Giải trí

'Hoa hậu Phương Nga và đại gia đều không đáng được bênh vực'

Qua cách ứng xử của hoa hậu Phương Nga và đại gia tên Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái nhận định mối quan hệ này là vụ lợi, một bên vì sắc, một bên vì tiền và không có tình yêu.

Đường cong nóng bỏng của hoa hậu bị tố lừa đảo Phương Nga
Lý lịch ít ai biết về Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga

Nụ cười bí hiểm của Phương Nga tại tòa và lời khai “chấn động" ở phút 89
'Hợp đồng tình ái' hoa hậu Phương Nga: Đang khôi phục email
Vụ Hoa hậu Phương Nga: “Hợp đồng tình cảm” là một hình thức mua bán dâm
Vụ Hoa hậu bị tố lừa 16,5 tỷ: Vị đại gia nói gì?
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga nhận 16,5 tỷ đồng là “tình phí”?
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga hầu tòa

Liên quan đến những tình tiết mới phát sinh trong phiên xử sơ thẩm hoa hậu Trương Hồ Phương Nga - một người hoạt động trong lĩnh vực giải trí nhưng bị cáo buộc lừa đảo tài sản - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái gửi đến Zing.vn bài viết thể hiện quan điểm của bà dưới góc nhìn của một nhà phê bình văn hóa - nghệ thuật.

Nụ cười của “người chủ động”

Nhìn nhận vụ việc của hoa hậu Phương Nga dưới góc độ tâm lý - văn hóa, có lẽ nên bắt đầu từ nụ cười của cô tại phiên tòa mới nhất - cái mà dư luận đang “sôi sục” vì cho rằng “bí hiếm”. Thế nhưng, tôi lại thấy nụ cười này không huyền bí như người ta đồn đoán.

Đó chẳng qua là một nụ cười của người ý thức được giá trị của bản thân mình. Nói cách khác, đó là nụ cười chủ động của một người đang vướng vào vòng lao lý. Tại sao Phương Nga cười ư? Vì cô biết mình đã làm gì, kế hoạch của mình ra sao và sắc đẹp của mình có giá trị thế nào!

Có thế nói, nụ cười của Phương Nga đã được biểu thị như một hành vi duy lý; rất khác với những hành vi duy cảm thường thấy của phụ nữ trong trường hợp này, đó là sợ hãi, thụ động, hoang mang, thậm chí sụp đổ.

Những biểu hiện của Phương Nga tại phiên tòa chứng tỏ cô không phải người thụ động. Hơn ai hết, Hoa hậu người Việt tại Nga hiểu được giá trị của 16.5 tỷ, một số tiền không nhỏ - cái mà cô đã có được. Thậm chí, có thể Phương Nga còn nghĩ rằng mình có khả năng điều chỉnh được diễn biến phiên tòa, khi sẵn sàng thay đổi toàn bộ lời khai, bằng một thái độ tự tin hiếm có.

Nếu để ý kỹ, mọi người sẽ thấy thần thái của Phương Nga không mấy thay đổi. Cô vẫn tỏ ra mình là một người phụ nữ đẹp dù không son phấn, lụa là. Hoa hậu giữ gương mặt lạnh lùng và thái đội tự tin trước vành móng ngựa - điều mà không phải ai vướng vào vòng lao lý cũng làm được.

Sự chủ động và tự tin của Phương Nga, nếu không phải ở tòa án, mà ở một cuộc thi hoa hậu thì thái độ ấy quả là đáng khen ngợi. Nhưng tiếc thay, cá tính đó lại hoàn toàn lệch hướng và không phù hợp trong hoàn cảnh này.

Hoa hậu càng tỏ ra không sợ ai, cô càng chứng tỏ mình là người liên can. Tất nhiên, pháp luật luôn sòng phẳng, và kết luận cuối cùng ai đúng ai sai, sẽ thuộc về tòa án.

Hoa hậu Phương Nga trọng vụ xét xét xử ngày 21/7. Ảnh: Thanh Long.


Quan hệ "tiền trao cháo múc"

Theo dõi vụ việc này từ đầu trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy dư luận đang có sự thay đổi đến mức “ngỡ ngàng” thái độ đánh giá của mình. Trước đây, họ chỉ trích Phương Nga vì lừa đảo còn giờ họ lại nhận xét vị đại gia kia như một kẻ tồi tệ trong cách ứng xử.

Thế nhưng, trong câu chuyện đại gia - hoa hậu này, không ai là người đáng được bênh vực. Thực chất cả hai bên đều muốn bảo vệ quyền lợi của mình, ra sức bóc mẽ nhau bằng những đòn hiểm ác, đúng như dân gian bình luận “kẻ cắp lại gặp bà già”, “mạt cưa cùng phường với mướp đắng”.

Cả hai đều thiếu tử tế trong cách ứng xử và đó cũng là bi kịch mà họ gặp phải. Vị đại gia chỉ muốn mua và sử dụng hoa hậu như “nô lệ tình dục”, còn người đẹp lại không biết cư xử tử tế với chính mình, đồng ý bán mình với rất nhiều tiền.

Tất nhiên, nếu Phương Nga và ông Mỹ tự giải quyết với nhau thì chẳng có chuyện gì đáng bàn. Nhưng hai người đã mang nhau ra tòa và cách ứng xử kém cỏi của họ bị phơi bày trong sự phán xét, thị phi của dư luận xã hội.

Câu chuyện giữa hoa hậu Phương Nga và ông Mỹ là minh chứng cho thấy mối quan hệ “người đẹp - đại gia” đang là một “mốt” trong xã hội. Những người đàn ông giàu có thường chọn những người phụ nữ có nhan sắc để lấy làm vợ hoặc nhân tình. Còn người đẹp cũng thường chọn cách dựa dẫm vào “đấng mày râu” lắm tiền, nhiều của để được đảm bảo về vật chất.

Tôi chưa thấy một hoa hậu nào ở Việt Nam lấy người nghèo, “khố rách áo ôm”. Tất nhiên, chẳng ai có quyền cấm họ, vì “nồi tròn thì úp vung tròn”, trai tài đi với gái đẹp cũng là lẽ thường. Nhưng câu chuyện của Phương Nga và ông Mỹ, thực chất là họ không hề yêu nhau. Đơn giản, đó chỉ là quan hệ vụ lợi, kẻ vì sắc, người vì tiền.

Nếu ông Mỹ yêu hoa hậu Phương Nga thật lòng thì đừng nói 16,5 tỷ mà đến trăm tỷ, vị đại gia cũng không tiếc. Còn nếu hoa hậu yêu ông Mỹ chân thành thì cũng sẽ không có chuyện cố gắng chiếm đoạt cho bằng được số tiền lớn thông qua một “hợp đồng tình cảm” như cô khai nhận. Một mối quan hệ hoàn toàn vụ lợi, ắt sẽ dẫn đến cái kết bẽ bàng.

Phương Nga đăng quang Hoa hậu người Việt tại Nga, sau đó cô chuyển về Việt Nam làm MC, đóng phim.


Người đẹp cần học phương pháp tư duy về cái đẹp

Phương Nga không phải là hoa hậu Việt đầu tiên bước vào vòng lao lý, càng không phải là người cuối cùng. Chừng nào người đẹp còn không biết trân trọng danh hiệu và giá trị của bản thân mình thì những vụ việc tương tự còn xảy ra.

Không muốn lao động nhưng lại dư thừa nhu cầu hưởng thụ thì sẽ thành những “món mồi” không hơn, không kém của những người mang danh “đại gia” nhưng háo sắc.

Một hoa hậu cần phải hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của nhan sắc, tâm hồn và trí tuệ. Nếu không học phương pháp tư duy để đạt được những yêu cầu đó, người đẹp khó có thể tử tế khẳng định được bản thân.

Đội trên đầu vương miện cao quý mà coi việc gắn bó với đại gia như một mô hình để tiến thân, sớm hay muộn cũng phải trả giả đắt.

Qua cách ứng xử khác nhau của các hoa hậu trong những tình huống và thử thách khắc nghiệt mà họ phải đối đầu; chúng ta càng thấy rõ phương pháp tư duy về cái đẹp là câu trả lời chính xác nhất cho thái độ tử tế của một hoa hậu trong cách ứng xử với cộng đồng và các mối quan hệ trong xã hội.

PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái hiện là giảng viên báo chí của Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Trưởng ban Lý luận phê bình sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Ảnh: Anh Đức.

Tác giả bài viết: PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP