Ngày 1/6, ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân, cho biết trước mắt, chính quyền địa phương sẽ làm giấy khai sinh cho cháu bé và bàn giao cháu cho Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận.
Nhà vợ chồng chị Khương đang ở là nhà tình thương nhưng đã xuống cấp trầm trọng. |
Theo ông Ngọc, hiện Công an huyện Hàm Tân vẫn chưa xác định ADN cháu bé có phải là con ruột của chị Khương hay không. Vì thế, phương án đưa ra là giao cháu bé cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận chăm sóc.
“Nếu xác định cháu bé đúng là con của chị Khương và gia đình có yêu cầu nhận con về nuôi thì cơ quan chức năng huyện Hàm Tân sẽ phối hợp với xã Tân Thắng rà soát lại thông tin hộ nghèo của gia đình để có hướng hỗ trợ theo thẩm quyền. Cháu bé hiện vẫn đang được chăm sóc chu đáo tại Bệnh viện thị xã La Gi. Cháu bé đã khỏe mạnh, vết thương tiến triển tốt”, ông Ngọc nói thêm.
Hai người con đầu của chị Khương cũng sống với bà ngoại. |
Liên quan đến việc bé trai sơ sinh bị chôn sống được trao lại cho người mẹ nuôi dưỡng, dư luận có nhiều tranh cãi về quyền nuôi con của gia đình và sự an toàn phát triển toàn diện sau này của bé.
Theo đó, sáng 26/5, chị Nguyễn Thị Thủy Trúc (31 tuổi, Hàm Tân, Bình Thuận) ra vườn tràm cạnh nhà thì phát hiện bé trai lấm lem đất cát còn cả nhau thai và dây rốn bị chôn sống.
Cháu bé đã được phát hiện trong tình trạng còn nhau rốn, người dính đầy đất cát. Trên má trái bị rách một đoạn chừng 5cm. Thời điểm được đưa lên khỏi mặt đất, bé trai có cất tiếng khóc.
Mọi người nhanh chóng đưa bé tới trạm xá rồi chuyển đến bệnh viện. Một nhân chứng tại địa phương cho biết, sau khi đưa bé đến Bệnh viện La Gi, cơ quan chức năng đã phát thông báo để truy tìm tung tích người thân của bé.
3 ngày sau, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính người mẹ, đó là bà Trần Thị Á Khương, 40 tuổi, dân tộc Chăm, đang sinh sống tại thôn Phò Trì, xã Tân Thắng.
Bà Khương cho biết, do sợ gia đình chồng chửi mắng, nên khi sinh con, chính bà đã đem con đi bỏ và lấy tay bới đất chôn cháu bé ở vườn cây keo lá tràm gần nhà. Vết thương trên mặt bé là do khi đẻ rơi cháu xuống đất bị miếng tôn cắt mặt cháu.
Không ít người quan tâm đến vụ việc lại cho rằng, nếu giao lại cháu bé cho mẹ thì nhiều khả năng phát sinh rủi ro. Bởi theo một số người thân trong gia đình, bà Khương từ nhỏ đã mắc bệnh động kinh, phát triển không bình thường. Nhiều người băn khoăn, người mẹ từng có ý định giết con lại có tiền sử động kinh thì khi cháu bé được bà mẹ nhận lại nuôi, liệu có an toàn?
Trên thực tế, 2 con lớn của chị Khương từ lâu đã sống với bà ngoại. Mẹ chị Khương thở dài: "Chúng tôi đang chờ trả lời từ phía công an để xác định nhân thân của cháu bé. Nếu xong thủ tục, gia đình sẽ nhận cháu về nuôi nhưng sẽ để bé ở nhà bên này cho tôi chăm sóc, chứ không để Khương nuôi được vì tinh thần nó lúc tỉnh lúc mê, không biết đâu mà lần”.
Trao đổi với PNVN, bà Trần Thị Bình Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Tân cho biết, ngay khi biết thông tin vụ việc, Hội LHPN địa phương đã đóng vai trò chính trong việc tham gia cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé. Hội cắt cử người thường xuyên túc trực để cùng BV thị xã La Gi ngày đêm chăm sóc, cho bé bú sữa, trông nom cháu bé… giúp cháu dần phục hồi sức khỏe.
Về việc giao cháu bé cho ai nuôi dưỡng trong thời gian tới, bà Hương bày tỏ quan điểm: “Trước đây, khi chưa tìm được mẹ thì chính quyền địa phương dự tính giao cháu cho Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi của tỉnh. Tuy nhiên, đến giờ mẹ của cháu đã đến nhận con, thì chính người mẹ này mới có quyền quyết định về tương lai của cháu”.
“Nếu như mẹ cháu có đời sống, điều kiện quá khó khăn, không thể nuôi được, nhờ cơ quan Nhà nước chăm sóc, thì cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận để nuôi dưỡng, dạy dỗ”, bà Hương cho biết thêm.
Luật sư Trần Minh Hùng thuộc Văn phòng luật sư Gia đình thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM |
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Văn phòng luật Người nghèo thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định, theo điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015 tội Giết con hoặc vứt bỏ con mới đẻ quy định, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trong trường hợp này, người mẹ là vứt bỏ con, hành vi chôn dưới đất là giết con mới đẻ. Đứa bé được may mắn cứu sống là nằm ngoài ý muốn của người mẹ. Đối với một người mẹ phát triển bình thường về tâm - sinh lý, đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên.
“Tuy nhiên, trường hợp người mẹ mắc các bệnh nhất định liên quan đến hoạt động tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét lại quyền giám hộ và khả năng nuôi con của bà Khương nếu xác định bà có vấn đề về tâm thần. Quyền nuôi con sẽ được giao lại cho người cha, nếu ông này có nguyện vọng và đủ khả năng nuôi dưỡng đứa trẻ”, luật sư Hiếu cho biết thêm.
Khác với quan điểm trên, luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng luật sư Gia đình thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi đứa trẻ mới đẻ bị giết hoặc bị vứt bỏ phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ, nếu người mẹ có hành vi trước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ, nhưng đứa trẻ không bị chết thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và như vậy tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.
Theo luật sư Hùng, tội giết con mới đẻ có rất nhiều yếu tố đặc thù cần xem xét hơn những tội hình sự khác. Xét về mặt pháp lý thì do đứa con chưa chết nên người mẹ chưa đủ yếu tố cấu thành tội giết con mới đẻ.
Luật sư Hùng cho hay: “Trường hợp bà Khương bị tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức thì người cha là người có quyền nuôi dưỡng đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu bà Khương đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì không có quy định pháp lý nào nghiêm cấm việc bà muốn nhận lại con về nuôi. Nhưng nếu hai vợ chồng bà Khương không muốn nuôi bé thì bà ngoại sẽ là người giám hộ hợp pháp của cháu. Theo tôi, việc giao cháu bé lại cho bà ngoại chăm sóc như hai anh chị của cháu là hợp tình, hợp lí”.
Tác giả: Đinh Thương- Việt Hùng
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam