Nhân ái

Xót thương hai đứa trẻ "hỏi cha lắc đầu, hỏi mẹ òa khóc"

Khi đứa con gái mang hai đứa cháu không rõ cha về, bà động viên con vững tâm mà sống. Nhưng khi người con gái đột ngột qua đời, để lại cho bà 2 đứa cháu nhỏ dại cộng thêm một người con ngớ ngẩn từ khi mới chào đời thì chính bà lại cần chỗ dựa khi bản thân mình mang chứng bệnh tim.

Thương cảnh mẹ bênh tim nuôi con tật nguyền, hai cháu mồ côi
Xen lẫn cuộc trò chuyện của chúng tôi là những tràng cười, khóc vô cảm của chị Nguyễn Thị Hằng (SN1974). Có lẽ cuộc đời quá nhiều nỗi đau khiến bà Nguyễn Thị Tem (SN 1947, xóm 7 – Khánh Sơn 2, xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) không còn nước mắt mà khóc nữa. Bà lặng lẽ nhìn hai đứa cháu nhỏ thó đen nhẻm, nhìn sang đứa con gái có lớn mà không có khôn rồi nhìn lên bàn thờ chị Nguyễn Thị Dung (SN 1980) - đứa con gái vốn chịu nhiều truân chuyên trong đường tình duyên. Cách đây vừa đúng một tháng, một buổi sáng mai, bà sang lay con gái dậy để đi làm thì chết lặng khi con gái mình chỉ là cái xác không hồn.
Con gái đột ngột qua đời, để lại cho bà Tem hai đứa cháu nhỏ trong khi bản thân bà cũng đang mang bệnh tim trong người.
Gần chục năm trước, chị Dung vào miền Nam làm thuê rồi sinh bé Nguyễn Gia Nhật Linh ở trong đó. Chẳng ai biết bố của thằng bé là người thế nào, gia cảnh ra sao. 9 tháng, Linh được cậu vào đón về. Trong trí nhớ của người cậu, cha bé Linh vạm vỡ, cục cằn và hơi bụi bặm. Hai mẹ con về nhà ngoại tá túc, khi thằng bé được 2 tuổi thì mẹ nó lại khăn gói vào Nam. Lần này chị Dung trở về cùng một đứa nhỏ, đặt tên là Nguyễn Gia Thái Bảo. Hỏi về chồng, chị Dung chẳng bao giờ trả lời cho đến độ năm ngoái, chị bảo cha của hai bé đã chết.
Trở về quê, chị Dung làm lụng cật lực nuôi hai con và phụ mẹ già chăm sóc người chị thiểu năng trí tuệ. Một mình chị quần quật trên 9 sào ruộng cũng chỉ đủ cho 5 miệng ăn trong nhà. Bà Tem vốn là thương binh dân công hỏa tuyến với tỷ lệ thương tật 4/4 cộng với căn bệnh suy tim nên hầu như không lao động được nặng. Từ hồi người chồng bà Tem qua đời, toàn bộ gánh nặng kinh tế trong nhà do một tay chị Dung lo liệu. Cuộc sống khó khăn chồng chất nhưng dẫu sao còn có người gánh vác.
Ngoài việc nuôi nấng 2 đứa cháu mồ côi, hơn 40 năm nay bà Tem phải chăm sóc đứa con gái tật nguyền.
Sau một đêm, chị Dung không tỉnh dậy nữa. Bà Tem như thân chuối héo đổ ập giữa trời đông khi một tay nuôi hai cháu mồ côi và chăm sóc đứa con tật nguyền. “Bình thường thì cái Hằng chỉ nằm cười khanh khách, hết cười thì khóc, ú ớ những tràng vô nghĩa. Còn động trời, nó lên cơn thì tôi hết khổ. Nó khóc lóc, đập phá, xé chăn màn, quần áo, cào rách cả mặt mũi. Dỗ dành không được, có khi tôi phải dọa nạt, thậm chí đánh nó. Tội nghiệp, nó là đứa có lớn nhưng không có khôn nhưng bị mẹ đánh cũng biết sợ”, bà Tem ứa nước mắt. Tôi hiểu, người mẹ ở thế cùng đường mới phải dùng roi vọt với đứa con tật nguyền của mình.
Chị qua đời, để lại cho bà hai đứa cháu, một lên 10, một lên 8. Bố nó chết rồi hay như nào không ai biết, bà Tem thương cháu nên cố gắng đùm bọc, cưu mang. Cũng may, anh con trai Nguyễn Trọng Dũng ra riêng ngay sát vườn chạy qua chạy lại hỗ trợ mẹ nuôi cháu. Vợ chồng anh Dũng cũng chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng lại nuôi 3 đứa con ăn học nên thương cháu cũng không biết phải làm sao.
Hai anh em Linh còn quá nhỏ, không cha giờ lại thêm mất mẹ.
Hồi chị Dung còn sống, không thuộc tiêu chuẩn được vay tiền ngân hàng chính sách xã hội nên phải nhờ hàng xóm đứng tên vay hộ. Hai khế ngân hàng, vị chi là 40 triệu, để sữa chữa nhà cửa, mua thêm con bò phát triển kinh tế. “Nó chết, người ta không thể trả hộ mấy chục triệu cũng đến nói khó. Họ thương, vay hộ cho mình, giờ chẳng lẽ mình đổ nợ lên họ, sống coi răng được. Tuần trước tôi phải bán con bò rồi, khoản nào họ cần thì trả trước, khoản nào chưa cần thì thư thư rồi tính tiếp chứ giờ bà già, cháu dại, không biết trông vào đâu cho ra tiền.
Cũng may thương cảnh hai đứa mồ côi, nhà trường miễn cho các khoản đóng góp, thầy cô giáo cho thêm sách vở, bút giấy nên sự học không bị đứt đoạn chứ cái thân già như tôi, răng mà lo nổi cho các cháu?”, bà Tem ngừng nói, ngước mắt lên nhìn bàn thờ đứa con gái xấu số. Bà không khóc nhưng có lẽ nước mắt đã lặn vào trong.
Hỏi về cha, cả hai anh em đều lắc đầu không biết, hỏi về mẹ, hai đứa nhỏ đều rơm rớm nước mắt, bảo "con nhớ mẹ lắm".
Chị Dung qua đời, chiếc giường cũng chẳng nỡ đốt nhưng ba bà cháu chẳng dám nằm. Thành ra 4 con người, cả già, cả trẻ, cả người bệnh nằm chung một cái giường ọp ẹp. Trời trở rét, chị Hằng lại ú ớ kêu đau, cào cấu tóc tai rũ rượi. Những lúc tựa hồ con có thể lên cơn, bà Tem lại “sơ tán” hai đứa cháu sang nhà anh con trai để ngủ. Có khi, dỗ được con ngủ, bà châm thêm lên bàn thờ đứa con gái vắn số nén hương rồi cứ thế ngồi thức đến sáng. “Tôi giờ còn gắng gượng được chứ mai này hai anh em thằng Linh biết bấu víu vào ai? Cậu mự có thương cũng được vài phần…”, bà Tem nén tiếng khóc bật ra.
Ở tuổi gần 70, bà Tem phải chăm đứa con tật nguyền và hai đứa cháu mồ côi.
Ông Đặng Văn Phúc – xóm trưởng xóm 7 - Khánh Sơn 2 (xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: “Gia đình bà Tem nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, cần phải cứu trợ của xã. Khi chị Dung qua đời thì hoàn cảnh càng bi đát hơn. Hàng xóm láng giềng ai cũng thương nhưng cũng không thể giúp được nhiều vì ai cũng khó khăn cả. Sắp tới vụ Đông Xuân, xóm cũng vận động bà con góp thêm tay cày cấy giúp mấy sào ruộng để bà cháu, mẹ con còn có cái ăn”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:Nguyễn Thị Tem – xóm 7 – Khánh Sơn 2, xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An ĐT: 0976.650.272 (anh Dũng – con bà Tem)

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP