Giáo dục

'Điểm số của con không nói lên điều gì'

Theo TS Vũ Thu Hương, điểm số không nói lên tất cả, quan trọng là tính cách và sự trải nghiệm của con. Nhiều cha mẹ Việt bao bọc quá mức khiến con không thể lớn khôn.

Con gái của tôi đã lớn, có thể tự lo mọi việc cho mình. Việc con mang điện thoại theo người giờ cũng không còn quá cần thiết vì cháu đã thực sự tự chủ.

Vậy nhưng, đến lúc chạm ngưỡng 16 tuổi, tưởng đã quá yên tâm về con, tôi lại lấn cấn khi phát hiện cháu rất bảo thủ, ít lắng nghe lời khuyên của ai. Con sẽ chỉ thay đổi khi đã phải trả giá.

Lớn rồi, sự trả giá cũng lớn dần lên. Là người mẹ, tôi không thể không xót xa. Tôi đương nhiên muốn tránh cho con những vụ việc hoàn toàn có thể tránh được.

Ngoài ra, tôi còn thấy con hay bao biện cho lỗi lầm của mình. Thỉnh thoảng, khi không giải quyết được, con lại ăn vạ, làm mình làm mẩy.

Việc học tập của con từ xưa đến nay vẫn do cháu tự làm. Nhưng, con có vẻ hơi ảo tưởng sức mạnh nên không chịu cố gắng. Con chỉ làm hết trách nhiệm, dù điểm số không thấp. Cháu chưa cố gắng. Tôi lo lắng vì tìm nhiều cách mà chưa thấy hiệu quả.

Theo TS Hương, tính cách và sự trải nghiệm của con sẽ dẫn đến thành công. Ảnh: Mạnh Thắng.


Hè năm vừa rồi, tôi bàn với chồng và quyết định cho con nghỉ học một năm để thay đổi tính cách, trước khi quan tâm việc khác. Tôi không quá quan trọng vấn đề điểm số, thành tích học tập, con sẽ phải đỗ vào trường nào, ngành nào…

Tôi và bố cháu nhắc đến thời đại học, khi cả 2 cùng một lớp. Đó không phải nơi mơ ước của mọi người. Thậm chí, không ít bạn trẻ nghĩ vào đó rất dễ, nếu muốn đỗ đại học thì cứ thi. Đó chính là khoa Địa lý – Địa chất thuộc ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Lớp học của chúng tôi có hơn 40 bạn. Tôi là một trong những đứa trẻ nhất của lớp vì thi đỗ ngay trong năm đầu, nhiều bạn trượt đại học một số năm. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm tốt nghiệp nhìn lại, tôi không nghĩ việc cứ đỗ đại học năm đầu sẽ thành công.

Với suy nghĩ như trên, vợ chồng tôi thống nhất: Nếu cần sẽ cho con nghỉ học một năm, thử làm công việc nào đó tự kiếm sống cho hiểu mọi việc. Nhưng may mắn, mọi việc tiến triển tốt hơn nhờ chuyến đi châu Âu của 2 mẹ con.

Sang châu Âu, chơi với lũ trẻ bằng tuổi bên đó, con tôi bị chê như trẻ 12 tuổi. Các bé nói rất rõ: Ăn vạ là việc của đám 12 tuổi, 16 tuổi không còn lý do gì để ăn vạ nữa. 16 tuổi phải lo lắng cho đời mình, tự quyết mọi việc trong đời.

Khó khăn thì ai cũng có nhưng phải vượt qua chứ ăn vạ thì làm được gì. Đám trẻ đưa ra ví dụ những người bị bệnh nặng, cuộc đời bất hạnh như vậy nhưng họ kêu ca ai đây? Chắc chắn chỉ còn một cách duy nhất là vượt qua khó khăn và đứng lên bằng chân của mình.

Đám trẻ chia sẻ những hiểu biết của chúng với con gái tôi và cô nàng chợt hiểu rằng: Ở Việt Nam, các bạn đều không học hành và trải nghiệm nhiều điều ngoài làm bài tập nên lượng kiến thức các con có sau khi tốt nghiệp vô cùng ít. Nếu muốn sang nước ngoài để hòa nhập và sống tốt, con cần trau dồi kiến thức của mình nhiều hơn nữa.

Con được gặp những bạn trẻ (không phải ở Anh) thi IELTS đạt điểm gần 8,5 và trên 9 điểm mà mặt tỉnh bơ nói là chuyện bình thường. Con gặp những người bạn trẻ vừa tốt nghiệp cấp 3 ngồi giảng giải về những căn bệnh, các cách xét nghiệm, những cách xử lý bệnh, phòng bệnh… như bác sĩ.

Cũng chính những bạn nhỏ đó giải thích cho con cặn kẽ về lịch sử cổ đại của toàn thế giới, về cả cuộc thế chiến thứ 2 và những ảnh hưởng của nó đến chiến tranh Việt Nam - đất nước ở quá xa họ….

Gần như, con bé đã gặp một thế giới khác, một thế giới của những người trưởng thành thật sự, hiểu biết thật sự.

Cú sốc này khiến con gái tôi thay đổi hoàn toàn.

Về Việt Nam gần một tháng, cháu đến Thư viện Quốc gia đều đặn các buổi chiều. Con tự chủ làm mọi việc, cố gắng giải quyết mọi khó khăn. Giờ, con không còn bao biện khi có lỗi lầm, biết nhận sai và sửa chữa.

Thực ra, trong môi trường các bạn trẻ được nuông chiều kỹ, được cha mẹ chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ, đám trẻ sẽ rất khó trưởng thành.

Tôi vốn thả con ra môi trường từ rất sớm nhưng con vẫn học theo bạn bè, đòi hỏi, sách nhiễu cha mẹ, ăn vạ khi cần thiết. Điều này không tốt gì cho con và rõ ràng là khoảng cách kiến thức giữa trẻ em Việt và thế giới ở rất xa. Nếu cứ sống kiểu này, trẻ chẳng bao giờ tiến bộ.

Chăm chỉ làm bài tập để điểm số ở trường lớp cao không bao giờ thể hiện điều gì. Tôi mong cha mẹ hãy quan tâm tính cách của con nhiều hơn, vì khi con thay đổi cách suy nghĩ thì hành động sẽ đổi khác.

Tác giả bài viết: TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP