Ngày đó, lúc anh đến là khi chị đang chới với muốn quên đi mối tình đầu. Chị gặp anh, người đàn ông nói chuyện dí dỏm nên có cảm tình ngay từ lần gặp đầu tiên. Hơn 3 tháng sau, anh ngỏ lời hẹn hò và nhận được sự đồng ý từ chị. Kể từ ngày đó, anh trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của chị.
4 năm yêu nhau là quãng thời gian chị không bao giờ có thể quên. Anh chăm lo cho chị từng tí một, từ bữa ăn, giấc ngủ. Những khi chị buồn, anh đều có mặt đúng lúc. Đặc biệt ngày đó, anh chưa từng mắng mỏ chị dù chỉ một lần.
Chị ra trường có công việc ổn định. Tuy nhiên, công việc tốt, vẻ ngoài xinh đẹp cũng chưa đủ điều kiện thuyết phục gia đình anh đồng ý để hai người đến bên nhau. Họ phản đối vì gia cảnh chị ở quê quá nghèo. Chưa kể nhà chị đông anh em, họ sợ anh lấy vợ nghèo, đông con lại phải nai lưng gánh trách nhiệm. Nói đúng hơn trong tâm niệm, bố mẹ anh luôn muốn con mình lấy một người giàu có.
Dù thế, anh vẫn bảo vệ tình yêu 4 năm của mình hết lòng. Anh tuyên bố, không lấy chị, cả đời anh sẽ sống một mình. Còn chị chỉ biết nước mắt ngắn dài. Chị cảm thấy chênh vênh, hụt hẫng.
Rồi mọi sóng gió tạm lắng, hơn 1 năm sau đó, bố mẹ anh đành xuống nước cho anh chị cưới nhau. Và mấy tháng sau ngày cưới chị mang bầu con gái đầu lòng.
Khi yêu anh rất lãng mạn (Ảnh minh họa).
Cũng từ ngày có được chị, anh bắt đầu thay đổi. Bố mẹ anh dù đã nhận chị làm dâu, nhưng trong tâm khảm vẫn luôn tìm mọi cách để khiến anh hối hận về quyết định của mình.
Có lẽ, người ta nói sau đám cưới, tình yêu cũng chết mòn theo năm tháng. Cuộc hôn nhân của anh chị cũng gần đúng với câu nói đó. Sau 4 năm kết hôn, giờ đây anh chị sống với nhau gần như chỉ còn là trách nhiệm, vì con cái mà thôi.
Đầu tiên phải nói tới anh-em (nội, ngoại) trong gia đình anh, có rất nhiều người lấy vợ cùng năm với anh. Họ không giống anh vì chọn những cô vợ giàu có. Và kết quả sau hôn nhân, anh-em anh đều có nhà Hà Nội do bố mẹ vợ mua cho, người không có nhà thì có xe. Chính điều đó khiến bố mẹ anh tức lắm, suốt ngày đưa chị ra so sánh "dâu giàu", "dâu nghèo".
Anh mới đầu còn tặc lưỡi bỏ qua, nhưng lâu dần, anh bị tư tưởng “trọng giàu” của bố mẹ làm cho lung lay. Từ chỗ tôn thờ, sống chết có được chị, anh quay ra hắt hủi, coi thường.
Nhiều khi anh thấy chị lôi thôi, lếch thếch, thấy gia đình vợ toàn người nhà quê, nói năng bỗ bã, anh vò đầu bứt tai: “Sao ngày xưa tôi có thể lấy cô vợ chân ngắn lại nghèo kiết xác như thế nhỉ?”.
Mỗi ngày ra ngoài tiếp xúc với người giàu, anh càng cảm thấy chán chường. Anh hối hận sao trước đây không lấy cô A xấu một chút nhưng lại có họ hàng làm trên tổng ngân hàng lớn. Có phải về đó, giờ anh đỡ vất vả hơn không?
Có lần mẹ vợ ra, chở mẹ vợ quê mùa, gầy guộc đi chơi, anh còn mỉa mai: “Xưa kia có cô con gái ông hiệu trưởng yêu con, bảo con về đó làm, con không lấy đấy”, "Con ngày xưa chỉ toàn mấy tiểu thư con nhà giàu mê thôi. Nếu lấy họ giờ đây chắc đời con khác rồi"... Anh chẳng để ý, mẹ vợ nước mắt rơi từ lúc nào rồi. Anh kệ, bà thích nghĩ gì thì nghĩ.
Trong cuộc sống thường ngày, anh luôn đem chuyện tiền nong, kinh tế ra chèn ép chị. Nhiều lúc, anh nói những câu hờ hững như “Nhà em không có tiền mua nhà, coi như em không có tiếng nói trong gia đình này. Em đang ở nhà anh đấy”.
Chưa kể đi làm về muộn, vợ gọi anh lúc nào cũng chì chiết: “Anh đi làm kiếm tiền, em giỏi em tự kiếm đi”, "Đã nghèo còn bày đặt quản lý",...
Biết bao lần, anh khiến chị cảm thấy chơi vơi, hụt hẫng. Anh thậm chí còn chưa một lần lắng nghe chị nói, dù chỉ là một giây phút thôi. Anh luôn sống theo quan điểm của mình. Với anh, chị sau hôn nhân chỉ là con một gia đình nghèo khó, ăn bám chồng, dù chị đã cố gắng bứt phá ra khỏi định kiến đó.
Có khi anh còn gọi điện mắng chị xối xả: “Cô điên à. Cưới rồi còn bày đặt lãng mạn để cạp đất ăn sao?”, "Suốt ngày nhắn với chả tin",... Chị cảm thấy cần một bờ vai, cần một người để yêu thương thấu hiểu cho mình. Nhưng giữa Hà Nội, chỉ mình chị cô đơn lạc lõng, con còn thơ bé, chị biết tỏ lòng cùng ai.
Có lẽ, chị sẽ âm thầm chịu đựng tất cả. Chị sẽ sống cam chịu cả đời vì con cái. Nhưng rồi đợt mới đây, khi vợ chồng chị gom góp mua một căn hộ mới, chị mới rõ anh là con người thế nào.
Rút cuộc anh cũng chỉ là con người ham danh lợi, trọng của cải mà thôi. Anh mua nhà nhưng không thèm trao đổi với chị, chỉ anh và gia đình anh thôi. Anh gạt chị ra khỏi "cuộc chơi" một cách phũ phàng.
Khi chị hỏi anh “Sao anh không nói cho em biết?”, anh trừng mắt: “Nhà này của bố mẹ tôi mua. Cô không có quyền nói ở đây. Bố mẹ cô cũng chẳng góp đồng nào. Thế mới nói có tiền thì mới có tiếng nói”. Chị nghe thế nước mắt dàn dụa.
Chưa kể, bố mẹ vợ ra chơi, anh đối xử chẳng đâu vào đâu, khi nào cũng chăm chăm cho rằng, ông bà đang ra để “kiếm chút tiền tiêu”. Trong mắt anh người nghèo lúc nào cũng chỉ sống vì tiền. Và bố mẹ vợ anh cũng thuộc kiểu người nghèo nên không được chàng rể như anh tôn trọng.
Chị thấy hụt hẫng vô cùng, câu nói “Không có tiền không có tiếng nói” luôn ám ảnh chị. Nó khiến chị không còn chút hào hứng với gia đình anh nữa. Chị biết, càng nói chị càng bị khinh rẻ, càng nói chị càng bị coi thường trong gia đình anh.
Có những lúc anh còn tự hào về bản thân, anh nói với chị “Em may mắn lắm mới lấy được anh đấy. Xinh đẹp để làm gì khi không có tiền hả em?”. Hoặc những câu đại loại như “Em không bao giờ yêu được ai tốt hơn anh đâu”. Chưa kể mẹ anh suốt ngày khen con trai “Cô may mắn lắm mới được làm dâu nhà này đấy”.
Từ ngày chị lỡ miệng nói rằng: “Thì con cũng chọn người có học thức địa vị để yêu mà mẹ. Ai chẳng muốn lấy được người chồng đàng hoàng để con cái mình sướng”, mẹ chồng chị thường xuyên chì chiết “Ý cô là muốn chọn người học thức, địa vị cao hơn con tôi sao? Còn có người nào hơn được nó”.
Đàn bà như cô cho không cũng chẳng ai lấy (Ảnh minh họa).
Anh giờ đã thay đổi, anh chẳng còn hiểu vợ nữa. Anh cũng chẳng quan tâm tới vợ mình khóc hay cười. Với anh chỉ có kiếm tiền. Anh không hay biết rằng, anh đang đẩy vợ mình vào vòng tay của những người đàn ông khác. Họ mơ ước có được một người vợ như vợ anh. Họ cần một người phụ nữ biết lo lắng, chu toàn cho gia đình.
Có anh hàng xóm mới về độc thân, đẹp trai, hiện đang là chủ công ty trang trí nội thất có tiếng. Anh hàng xóm suốt ngày qua nhà chị chơi. Những khi đó, anh luôn đùa “Ông chưa có vợ, tôi tặng ông vợ vụng thối, vụng nát của tôi đấy”.
Những khi đó, anh không hiểu rằng, người hàng xóm đang rất khó chịu. Anh ta cảm thấy anh là người chồng bất lịch sự, không biết trân trọng những gì mình đang có.
Mỗi sáng nhìn thấy chị dậy lo cơm nước, phơi phóng quần áo, anh hàng xóm bỗng cảm thấy thèm một gia đình, một người vợ đảm như thế. Chưa kể, đôi lần nhìn thấy chị khóc, người đàn ông ấy chỉ muốn được làm bờ vai cho người đàn bà như chị dựa dẫm.
Còn chồng chị vẫn mặc kệ, vẫn vắt chân xem ti vi mặc mọi việc nhà cho chị làm một mình. Khi anh hàng xóm sang đùa “Anh không giúp vợ cơm nước sao?”, anh làu bàu “Việc vặt ấy cứ để đàn bà lo”.
Những tin nhắn hỏi han, quan tâm của anh hàng xóm ngày càng nhiều khiến cho chị tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Những khi chồng chị giễu cợt “Cô thích thằng hàng xóm ấy hả, còn lâu nó mới yêu loại đàn bà như cô”, “mẹ sề như cô cho không người ta còn không thèm. Ngồi mơ đi, mơ đi”,… Chị nghe mà ứa nước mắt.
Một ngày khi vợ chồng anh cãi nhau, anh chửi cô không tiếc lời. Khi anh định cho cô mấy cái bạt tai như thường lệ thì anh hàng xóm xuất hiện.
Anh ta nắm lấy cổ tay anh rồi kéo chị về phía mình "Anh nói tặng cô vợ này cho tôi đúng không? Tôi lấy". Nói rồi anh ta kéo chị đi khiến anh mất mặt chưng hửng. Khi anh nói "Nó là vợ tôi, hãy để nó nói". Chị không nói gì trừng mắt nhìn chồng.
Cũng từ hôm đó, anh hàng xóm thể hiện sự quan tâm vợ anh ra mặt khiến anh không khỏi tức mắt, bị tổn thương. Hiện chị đã tuyên bố ly thân. Dù không nói ra, nhưng anh đang cảm thấy cơn sóng ngầm đang cuồn cuộn trong gia đình nhỏ bé của mình.
Nhìn thấy vợ ngày càng xinh đẹp, trẻ trung, anh bỗng thấy sợ mất vợ hơn bao giờ hết. Bây giờ anh mới thấm thía câu "Đàn ông khôn đừng dại dâng vợ mình cho kẻ khác", hay "Đàn ông khôn đừng biến vợ mình thành báu vật của kẻ khác" là hoàn toàn đúng.
Tác giả bài viết: Thu Hoài