Nhân ái

Xót xa nhìn bé 3 tuổi mang nỗi đau phì đại chân tay

Nắng rát da, Trương Thị Danh đang bán quần áo thuê ở ngã ba Săng Lẻ, huyện Quỳ Hợp, đành xin phép chủ hàng bỏ dở buổi bán chạy về nhà ngay khi bố chồng í ới qua điện thoại. Con trai Danh, cháu Trương Công Minh, thiếu ít ngày nữa là tròn 3 tuổi, sốt li bì quấy khóc kêu đòi mẹ không ngừng.

Đau đớn nhìn bé 3 tuổi bị bệnh chân voi.


Danh về nhà, xóm Đò, xã Thọ Hợp, vào đến sân là đờ đẫn ôm con, trời nóng hầm hập, mồ hôi rịn ra ướt đẫm cả tấm áo khoác nắng cũ. Vậy là lại bỏ mất một ngày đi bán, mấy chục ngàn mỗi ngày chủ trả coi như hôm nay không có, Danh bần thần ôm con ngồi bệt xuống thềm nhà.

Dăm bữa nửa tháng, Danh lại bị kêu về như vậy. Từ khi Minh ra đời, Danh chưa có một ngày hết lo chuyện nóng sốt ăn ngủ của con. Dẫu việc con trẻ quấy khóc trong năm tháng đầu đời không phải là chuyện lạ, nhưng ở trường hợp của Minh, chứng bệnh hiếm gặp phồng xẹp bất thường trên thân thể khiến cháu thành nên kỳ quái.

1qh1 1476596299335
Chính vì mang căn bệnh chân voi, nên cháu Minh thường nằm nhiều hơn đi.

2qh9 1476596299193
Bàn tay phải cháu Minh cũng lớn lên bất thường.

Danh năm nay 26 tuổi, “lùn” và có phần đen đúa, rất đặc trưng của kiểu phụ nữ miền núi, lại là kiểu nghèo khó được “di truyền” nhiều đời. Chồng của Danh, Trương Văn Quang, sinh năm 91 thua vợ 1 tuổi. Không chỉ tuổi tác hơn chồng, trong nhà, việc gì Danh cũng phải cố để “khôn” hơn chồng một chút. Quang dường như vẫn đang tuổi mới lớn chưa biết lo toan gánh vác việc đàn ông. Vẫn còn ham mê mấy trò câu cá câu tôm, lấy sở thích làm nghề.

Quang ham chơi, nhưng cũng chưa đến nỗi vô tâm vô tích với vợ. Mấy tháng nay Quang theo người làng sang Trung Quốc tìm việc, chui lủi chứ không có giấy tờ. Danh không biết là chồng làm gì, nhưng xa vợ con nơi đất khách, Quang dường như có khôn lên đôi chút, đã biết thương vợ con vất vả ốm đau, thi thoảng có gửi tiền về. Mỗi tháng đâu đó được ít triệu, nhưng cũng phập phù không biết bị bắt lúc nào.

3qh3 1476596299290
4qh12 1476596299542
Mang căn bệnh chân voi nên cháu Minh rất đau đớn.

Danh cả ngày bám mặt ngoài chợ bán thuê cho chủ hàng, cuối tháng đầy đủ ngày công thì nhận đúng 1 triệu 8. Vị chi 60 ngàn 1 ngày, lại được bao ăn sáng trưa, còn đỡ hơn là ở nhà nhìn vào mấy sào mía. Ngồi trông thế thì biết đến bao giờ cho mía lớn, mà con thì cứ đau sốt liên miên, tháng nào cũng phải xuống thành phố Vinh lấy thuốc.

Bé Minh sinh ra là đã làm bạn với dao kéo phòng mổ và thuốc thang. Chưa tròn đầy tháng đã lên bàn phẫu thuật để bác sĩ xử lý phần xương cụt sau lưng mọc lên như đuôi chuột. Nhưng đưa về nhà được mấy tháng thì phần cắt bỏ đó lại nổi lên, lúc đầu chỉ như đầu đũa, càng lớn nó càng giống khối u xương, cứng và sần sùi. Giờ chỉ cần Minh trần truồng, phần dị tật đó như dấu vết của một chú khỉ con đang mọc lên một cái đuôi mới.

5qh5 1476596299381
Dù được phẫu thuật xương cột sống, nhưng vẫn còn những khúc thịt mọc ra ở xương cụt.


6a5 1476598359266
Căn bệnh chân voi khiến cháu Minh đau đớn.

Dị tật đó mới chỉ là khởi đầu cho những biến dạng liên tiếp lên trên cơ thể của đứa trẻ nhiều bất hạnh. Tay và chân của bé, phát triển theo những quy luật đối nghịch với nhau. Tay phải và chân trái lớn bất thường (người dân địa phương thấy cháu Minh bị vậy gọi là cậu bé chân voi-PV), phồng lên căng mọng như người phải bỏng, đỏ ửng.

Nó hút hết dưỡng chất trong cơ thể đứa trẻ, phần còn lại, tay trái và chân phải lại nhỏ thó, yếu ớt, xanh lè của kiểu bị rút cạn dinh dưỡng. Danh đưa tôi xem một lô lốc giấy tờ đi viện, BV Nhi Nghệ An rồi cả BV Nhi Trung ương, các bác sỹ đều ghi bệnh của bé là chứng phì đại chân trái, tay phải, chỉ định phải phẫu thuật mới may ra mang lại cho bé cơ hội sống lâu dài.

“Nhà em không có tiền nữa, con thì đau mà không biết làm sao. Bố nó ở bên Trung Quốc nhưng cũng làm anh chui lủi không biết sao cả. Ông bà thì già yếu, lại không có của mà cho cháu chữa bệnh đâu. Đến cái ăn của cả gia đình giờ cũng chắt chiu lắm, em chỉ mong con được bình thường…”, Danh tâm tư.

Nhìn bé Minh, với tay chân ấy, dễ hình dung hình ảnh giống như chú cua nhỏ, với những chiếc càng phát triển không đều. Bé lơ quơ tìm cách điều chỉnh cơ thể mình, đứng lên rồi cố trụ cho chắc nhưng đều không vững, Minh bước chấm phẩy mấy cái rồi loạng choạng ngồi tụt xuống, thở dốc khó nhọc. Đi đứng quá khó khăn, nên tư thế mà bé hay áp dụng nhất là hết nằm ngửa rồi chuyển sang nằm sấp trên mặt sàn nhà, hay cuộn tròn trong vòng tay của mẹ và ông bà nội.

Tôi sờ tay vào những bộ phận phồng rộp trên người bé như chạm phải người bị bỏng nước sôi, mềm và căng mướt, làn da con trẻ như bong bóng bơm nước chực chờ vỡ. Đùi và cánh tay bị phì đại nóng ran như người cảm sốt, nhưng từ đầu gối trở xuống buốt lạnh cứng đờ.

7a3 1476598359345
Chị Danh mẹ cháu Minh hiện đang đi bán hàng cho một cửa hàng cách nhà tầm 10km và phải gửi con cho ông bà trông coi.

Chỗ đỏ ửng tụ máu, có nơi lại tím tái tắc nghẽn, mạch máu gân xanh hiện rõ ràng như khi đưa tay chân soi áp dưới ánh đèn. Cũng vì chứng bệnh lạ kỳ này, bao lần đưa đến viện, các y bác sỹ muốn tìm ven tiêm thuốc phải vất vả lần mò. Cũng từ đó, thấy màu áo trắng của bác sỹ, Minh đều hoảng hồn la khóc, oặt người trong vòng tay Danh mà né tránh, bà mẹ trẻ chỉ biết cắn môi đứt từng khúc ruột.

Minh nhà em đi viện suốt, chẳng có điều kiện ra Hà Nội, nên thường xuyên nhập viện nhất vẫn là bệnh viện Nhi Nghệ An. Lâu lâu những bộ phận bị phì đại lại trở chứng, từ nóng ran đỏ ửng như cua luộc chuyển thành tụ máu cứng ngắc, Danh lại đành xin chủ hàng tay xách nách mang đưa con xuống thành phố điều trị. Cái vòng luẩn quẩn tiền làm ra không đủ dắt lưng lại chi phí đi lại thuốc men, càng làm cho dáng vẻ bần hàn của bà mẹ người dân tộc Thanh - Trương Thị Danh còng rạp.

8qh15 1476596299142
Căn bệnh tay to đối nghịch với chân khiến cháu thường xuyên đau đớn.

9a4 1476598359391
Ánh mắt bà cháu như đang cầu cứu điều gì đó.

Bố mẹ chồng của Danh, bà Trương Thị Khẩn và ông Trương Văn Hoan, mới trên dưới 60 mà răng đã rụng móm mém, lộ rõ kiểu khổ của người vùng núi đồi nghèo đói. Mà khi đã nghèo đói lâu quá rồi, ông bà muốn thương cháu con cũng đành chịu cho số phận phó mặc.

Nhà chỉ mỗi trồng mía, chỉ chờ đến mùa mới có chút tiền dư, nên dù cháu ốm đau èo uột, ngày thường bé Minh cũng dùng chung thức ăn cùng người lớn. Hằng ngày khi con dâu đi bán hàng, ông bà thay phiên ôm bồng bế nựng đứa cháu mới sinh ra đã thấm nhiều đau đớn. Thương cháu thì chỉ có cách mua thêm sữa hộp cái thiện cho bé những ngày nóng sốt, giản đơn đến hết mực.

Bà Trương Thị Khẩn nói mà như khóc: “Gia đình bần hàn quá, con Danh nó “bỏ” con cho ông bà mà đi làm thêm, chứ ở nhà thì càng khốn khó thêm biết lấy gì mà ăn. Thằng chồng nó đi xa lâu rồi nó không có gửi tiền về, không biết nó thế nào nữa. Giờ đây tội nhất là thằng cu nhóc này (cháu Minh) đang mang bệnh nặng mà không biết lấy đâu ra tiền mà chữa cho nó. Các chú có thương thì cứu cháu với…”. Bà Khẩn nói đoạn rồi đưa bàn tay chai cứng lau chùi nước mắt.

Tháng rồi, Danh xuống thành phố Vinh lấy thuốc cho con, say xe khách lơ ngơ cả quãng đường dài, bị người lạ rút mất điện lúc nào không hay, đúng là phận khổ đụng vào đâu đã túng lại thêm thiếu. Càng về cuối năm Danh thêm rối trí, theo lịch các bác sĩ ngoài viện Nhi Hà Nội hẹn phẫu thuật cho bé Minh càng lúc cận kề. Mà đâu phải ca bình thường, chẳng có bảo hiểm y tế nào, dù chế độ là trẻ nhỏ, là người dân tộc, là hộ nghèo “bền vững”, thì cũng phải có tiền chục tiền trăm người ta mới xử lý cho ca bệnh vượt khung này.

Thật đúng là đánh đố, một ca bệnh kỳ quái phát tác không ngừng trên thân thể oặt ẹo của cháu bé chưa đầy 3 tuổi, cùng với nó là sự rối trí không thấy lối ra của người mẹ chưa một ngày rảnh rang từ khi sinh con.

10a9 1476598359298
Bé con hễ cứ thấy người lạ là khóc, ôm lấy bà.

11donthohop 1476597663086
Giấy chứng nhận hoàn cảnh của gia đình Danh.

Mới non buổi sáng mà trong nhà đã hực lên cái nóng miền đồi núi, cả mấy người nhà Danh ngồi ép vào nhau trên chiếc ghế đã nứt toác khắp nơi, nhìn phóng viên chúng tôi như ân nhân cứu mạng, hi vọng và van nài. Dường như với họ, cái gia đình khốn khó này, có gì đó để mà hi vọng bé Minh thoát khỏi chứng bệnh quái ác kia họ cũng sẽ tin đó là sự thật.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Trương Thị Danh, xóm Đò, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. SĐT: 0982.607.479

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP