưa có gia đình, tôi cũng mong ngóng Tết như những đứa trẻ. Đến khi lấy chồng tôi mới thấy ngày Tết không còn là nỗi háo hức...

Tôi năm nay 26 tuổi, quê ở Thái Bình, lấy chồng ở tỉnh khác được hơn một năm. Tết năm ngoái, tôi là dâu mới, hai quê cách nhau không quá xa nên tôi cứ nghĩ phong tục tập quán quê anh không khác quê tôi là bao.

Tôi cứ mua sắm, chuẩn bị Tết nhất cho nhà chồng giống như nhà mình, việc mừng tuổi cũng không ngoại lệ. Thấy mẹ chồng đã già, bà lại hay đi lễ chùa, tôi đổi một cọc tiền 2 nghìn mới tinh và một cọc tiền 10 nghìn để mừng tuổi các cháu.

Đêm giao thừa, cả nhà chồng tôi quây quần bên nhau. Khi chuông đồng vừa điểm 12h, bố chồng tôi và tất cả mọi người đứng dậy, tiến đến bàn thờ tổ tiên để thắp hương, mong một năm mới thuận hòa.

Thắp hương xong, bố chồng tôi quay lại phía các con, các cháu và rút tiền mừng tuổi. Ông mừng tuổi cho các con, cháu mỗi người một tờ 50 nghìn.

lixi

Sau đó, lần lượt từ anh trai cả, chị dâu cả đến gia đình anh chồng thứ hai, thứ 3 mừng tuổi bố mẹ. Các anh chị đều giàu có nên mỗi người mừng tiền triệu. Anh trai cả còn mừng cả cọc tiền 100 nghìn.

Vợ chồng tôi là út, kinh tế chưa dư giả nên chồng tôi ủy quyền cho tôi thay mặt cho gia đình nhỏ mừng tuổi bố mẹ, anh chị và các cháu. Vì thế, tôi cũng mừng tuổi bố chồng một tờ 500 nghìn và quay sang mừng tuổi mẹ chồng một cọc tiền 2 nghìn mới tinh.



Khi mừng tuổi mẹ chồng, tôi có giải thích: “Biết mẹ hay đi chùa, con đã đổi một ít tiền lẻ để biếu mẹ”. Tôi cho rằng mẹ chồng cũng giống bà nội tôi, đều thích tiền lẻ mới để đi chùa, thế nhưng nhìn cọc tiền 2 nghìn của tôi bà nở nụ cười vô cùng nhạt nhẽo.

Chị dâu của chồng tôi thì vừa cười vừa nói, bảo: “Dâu mới tâm lý quá, biết mẹ chồng hay đi chùa nên biếu cả cọc tiền lẻ”. Chị nói xong, cả nhà tôi cùng cười. Mẹ chồng tôi lại thêm vào: “Năm đầu biếu cọc 2 nghìn, năm sau thì phải to hơn nhé”.

Tôi vâng dạ nhưng mặt đỏ bừng bừng vì ngượng. Tuy nhiên tôi cứ nghĩ mọi chuyện bông đùa chỉ dừng ở đó.

Đến mùng 4 Tết, sau khi từ nhà ngoại trở về, người cô của chồng tôi mời cả nhà tôi đến ăn cơm. Tuy nhiên bố mẹ, các anh chị chồng bận nên chỉ vợ chồng tôi đến đại diện. Tôi đến sớm để giúp cô làm bữa. Trong lúc làm cô chồng mới rỉ tai tôi biết chuyện mẹ tôi không hài lòng vì cọc tiền lẻ tôi biếu bà.

Mẹ chồng tôi bảo với cô rằng, tôi coi bà như trẻ con. Bà nói: “Nó giàu có chứ nghèo hèn gì đâu. Lương tháng nó đến cả nghìn đô mà mừng tuổi mẹ mấy đồng bạc lẻ. Chả lẽ mới đầu năm mới, tôi lại ném ra sân”.

Tôi nghe lại chuyện mà nghẹn lòng. Ý tốt của tôi mà mẹ chồng tôi coi là trò con trẻ. Đúng là vợ chồng tôi làm việc ở Hà Nội, lương tôi được trả 1 nghìn đô nhưng vợ chồng tôi chưa có nhà cửa. Chồng tôi cũng chỉ là viên chức bình thường với đồng lương hơn 5 triệu/tháng.

Tết nhất tôi sắm toàn bộ bánh kẹo, giò chả, đồ ăn đặc sản và còn mang về biếu bố mẹ chồng 5 triệu. Tôi mừng tuổi bố 500 nghìn và mừng tuổi mẹ một cọc 2 nghìn. Tôi cũng mừng tuổi cho trẻ con gần hết cọc tiền 10 nghìn. Như vậy tổng cộng các khoản tiền cũng đã ngót nghét 10 triệu bạc.

Thế mà mẹ chồng tôi vẫn không hài lòng. Bà so sánh tôi với các anh chị. Trong khi các anh chị ấy đều thành đạt và giàu có…

Vì thế, từ tâm lý coi bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ, tự nhiên tôi bắt đầu cảm nhận được ranh giới giữa mẹ chồng nàng dâu. Chắc Tết năm nay, tôi sẽ không dại gì đổi tiền mừng tuổi bà nữa…

Tác giả bài viết: Lê Hà (Hà Nội)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP